Giảm giá thành, nâng cao giá trị kinh tế từ sản xuất lúa không phải là câu chuyện mới trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, đòi hỏi người nông dân có cái nhìn bao quát hơn về tình hình sản xuất từ đó có những điều tiết phù hợp.
Giảm giá thành, nâng cao giá trị kinh tế từ sản xuất lúa không phải là câu chuyện mới trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, đòi hỏi người nông dân có cái nhìn bao quát hơn về tình hình sản xuất từ đó có những điều tiết phù hợp.
Sử dụng máy cấy mạ, một trong những giải pháp giúp nông dân giảm đáng kể lượng lúa giống gieo sạ |
Việt Nam có diện tích sản xuất lúa gạo khoảng 4 triệu ha/năm. Lúa gạo được xem như mặt hàng chiến lược liên quan đến sản xuất và đời sống của nông dân trồng lúa. Những năm qua, Việt Nam tham gia vào xuất khẩu gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, những nước sản xuất và xuất khẩu gạo như: Ấn Độ, Myanmar, Pakistan, Campuchia... đã có những thay đổi về chính sách như: xây dựng thương hiệu, cạnh tranh về phí vận chuyển...
Trong khi đó, các nước nhập khẩu gạo lại điều chỉnh theo hướng tự túc lương thực, chỉ nhập đủ dùng, các quốc gia này quan sát thị trường để tìm cơ hội nhập khẩu gạo với giá có lợi nhất.
Tình hình này đã làm gia tăng lượng gạo cung toàn cầu, tăng lượng gạo tồn kho tại các nước xuất khẩu gạo, do đó giá gạo thế giới có xu hướng sụt giảm.
Tại tỉnh Đồng Tháp, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích canh tác lúa toàn tỉnh trên 500 ngàn ha/năm, tổng sản lượng cung cấp cho thị trường hàng năm khoảng 3,4 triệu tấn, tăng gấp đôi so với thập niên 90.
Tình hình sản xuất lúa ở Đồng Tháp có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được nông dân vận dụng vào sản xuất, nhờ vậy giúp Đồng Tháp hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm, lúa thường đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, thì hiện trạng sản xuất lúa của nông dân vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Theo ghi nhận của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Đồng Tháp, giá thành sản xuất lúa của nông dân Đồng Tháp hiện vẫn ở mức khá cao, trung bình từ 21 - 24 triệu đồng/ha, giá thành sản xuất dao động từ 3.200 - 4.400 đồng/kg lúa, trong khi đó giá lúa nhiều vụ vừa qua nông dân bán rất thấp, có thời điểm thấp gần bằng với giá thành sản xuất, khiến cho mặt hàng chủ lực này gặp nhiều rủi ro hơn trên thị trường.
Cách đây 20 năm, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông về sản xuất lúa giảm giá thành. Tuy nhiên, từ thực tế sản xuất ở đồng ruộng, thói quen canh tác thiếu khoa học của nông dân, kết hợp với nhiều nguyên nhân khách quan khác như: tình hình thiên tai, dịch hại... nông dân ở nhiều địa phương đã “mạnh tay” đầu tư vào sản xuất hơn.
Thay cho khuyến cáo của nhà khoa học là gieo sạ trung bình từ 80 - 100 kg/ha , thì có nhiều vùng nông dân gieo sạ gấp đôi tỷ lệ so với tỷ lệ trên. Khi mật độ gieo sạ quá dày sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó tăng chi phí đầu tư, giảm lợi nhuận.
Theo bà Tô Thị Bích Loan - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) Đồng Tháp, để nông dân thay đổi về tư duy sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường, trong năm 2015, với sự tư vấn của GS.TS. Nguyễn Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trung tâm KNKN thực hiện thí điểm mô hình giảm giá thành sản xuất ở huyện Tháp Mười.
Với mô hình này, Trung tâm hướng dẫn nông dân thực hiện theo qui trình 1 phải - 5 giảm, lượng lúa giống gieo sạ từ 180kg/ha (kỹ thuật truyền thống) giảm xuống còn 120 kg/ha (trong mô hình); kết hợp hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp bón lót, cày vùi phân vào đất nhằm hạn chế tình trạng phân bón bốc hơi gây thất thoát và lãng phí.
Nhờ gieo sạ mật độ hợp lý, kết hợp bón phân cân đối nên cây lúa khỏe, hạn chế được số lần phun thuốc BVTV đáng kể, từ đó giá thành sản xuất cũng giảm. Sắp tới, Trung tâm KNKN sẽ tiếp tục triển khai mô hình và hướng dẫn nông dân tiếp tục giảm lượng lúa giống gieo sạ từ 120kg/ha xuống còn 100kg/ha.
Anh Trần Văn Trọn - thành viên trong mô hình sản xuất lúa giảm giá thành ở Hợp tác xã An Phong, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi không ngờ việc điều chỉnh lượng giống gieo sạ và sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý hơn có thể giúp tăng lợi nhuận gần 9 triệu đồng/ha, so với kỹ thuật trước đây chúng tôi vẫn thường làm. Nhiều nông dân rất phấn khởi. Những vụ tiếp theo, chúng tôi tiếp tục ứng dụng kỹ thuật này để nâng cao thu nhập”.
GS.TS. Võ Tòng Xuân nhận định, mô hình giảm giá thành không những giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi tức trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân nên sâu bệnh, dịch hại cũng ít hơn. Nhờ vậy, nông dân cũng hạn chế tình trạng lạm dụng phân bón hóa học và BVTV, từ đó chất lượng hạt gạo được nâng lên.
Ngoài ra, việc hạn chế bón đạm, sử dụng thuốc BVTV giúp cho môi trường sản xuất tốt hơn, hạn chế phát khí thải nhà kính và ô nhiễm môi trường. Với Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp thì giải pháp giảm giá thành trong sản xuất là một trong những chìa khóa giúp nông dân nâng khả năng chủ động và tăng lợi tức nhiều hơn từ cây lúa.
Theo Đồng Tháp Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin