Hướng đi cho nông nghiệp đô thị

07:11, 30/11/2016

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014- 2020, TP Vĩnh Long đã phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Lãnh đạo tỉnh, thành phố tham quan mô hình trồng lan bước đầu mang lại hiệu quả của chị Thủy (thứ 3 bên trái).
Lãnh đạo tỉnh, thành phố tham quan mô hình trồng lan bước đầu mang lại hiệu quả của chị Thủy (thứ 3 bên trái).

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014- 2020, TP Vĩnh Long đã phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả thiết thực.

Trồng dừa xen canh trong vườn cam

Đến tham quan mô hình trồng dừa xen canh trong vườn cam sành, cam xoàn của ông Lê Văn Thái (ấp Tân Phú, xã Tân Hòa) mới thấy hết hiệu quả của việc tận dụng mọi diện tích canh tác để nâng cao thu nhập.

Trước đây, ông Thái làm nghề buôn lúa, qua đi nhiều nơi và tham quan nhiều mô hình nông dân sản xuất giỏi, ông Thái luôn đắn đo suy nghĩ “tại sao mình có vườn ruộng mà bỏ hoang, không đầu tư sản xuất kinh doanh”.

Thế là ông quyết định lên liếp lập vườn, nhưng “trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao” luôn là câu hỏi lớn, rồi ông lại có nhiều đêm thức trắng để suy nghĩ chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi vườn nhãn của ông năng suất ngày càng tăng mà giá ngày càng giảm, có lúc chỉ còn 1.000- 2.000 đ/kg.

Thế là ông đốn bỏ 7.000m2 nhãn da bò để trồng thử nghiệm cây cam sành. Qua 2 năm, cây cho trái chiếng với sản lượng 5 tấn/công, giá bán 15.000 đ/kg, trừ chi phí ông thu lãi tổng cộng 300 triệu đồng/năm.

Thấy hiệu quả, ông tiếp tục trồng thêm 5.000m2 cam sành xen cam xoàn cạnh bờ mương để tăng thu nhập. Hiện, ông còn trồng thêm 500 cây dừa dứa, thu hoạch 100- 200 trái/ngày, giá bán 8.000 đ/trái, cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, ông còn tận dụng trồng các nọc tiêu cặp cây dừa để nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích canh tác.

Ông Châu Minh Tuấn- Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Hòa giới thiệu: Ông Thái là một trong những nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và được nêu gương điển hình mô hình nông nghiệp đô thị cần được nhân rộng.

Nhờ được ông Thái nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao mức sống.

Cần đầu tư để phát triển bền vững

Còn vườn lan Dendro nắng và Mokara của chị Nguyễn Thị Thủy (ấp Tân Thuận An, xã Tân Ngãi) thật đẹp mắt với những bông hoa tím, vàng bừng khoe sắc thắm. Gần đây, chị được Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh hỗ trợ 1.300 cây lan.

Tận dụng khoảng sân trống trước nhà, chị phát triển mô hình trồng lan khá hiệu quả. Đối với lan Dendro nắng, giá bán 800 đ/bông, cứ 5- 7 ngày, chị Thủy cắt cành bán cho thu nhập 500.000- 600.000đ.

“Hiện tui đang đặt mua một số chậu lớn để bán Mokara vào dịp tết, dự kiến giá bán 2-5 triệu đồng/chậu”, mỗi chậu 8- 18 cây- chị Thủy cười tươi.

Lãnh đạo tỉnh, thành phố tham quan và chia sẻ kinh nghiệm với ông Thái (bìa phải) về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở đô thị.
Lãnh đạo tỉnh, thành phố tham quan và chia sẻ kinh nghiệm với ông Thái (bìa phải) về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở đô thị.

Cùng ấp Tân Thuận An, anh Dương Văn Bảy cũng được hỗ trợ cây giống, cứ 3- 4 bữa cắt cành lan Dendro nắng bán, thu được 300.000- 400.000đ. Anh cho biết:

Tui trồng từ tháng 8/2015 đến nay mà cây vẫn còn phát triển tốt. Thấy trồng có hiệu quả, tui định sẽ đến các trại giống tìm giống mới có bông dài và nhiều hơn để nâng cao thu nhập.

Theo bà Nguyễn Thị Phỉ- quyền Bí thư Đảng bộ xã Tân Ngãi: Vừa qua, Trung tâm Cây giống Vĩnh Long hỗ trợ 9 hộ trồng 10.800 cây lan Dendro nắng và Mokara.

Theo đó, mỗi hộ đối ứng từ 7- 20 triệu đồng làm nhà lưới, giàn, chậu, hệ thống phun tưới... để phát triển mô hình. Hiện, các hộ này đang chuẩn bị bông để bán dịp tết. Các thành viên trong tổ trồng lan đều có họp lệ vào cuối tháng để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.

Toàn xã đang thực hiện 6 mô hình nông nghiệp đô thị có hiệu quả, như: nuôi bồ câu an toàn sinh học, nuôi gà trên đệm lót sinh học, nuôi lươn thương phẩm trong lồng đặt ở ao đất, trồng rau màu baby trong màn gia đình và trồng hoa lan hay thành lập tổ hợp tác trồng thanh long. Hầu hết, các mô hình này khá phù hợp với các hộ ở đô thị và vùng ven- nơi có diện tích đất nhỏ hẹp.

Ngoài ra, còn có dự án “hỗ trợ cây giống xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái tỉnh giai đoạn 2015- 2017, đã thực hiện 2 đợt, có 82 hộ tham gia với diện tích gần 24ha, tổng số gần 5.950 cây giống nhãn Idor, nhãn xuồng, bưởi da xanh, chôm chôm,...

Theo Bí thư Đảng bộ xã Tân Ngãi Nguyễn Thị Phỉ: Nhìn chung, đầu ra hoa lan có lúc bị ứ đọng, giá thấp, giống lan được đầu tư chưa cạnh tranh với thị trường hiện nay; giống cây trồng còn yếu, cây bị chết 30- 40%.

Để phát triển mô hình nông nghiệp đô thị có hiệu quả, chúng tôi rất mong được hỗ trợ thêm một số giống hoa phong lan mới để tổ trồng lan có thể cạnh tranh được với thị trường hiện nay, tìm đầu ra ổn định, đầu tư kinh phí xây dựng nhiều nhà lưới và hướng dẫn kỹ thuật trồng rau sạch an toàn cho nông dân.

Phó Bí thư Thành ủy- Nguyễn Văn Dũng cho biết: Nhờ đê bao, thủy lợi nội đồng khép kín nên việc sản xuất được đảm bảo, nông dân biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn giống phục vụ sản xuất chưa đảm bảo, kinh phí còn hạn chế nên các mô hình đầu tư cho nông nghiệp đô thị chưa nhiều.

 

Đầu năm đến nay, toàn TP Vĩnh Long xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp đô thị, đã chuyển 64,1ha đất trồng chuyên canh lúa sang trồng 2 lúa 1 màu; xây dựng 8 mô hình trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng thí điểm mô hình ứng dụng hệ thống tưới phun và sản xuất rau an toàn. Đồng thời, được tỉnh cấp hơn 3.200 cây giống ăn trái, trên 13.200 cây hoa lan theo dự án đầu tư hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị.

 

  • Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh