Tạo đà cho những thế mạnh nông nghiệp

03:11, 30/11/2016

Việc tổ chức, sắp xếp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, bền vững được các ngành từ huyện đến cơ sở và nông dân thực hiện bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị tăng và phát triển bền vững” giai đoạn 2014- 2020, việc tổ chức, sắp xếp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, bền vững được các ngành từ huyện đến cơ sở và nông dân thực hiện bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Diện tích chuyển đổi trồng chôm chôm ở cù lao cho trái vụ đầu tiên.
Diện tích chuyển đổi trồng chôm chôm ở cù lao cho trái vụ đầu tiên.

Tăng năng suất và lợi nhuận

Đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể trong tái cơ cấu nông nghiệp:

“Tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.

Đẩy mạnh các hoạt động liên kết “4 nhà” để nâng cao giá trị nông sản, đảm bảo lợi ích cho nông dân, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế trang trại, các hình thức hợp tác nhằm tạo các vùng sản xuất tập trung, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng nông sản”.

Theo đó, Long Hồ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời tổ chức tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật học tập rút kinh nghiệm cho nông dân.

Tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, xây dựng và phát triển các mô hình chuyên canh, xen canh đạt hiệu quả bền vững đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhân rộng các mô hình nông nghiệp có hiệu quả.

Phát triển mở rộng diện tích cánh đồng lớn, củng cố lại các tổ hợp tác sản xuất nhằm giảm chi phí canh tác, tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân.

Đến nay, địa phương đã triển khai thực hiện 62 mô hình nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững.

Các mô hình đã được triển khai gồm: mô hình cánh đồng mẫu; mô hình trồng đậu nành trên đất ruộng; mô hình trồng hành theo hướng VietGAP; trồng nấm rơm trong nhà kính; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích vườn tạp, vườn kém hiệu quả; mô hình trồng nhãn theo VietGAP; dừa xiêm lùn; nuôi gà nòi thả vườn trên đệm lót sinh thái; nuôi gà theo hướng VietGAP; nuôi heo trên đệm lót sinh thái;...

Tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh, Long Hồ đã đầu tư thi công 31 công trình thủy lợi đến nay diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện cơ bản được khép kín.

Bên cạnh đó, huyện còn tập trung tổ chức, sắp xếp lại ngành trồng trọt theo quy hoạch sử dụng đất, trong đó chú trọng sản xuất theo hướng sạch, an toàn, hiệu quả và bền vững.

 

 

Mục tiêu mà huyện Long Hồ đề ra đến năm 2020 là giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản tăng bình quân 3%; giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên một đơn vị diện tích đạt 195 triệu đồng/ha/năm.

Thế mạnh thủy sản

Để hỗ trợ nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững, trong năm qua Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã đầu tư 2 mô hình nuôi cá thác lác cườm và cá sặt rằn tại xã An Bình mỗi mô hình đầu tư 0,2ha với kinh phí 144 triệu đồng.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư mô hình nuôi cá bông lau với số lượng 2.000 con và 12.000 con cá heo tại xã Đồng Phú.

Bên cạnh việc hỗ trợ con giống, ngành nông nghiệp huyện còn tổ chức nhiều buổi hội thảo, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân chuyển đổi từ mô hình nuôi truyền thống sang mô hình nuôi theo hướng an toàn VietGAP có hiệu quả, tăng thu nhập cho gia đình, vận động các hộ thả nuôi cá không sử dụng chất cấm.

Theo dõi sát sao tiến độ thu hoạch cá lồng bè và cá nuôi hướng xuất khẩu tại các xã cù lao. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh con giống và thức ăn thủy sản, đảm bảo cung cấp nguồn giống, thức ăn có chất lượng tốt phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó có giải pháp hỗ trợ vốn, kỹ thuật và xúc tiến tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm thủy sản.

Mặc dù triển khai được 3 năm, thực tế vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, song nhìn chung, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện đã được chú trọng và phát triển toàn diện cả về chất và lượng.

Công tác chỉ đạo sản xuất đã bám sát các điều kiện thực tế của từng địa phương, diện tích trồng lúa và các cây rau màu đảm bảo đạt và vượt kế hoạch đề ra, cơ cấu cây trồng vật nuôi có nhiều chuyển biến tích cực.

 

Năm 2016, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Long Hồ vẫn ổn định so với cùng kỳ năm trước với tổng diện tích 390ha. Trong đó cá tra nuôi theo hướng xuất khẩu 110ha, tăng 1ha; số lượng lồng, bè nuôi cá tăng 253 lồng, bè so cùng kỳ. Ngoài ra còn có 35 hộ nuôi các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như: lươn, ếch, ba ba, cá heo, cá thác lác cườm, cá lóc. Diện tích nuôi thủy sản tập trung nhiều ở một số xã cặp sông Tiền như: An Bình, Đồng Phú, Bình Hòa Phước và Hòa Ninh.

 

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh