Vùng ĐBSCL có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu cây ăn trái, thế nhưng tình trạng "tới mùa rớt giá" cứ lặp đi lặp lại, cộng với diễn biến hạn mặn ngày càng phức tạp khiến những hộ làm vườn lao đao.
Vùng ĐBSCL có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu cây ăn trái, thế nhưng tình trạng “tới mùa rớt giá” cứ lặp đi lặp lại, cộng với diễn biến hạn mặn ngày càng phức tạp khiến những hộ làm vườn lao đao.
Tìm hướng đi mới để phát triển bền vững các vườn cây ăn trái đang là vấn đề cấp bách đặt ra.
Tỉnh Long An khuyến cáo trồng thanh long theo quy trình để đảm bảo chất lượng |
Nhà vườn… thấp thỏm
Mấy ngày nay, thanh long kéo nhau rớt giá thảm hại khiến nhiều nhà vườn đứng ngồi không yên.
Ông Nguyễn Văn Năm, ở xã Đông Bình, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) than thở: “Khu vực này trước đây làm lúa nhưng hiệu quả không cao, do đó khi thấy một số hộ trồng thanh long làm giàu nên gia đình tôi làm theo. Không ngờ hiện nay vào vụ thu hoạch thì giá thấp quá”.
Cùng nỗi lo trên, ông Trần Văn Tâm, ngụ ấp Mỹ An B, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) bộc bạch: “Thanh long ruột đỏ sụt giảm chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg, trong khi thanh long ruột trắng chỉ 2.000 - 4.000 đồng/kg… giá thấp xuống tận đáy, vậy mà thương lái thu mua ì ạch làm cho nhà vườn vô cùng nóng ruột”.
Theo UBND xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo cho biết, giá thanh long sụt giảm mạnh làm cho người dân lo lắng, bởi đây là kinh tế chính.
Tuy nhiên, bất lợi cơ bản hiện nay là hầu hết các vườn thanh long đợt này bị bệnh khá nhiều, màu da không đẹp, do đó trái thanh long không thể xuất khẩu được mà phải tiêu thụ nội địa; trong khi nhiều nơi trúng mùa dẫn đến thừa sản lượng kéo giá giảm mạnh. Đối với một số diện tích thanh long ruột đỏ trái đẹp vẫn được thương lái thu mua khoảng 12.000 đồng/kg để phục vụ xuất khẩu, nhưng tỷ lệ không nhiều…
Trong khi đó, ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) nhiều nông dân ngậm ngùi đốn bỏ vườn cây ăn trái do bị đợt hạn, mặn vừa qua làm hư hại. Ông Trần Văn Đảm, ngụ xã Tân Phú, huyện Châu Thành, chua chát:
“3 công vườn chôm chôm này những năm trúng mùa cũng kiếm được hàng chục triệu đồng, tạm đủ chi tiêu trong gia đình. Vậy mà đợt hạn, mặn mới đây dữ dội quá đã khiến vườn cây bị cháy lá, xơ xác. Mấy ngày nay, cây chôm chôm ngày càng suy kiệt, không khả năng phục hồi nên tôi đốn bỏ để chuyển sang trồng mãng cầu xiêm. Do cây mãng cầu chịu được độ mặn tốt hơn…”.
Kéo chúng tôi ra khu vườn rộng 7 công trồng chôm chôm, mặng cụt…, ông Nguyễn Văn Hùng, ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách cay đắng: “So với làm lúa chỉ mất 3 tháng là thu hoạch, trong khi canh tác vườn phải tốn mấy năm dài thì cây mới cho trái. Nếu được mùa thì gặp cảnh mất giá, riêng năm nay gặp thêm hạn, mặn bủa vây làm cho nhà vườn thua trắng”.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách cho biết, thống kê mới đây ở Chợ Lách có khoảng 500ha vườn cây ăn trái bị thiệt hại do mặn tấn công, khiến nhà vườn mất nhiều tỷ đồng. Giải pháp hiện nay là cơ quan chức năng hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí từ 2-4 triệu đồng/ha (tùy mức độ thiệt hại) để bà con trồng lại cây khác…
Tìm hướng căn cơ
Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, các tỉnh ĐBSCL trồng chủ yếu là xoài với 39.848ha; nhãn 33.433ha; cam 29.532ha; bưởi hơn 25.000ha; sầu riêng 13.000ha; thanh long 7.000ha…
Những năm qua kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu như năm 1996, cả nước chỉ xuất khẩu rau quả được 90 triệu USD thì đến năm 2015 tăng vọt lên khoảng 1,8 tỷ USD. Hiện rau quả của nước ta đã có mặt tại khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó vào được những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…
Có thể nói, tiềm năng về xuất khẩu rau quả khá triển vọng, vấn đề hiện nay là tổ chức lại sản xuất một cách căn cơ nhằm phù hợp với tình hình mới và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nhìn nhận:
“Trong điều kiện biến đổi khí hậu và hạn, mặn ngày càng khốc liệt thì việc ứng dụng khoa học công nghệ để giảm thiểu thiệt hại cho cây ăn trái; lai tạo những giống cây chịu hạn, mặn là rất cấp bách.
Thời gian qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu, lai tạo một số giống rau quả thành công như thanh long ruột đỏ Long Định 1; bưởi đường lá cam ít hạt; cam sành không hạt; nhãn lai LĐ 11; xoài Châu hạng võ; xoài thơm… Tới đây cần tiếp tục đột phá về khâu giống để chuyển giao cho nhà vườn sản xuất”.
UBND tỉnh Long An cho biết, qua theo dõi nhiều năm thì cây thanh long là một trong những cây cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu được giá thì nông dân có thu nhập tới 400 - 500 triệu đồng/ha. Đối với việc rớt giá thường rơi vào trường hợp trái thanh long bị bệnh, thời điểm mùa thuận từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm…
Do đó, trước mắt không nên tăng nhiều về diện tích mà tập trung đầu tư nâng cao chất lượng thanh long, đảm bảo màu sắc đẹp, an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì sẽ nhẹ lo về đầu ra. Mặt khác, khi trồng thanh long cần đảm bảo đúng quy trình và 2 yếu tố là điện - nước phải đầy đủ.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận: “Ngành trái cây cần mạnh dạn thay đổi từ trồng, chăm sóc, tiêu thụ để thích ứng với điều kiện mới hiện nay. Theo đó, Đồng Tháp không sản xuất đại trà mà chọn ra một số cây thế mạnh như xoài, quýt hồng, nhãn Idol… để tập trung đầu tư về năng suất, chất lượng.
Chủ trương của tỉnh là khuyến cáo nông dân tham gia vào tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để gắn kết với doanh nghiệp, nhằm thuận lợi trong việc đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tín hiệu đáng mừng là nhà vườn có chuyển biến tích cực về cách làm mới và các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư vào ngành trái cây đầy tiềm năng này”.
Theo HUỲNH LỢI (SGGPO)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin