Tái cơ cấu nông nghiệp: Còn lắm khó khăn

01:07, 26/07/2016

Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng tổng thể sản xuất nông nghiệp (NN) vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy nguyên nhân do đâu và giải pháp nào để khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc để đề án đạt hiệu quả?

Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng tổng thể sản xuất nông nghiệp (NN) vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy nguyên nhân do đâu và giải pháp nào để khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc để đề án đạt hiệu quả? Đó là vấn đề được các cấp ngành tích cực thảo luận trong buổi họp sơ kết 6 tháng thực hiện đề án tái cơ cấu NN.

Tái cơ cấu nông nghiệp đã có những kết quả khá trên một số mặt.
Tái cơ cấu nông nghiệp đã có những kết quả khá trên một số mặt.

Vẫn khó đầu ra

Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Vĩnh Long đã tạo nhiều vùng sản xuất NN hàng hóa chuyên canh, quy mô lớn gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Trong đó, nhiều hoạt động hỗ trợ khôi phục vườn chuyên canh cây ăn trái và phát triển các vườn chuyên canh mới.

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi đang đúng hướng: đàn bò, đàn gia cầm tăng mạnh, giá bán các sản phẩm đảm bảo cho nông dân có lãi, sản xuất quy mô lớn ngày càng nhiều, con giống được đầu tư, công tác tiêm phòng được chú trọng...

Cụ thể, tại Bình Tân, tuy bị ảnh hưởng của khô hạn, song huyện đã tập trung chỉ đạo duy trì và phát triển tốt cây màu, khôi phục vườn cây ăn trái hiệu quả, phát triển chăn nuôi tận dụng phụ phẩm trong NN.

Đặc biệt huyện đã vận động nông dân trồng mè trên gò đất cao để chống hạn. Ông Bùi Văn Ngọc- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết:

Các cây màu có hiệu quả kinh tế cao được chú trọng, trong đó, khoai lang tím Nhật đạt lợi nhuận 230 triệu đồng/ha, cao hơn 20 lần trồng lúa, hành lá lợi nhuận 178 triệu đồng/ha, gấp 17 lần so trồng lúa, một số loại rau màu khác như mè, dưa hấu lợi nhuận 20- 30 triệu đồng/ha, gấp 2- 3 lần trồng lúa.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc giảm diện tích lúa kém hiệu quả và tăng diện tích rau màu chưa đạt kế hoạch tái cơ cấu, thủy sản vẫn chưa có tín hiệu lạc quan... Nguyên nhân do còn nhiều vướng mắc về thị trường tiêu thụ, sản xuất còn nhỏ lẻ tự phát, liên kết sản xuất tiêu thụ còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Trang- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Nhiều nông dân sản xuất theo phong trào, không theo quy hoạch. Trong khi đó, liên kết “4 nhà” vẫn còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, nông dân lúc nào cũng ở “kèo dưới” nên đầu ra cho nông sản vẫn còn rất nan giải.

Song song đó, theo ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT), rủi ro về môi trường, giá cả thị trường, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đang là những vấn đề đáng lo ngại hiện nay.

Hiện nay có rất nhiều chợ buôn bán nông sản, thực phẩm rất mất vệ sinh, tình trạng bơm nước vào heo, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sản phẩm động vật dư chất kháng sinh... vẫn còn diễn biến phức tạp. “Tái cơ cấu NN không thể thành công nếu không có sự góp mặt của doanh nghiệp.

Hiện nay, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NN còn hạn chế, thiếu những doanh nghiệp đầu tàu để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, chưa có doanh nghiệp NN công nghệ cao”- ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.

Cần những giải pháp thiết thực hơn

Trên thực tế, qua 3 năm thực hiện đề án, ngành NN vẫn chưa tạo được chuyển biến rõ rệt; tăng trưởng của ngành chưa thực sự vững chắc.

“Năng suất chất lượng một số loại nông sản vẫn còn thấp, cộng với chi phí sản xuất cao, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập… Đây là vấn đề cần sự vào cuộc chung, sự kết hợp chặt chẽ của địa phương”- ông Lê Thanh Tùng nói.

Phát triển nông sản đạt tiêu chuẩn yêu cầu của thị trưởng xuất khẩu, là một trong những giải pháp mà TS. Huỳnh Kim Định- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT) đề ra.

Theo bà, cần phát triển cây màu đa dạng sản phẩm, chế biến sản phẩm cao cấp, mang tính cạnh tranh để phân rõ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Cây ăn trái có nhu cầu xuất khẩu nên cần tạo vùng thâm canh lớn, chất lượng cao. Cây lúa cần điều chỉnh sản xuất theo hướng chất lượng cao…

Ông Nguyễn Thanh Trang cũng cho rằng hiện còn nhiều vùng sản xuất chuyển đổi chưa phù hợp cần xem xét lại quy hoạch, vùng nào lúa kém hiệu quả thì chuyển dịch ra sao?

Đề nghị kết hợp giữa sản xuất theo quy hoạch, chế biến, tiêu thụ nội địa, xuất khẩu. Hiện nông dân còn gặp khó về vốn, khoa học kỹ thuật, thông tin, đầu ra, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Ths. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Trong giai đoạn 2017- 2020, sẽ đề xuất điều chỉnh lại đề án, tùy điều kiện thực tế địa phương để có hướng phù hợp, không nhất thiết phải giảm lúa tăng màu.

Đồng thời sẽ tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả. Vĩnh Long không thể đặt ra trồng cây gì, con gì cụ thể mà sẽ tùy thế mạnh của từng vùng.

Tái cơ cấu NN không phải là vấn đề một sớm một chiều, mà là cả một quá trình với sự nỗ lực mạnh mẽ từ chính quyền đến người dân.

Để tạo cú hích cho quá trình tái cơ cấu NN, cần phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp. Trong đó, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chương trình hành động tái cơ cấu ngành NN để phát triển bền vững.

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện đề án nhận định: So với các năm trước, năm nay nhờ tập trung thực hiện đã ký kết hợp tác được nhiều đơn vị, nhà đầu tư, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật thu hút được người dân...

Tuy nhiên, về lâu dài cần nên trồng 1- 2 vụ lúa, điều chỉnh quy hoạch sản xuất cây trồng, vật nuôi, vùng quy hoạch sao cho phù hợp với từng vùng, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất có quy mô lớn, phát huy mạnh hơn nữa vai trò của hợp tác xã và doanh nghiệp, tăng cường thông tin mô hình sản xuất hiệu quả, xử lý nghiêm vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, vật tư NN.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh