Nhà nông vươn lên từ ý tưởng sáng tạo

Cập nhật, 10:35, Thứ Năm, 07/07/2016 (GMT+7)

Tham quan các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và kinh tế hợp tác tại Vĩnh Long, đoàn của Tổ chức nghề nghiệp đoàn kết và hợp tác quốc tế Myanmar cho rằng qua chuyến đi đã học hỏi được sự năng động, ý tưởng sáng tạo và tầm nhìn mới. Từ đó, khi trở về, mỗi thành viên có thể thử nghiệm trên mảnh đất của mình.

Đoàn tham quan mô hình trồng nhãn Ido.
Đoàn tham quan mô hình trồng nhãn Ido.

“Muốn thành công phải có hướng đi đúng”

20 thành viên dự án phát triển đồng bằng sông Ayeyawaddy- Myanmar do bà Premila Masse- Giám đốc dự án làm trưởng đoàn đến tham quan mô hình trồng nhãn Edor (còn gọi là Ido) kết hợp nuôi cá ba sa xuất khẩu của anh Nguyễn Hồng Thanh (anh Cường) ở ấp Hòa Quý (xã Hòa Ninh- Long Hồ).

Với 1ha trồng nhãn Edor từ 7- 10 năm tuổi, mỗi vụ thu hoạch 20- 25 tấn, anh lời khoảng 700 triệu đồng/vụ.

Theo anh Cường: “Để trồng nhãn đạt hiệu quả, ngoài yếu tố thổ nhưỡng thích hợp, nông dân chúng tôi còn tự mày mò nghiên cứu cách pha trộn các loại thuốc để phòng, trị bệnh theo công thức riêng của mình”.

Cứ mỗi 6 tháng, 1ha ao nuôi cá tra thu được 350 tấn cá, lời khoảng 2.000 đ/kg thì anh Cường thu về tiền tỷ mỗi năm. Anh Cường chia sẻ kinh nghiệm: “Thay vì cho ăn 2 buổi sáng chiều, tôi chỉ cho cá ăn mỗi ngày 1 lần vào buổi trưa để tiết kiệm chi phí”.

Đến ấp Bình Thuận 1 tham quan vườn cây giống kết hợp phát triển du lịch sinh thái, ông Nguyễn Trí Nghiệp- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Nông trang Island cho biết:

Hiện công ty có 13 cơ sở sản xuất giống cây ăn trái, được xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Lào, Trung Quốc, Cộng hòa Szech, Tây Ban Nha. Bên cạnh, còn trao đổi một số giống với các nước có nền nông nghiệp phát triển để nghiên cứu, lai tạo.

Chia sẻ về ý tưởng kinh doanh, ông cho rằng: “Diện tích nước Việt Nam chỉ bằng một nửa của Myanmar, nên chúng tôi muốn trồng cây có năng suất cao. Cách nay 30 năm, sản lượng công ty cung cấp ra thị trường chỉ vài ngàn cây, hiện đã tăng lên hàng triệu cây/năm”.

Ông cũng thừa nhận: “Có được thành quả này là nhờ Chính phủ có cơ chế giúp nông dân tiếp cận giống, kỹ thuật, tạo điều kiện cho nông dân được huấn luyện tay nghề, chuyển giao kỹ thuật, thử nghiệm giống mới, tìm hiểu thị trường.

Bên cạnh, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, các viện, trường và ngành nông nghiệp”.

Theo ông Nguyễn Trí Nghiệp, mọi việc muốn thành công nên có hướng đi đúng ngay từ đầu. Trong sản xuất nông nghiệp, nếu chọn sai giống, phải mất thời gian khắc phục 5- 7 năm. Do đó, nên tìm giống mới để rút ngắn thời gian lai tạo, thay đổi.

“Ngày xưa, chúng tôi sử dụng phương pháp ghép giống như Myanmar từng ghép giống trên cây xoài kim cương. Nay, chúng tôi đã có phương pháp tốt hơn, cây cho năng suất, sản lượng tốt hơn.

Tôi mong muốn, Việt Nam và Myanmar sẽ có sự hợp tác trong chuyển giao kỹ thuật. Hiện, công nghệ sinh học của Việt Nam tuy thua nhiều nước nhưng kỹ thuật nhân giống của Việt Nam luôn đứng hàng cao trên thế giới”- ông Nghiệp tự hào nói.

Mở rộng thị trường tiêu thụ

Đến vùng chuyên canh màu, ông Trần Minh Hiếu- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Sản xuất cải xà lách xoong an toàn Thuận An (TX Bình Minh) chuyền tay cho đoàn nếm thử vị cay nồng, ngọt của loại rau được trồng tại địa phương- điểm khác biệt so với các nơi khác.

Toàn xã có 130ha trồng chuyên canh xà lách xoong, được sản xuất theo hướng an toàn, tuân thủ theo quy trình “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian) nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh- sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm, tốt cho sức khỏe người sản xuất lẫn tiêu dùng.

Theo ông Trần Minh Hiếu: Xà lách xoong hiện đang được tiêu thụ tại khắp các tỉnh- thành trong nước. Chúng tôi đã có nhà máy sơ chế đạt chuẩn VietGAP đầu tiên của Vĩnh Long. Sau khi sơ chế, sản phẩm sẽ bán có giá cao hơn 20% so thị trường.

Là một trong 9 hộ dân tham gia Nông trại sản xuất khoai lang theo tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng diện tích gần 15ha, ông Ngô Văn Tua- Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp dịch vụ Thành Đông (Bình Tân) cho biết:

“Khoai lang là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh 2 năm liên tiếp (2013, 2014). Thật tự hào khi thương hiệu khoai lang Thành Đông ngày càng có uy tín, có tiềm năng để mở rộng và phát triển thị trường”.

Năm 2012, khoai lang Bình Tân được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học- Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Năm 2013, khoai lang Thành Đông được chứng nhận GlobalGAP- giấy thông hành để thâm nhập vào thị trường lớn.

“Hơn thế nữa, người trồng khoai sẽ thay đổi được tập quán sản xuất, biết cách bảo vệ môi trường cũng như biết bảo vệ sức khỏe bản thân và người tiêu dùng”- ông Ngô Văn Tua cho biết.

Bà Premila Masse cho biết: Chuyến đi đã giúp chúng tôi học được thành công của mỗi cá nhân là bởi sự năng động, ý tưởng sáng tạo, tầm nhìn mới.

Qua tham quan 2 HTX, chúng tôi cũng nhận ra rằng nếu biết làm việc theo tập thể sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ và sẽ bền vững hơn nếu biết hướng đến sản xuất nông sản sạch. Qua đó, mỗi thành viên trong dự án có thể thử nghiệm trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

Đánh giá của Bà Premila Masse như một sự ghi nhận về sự cần cù, sáng tạo của nông dân Việt Nam nói chung và nông dân Vĩnh Long nói riêng. Tự hào là không chỉ nông dân mình đi tham quan, học hỏi nước khác nước ngoài cũng đã đến ta tham quan các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Ông Võ Văn Sê- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Trước tình hình giá cả biến đổi bất thường, nhiều hội viên đã tìm được hướng đi mới để mang lại lợi nhuận tốt nhất. Ngoài nỗ lực để chọn cây, con giống phù hợp, tỉnh còn khuyến khích trồng màu thay lúa để nâng cao thu nhập. Tỉnh hội cũng định hướng phát triển sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn đối với người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Đồng thời, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học nhằm hướng tới tính hiệu quả và bền vững trong sản xuất.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI