Đó là không mùi hôi, không khí độc, không cần dọn chất thải và không dọn vệ sinh. Mục tiêu này đã được nhiều tỉnh- thành ĐBSCL thống nhất cao tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp
Vận chuyển vịt không che đậy, nguy cơ rơi vãi mầm bệnh là rất cao. Ảnh: HOÀNG MINH |
Đó là không mùi hôi, không khí độc, không cần dọn chất thải và không dọn vệ sinh. Mục tiêu này đã được nhiều tỉnh- thành ĐBSCL thống nhất cao tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề:
“Giải pháp phát triển chăn nuôi vịt an toàn sinh học góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi vùng ĐBSCL” vừa diễn ra, nhằm làm thay đổi câu nói trong dân gian “muốn nghèo nuôi vịt”.
Đàn vịt xu hướng giảm
Theo Cục Chăn nuôi, ĐBSCL là một trong những vùng có lợi thế chăn nuôi vịt. Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm trở lại đây, đàn vịt có xu hướng giảm khoảng 4,32%, dao động ở mức khoảng 25,4 triệu con, trong đó vịt đẻ chiếm 44,5%, còn lại vịt thịt.
Theo đó, thị trường bị thu hẹp nên sản lượng trứng xuất khẩu cũng giảm do không đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Nếu như trước đây thị trường Singapore, Malaysia và Hong Kong nhập khẩu mạnh trứng vịt muối thì nay chỉ còn lại thị trường Singapore.
Mặt khác, cơ cấu đàn vịt thịt giữa các tỉnh đang có sự thay đổi: An Giang vịt đẻ chiếm 81,53%, Đồng Tháp 60,84%, Hậu Giang 54,29%, Trà Vinh 54,17%. Các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang thì phát triển mạnh đàn vịt thịt. Điều này cần có giải pháp quản lý dịch bệnh và phương thức chăn nuôi phù hợp.
Trong khi đó, tại Vĩnh Long, đàn vịt những năm gần đây có tăng nhưng chưa tương xứng với điều kiện sẵn có. Đến tháng 4/2015, toàn tỉnh có hơn 2,6 triệu con, trong đó vịt đẻ khoảng 538.000 con, còn lại vịt thịt.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Thành Một, dịch bệnh đang là trở ngại phát triển đàn. Trong năm 2014 có hơn 8.000 con vịt mắc bệnh tiêu hủy, còn 9 tháng đầu năm nay đã tiêu hủy trên 3.000 con.
Theo TS Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, việc nuôi vịt chạy đồng, chăn thả tự do phổ biến trước đây hiện không còn phù hợp do canh tác lúa- (nguồn thức ăn chính vịt chạy đồng) đang chuyển sang cơ giới, sử dụng thuốc trừ sâu làm thủy sinh và côn trùng trên đồng ruộng hạn chế. Mặt khác, do thời gian qua sử dụng giống lai thương phẩm làm giống nên giảm năng suất và khả năng kháng bệnh.
“Chúng ta đang thiếu chương trình trọng điểm trong nghiên cứu giống nên vẫn chưa có con giống chất lượng để cạnh tranh nước ngoài. Bên cạnh, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi nông hộ.”- TS Phan Huy Thông nhận định.
Phải thay đổi cách nuôi
Để ngành chăn nuôi vịt phát triển bền vững theo hướng an toàn sinh học, TS Nguyễn Văn Bắc- Văn phòng Thường trực Nam Bộ (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) cho rằng các địa phương cần hỗ trợ con giống sạch bệnh, chất lượng cao, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Điều này đã được Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long thực hiện từ năm 2010 với dự án “Chăn nuôi vịt siêu thịt an toàn sinh học”, quy mô trên 8.600 con, hỗ trợ cho 40 hộ. Kết quả, tỷ lệ vịt nuôi sống 97%.
Ngoài ra, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, trung tâm còn hỗ trợ 21 hộ dân xã Mỹ Lộc (Tam Bình) thực hiện mô hình nuôi vịt siêu thịt theo hướng an toàn, sử dụng men Balasa.N01 làm đệm lót sinh học xử lý chất thải, với quy mô 4.200 con.
Thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển chăn nuôi vịt siêu thịt quy mô nông hộ theo hướng an toàn sinh học”, hiện đã chuyển giao 8.000 con vịt siêu thịt cho 40 hộ dân thuộc 5 xã của 4 huyện. Vịt nuôi áp dụng đệm lót sinh học giảm ô nhiễm môi trường, hiện được 1 tháng tuổi phát triển tốt.
Nuôi vịt an toàn sinh học chuyên trứng ở Vũng Liêm. Ảnh: Quốc Khánh |
Anh Đinh Văn Liêm (xã Tân Long- Mang Thít) cho biết, tháng 7/2014 được hỗ trợ 400 vịt giống Triết Giang. Sau 15 tháng nuôi, tỷ lệ nuôi sống đạt 98%, hiện gần 100% vịt cho trứng, lợi nhuận sau trừ chi phí gần 40 triệu đồng.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, qua 2 năm (2014- 2015) đã có 10/13 tỉnh- thành ở ĐBSCL xây dựng được đề án tái cơ cấu chăn nuôi và ban hành kế hoạch hành động.
Ngoài Vĩnh Long, hiện các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Hậu Giang… cũng đang đầu tư mạnh nuôi vịt “4 không”- hướng an toàn sinh học, bước đầu đạt hiệu quả cao. Đây là tiền đề quan trọng để giữ vững nghề nuôi vịt, kiểm soát tốt dịch bệnh.
TS Phan Huy Thông cho rằng, theo đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đến năm 2020 các địa phương cần tăng đàn vịt đẻ và vịt thịt lên 100 triệu con.
Theo đó, đàn vịt đẻ đạt 40 triệu con, sản phẩm thịt chiếm 40% tỷ trọng thịt gia cầm. Để đạt được mục tiêu đề ra thì việc tái cơ cấu phương thức sản xuất bằng cách chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang trang trại là rất quan trọng.
|
Nhiều địa phương cho rằng, trước mắt cần củng cố mạng lưới thú y cơ sở, nâng cao quản lý, giám sát dịch bệnh; tổ chức liên kết giữa các trang trại chăn nuôi- doanh nghiệp chế biến thức ăn- cơ sở chế biến, thu hẹp vịt chạy đồng theo mô hình “2 lúa- 1 vịt”. |
HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin