Chuyển đổi cây trồng chưa hấp dẫn, do đâu?

08:07, 12/07/2016

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh duy trì các mô hình điểm cần đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Đây là điều kiện then chốt để mô hình thành công và bền vững.

Khuyến khích trồng bắp lai thay lúa nhưng hiện vẫn chưa có giống năng suất cao; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên doanh nghiệp khó tổ chức thu mua; hệ thống thủy lợi, cơ giới sản xuất cây màu chưa đáp ứng… là những khó khăn được nhiều địa phương đưa ra tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp phát triển cây màu luân canh trên đất lúa theo hướng bền vững phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” vừa được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long tổ chức.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh duy trì các mô hình điểm cần đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Đây là điều kiện then chốt để mô hình thành công và bền vững.

Cây trồng lựa chọn chuyển đổi cần phải phù hợp thổ nhưỡng, điều kiện canh tác của nông dân. Trong ảnh: Thu hoạch khoai mỡ ở Long Mỹ (Mang Thít).
Cây trồng lựa chọn chuyển đổi cần phải phù hợp thổ nhưỡng, điều kiện canh tác của nông dân. Trong ảnh: Thu hoạch khoai mỡ ở Long Mỹ (Mang Thít).

Chuyển đổi còn chậm

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên chân đất ruộng thời gian qua được nhiều địa phương ĐBSCL tích cực thực hiện, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.

Theo ông Trần Văn Khởi- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, mục tiêu đến năm 2020, vùng ĐBSCL sẽ chuyển đổi khoảng 200.000ha, trong đó bắp và đậu nành khoảng 70.000ha. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vẫn còn chậm, năm 2015 chỉ đạt 3.600ha.

Ông Trần Văn Khởi cho rằng, khó khăn nhất trong việc chuyển đổi, do ĐBSCL chưa có hệ thống thủy lợi chủ động tưới trên cây trồng cạn vào mùa khô và thoát nước mùa mưa; sản xuất còn nhỏ lẻ nên doanh nghiệp khó thu mua sản phẩm.

Người dân còn ngần ngại trong việc chuyển đổi, bởi tập quán canh tác lúa đã ăn sâu vào trong ý nghĩ, cơ giới còn hạn chế, đẩy chi phí giá thành lên cao…

Trưởng Văn phòng Thường trực tại Nam Bộ (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) Trần Văn Dũng cũng cho rằng, bắp trồng trong vụ Hè Thu rất thích hợp vì trồng lúa vụ này năng suất thấp. Nhưng do mưa cuối vụ nên chuyển trồng bắp cũng gặp khó trong khâu thu hoạch, sơ chế.

Trong khi, giá bắp hay đậu nành nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam dùng làm thức ăn chăn nuôi rất thấp, hơn cả giá thành sản xuất trong nước nên doanh nghiệp chưa chú trọng thu mua sản phẩm trong nước, điều này ảnh hưởng phần nào khâu tiêu thụ của nông dân.

Tất yếu phải chuyển đổi

Nhiều địa phương cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp thì việc chuyển đổi đất lúa sang màu là một lựa chọn tất yếu cho ĐBSCL. Tuy vậy, cần có một cơ cấu cây trồng, chính sách đầu tư hợp lý như: thủy lợi, cơ giới, kho dự trữ, hệ thống phơi sấy,…

Ông Lê Quý Kha- Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng, để nhân rộng mô hình chuyển đổi cần có chính sách, mô hình đầu tư trọn gói, nhất là đầu tư cơ giới chuyên cây màu để nông dân thấy rõ lợi ích chuyển đổi. Đây cũng là tiền đề để nông dân duy trì mô hình sau khi các dự án hỗ trợ kết thúc.

Nhiều địa phương cũng cho rằng, lựa chọn cây trồng chuyển đổi phải phù hợp thổ nhưỡng, điều kiện canh tác của nông dân.

Thực tế, không ít diện tích trồng lúa chuyển sang trồng đậu nành, bắp, mè… thời gian qua mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, cũng không ít nông sản như dưa hấu, rau màu, trái cây rớt giá thảm hại, nhiều nơi phải đổ bỏ. Điều này tác động không nhỏ đến tâm lý của chính quyền và cả nông dân.

Câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì?” trong nhiều năm qua vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Để tạo ra cú hích mạnh chuyển đổi cây trồng, ông Trần Văn Khởi cho rằng, ngay từ bây giờ các địa phương phải nhanh chóng quy hoạch, hình thành những cánh đồng mẫu lớn và tập trung đầu tư thi công đồng bộ hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo chủ động nguồn nước tưới.

Xây dựng và chuyển giao các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, phù hợp với trình độ canh tác, tập quán sản xuất, điều kiện đất đai của từng vùng để nông dân tham khảo, áp dụng.

Bên cạnh đó, cần ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu về giống phẩm chất cao, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng như kháng được những loại sâu bệnh nguy hiểm vào sản xuất đại trà. Đồng thời, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định và bền vững tiêu thụ sản phẩm.

 

Theo ông Trần Văn Khởi, hiệu quả mô hình trồng bắp lai thay lúa kém hiệu quả tại một số mô hình ở nhiều tỉnh- thành ĐBSCL thời gian qua chứng tỏ vùng này có thể dựa vào cây bắp để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vì thế, bên cạnh tiếp tục nhân rộng mô hình trong mối liên kết “4 nhà” thì áp dụng cơ giới hóa để gia tăng hơn nữa giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

 

™Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh