Trở thành triệu phú từ những gốc mai... ”bỏ đi“

01:01, 05/01/2015

Với gốc mai chỉ có vài chục nghìn đồng, một người dân ở Bình Định đã chăm sóc, vun trồng để có được những cây mai đẹp trị giá.

Với gốc mai chỉ có vài chục nghìn đồng, một người dân ở Bình Định đã chăm sóc, vun trồng để có được những cây mai đẹp trị giá.

Những cây mai còi cọc, dáng xấu… ông Nguyễn Trí Tuấn (56 tuổi, ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, Bình Định) mua về với giá vài chục ngàn, vậy mà qua tay ông chăm sóc, tạo dáng thành những thế nghệ thuật bonsai, bán với giá trị bạc triệu.

Về làng mai bạc tỷ Nhơn An (thị xã An Nhơn), thủ phủ nghề trồng mai thương phẩm tỉnh Bình Định, hỏi thăm chủ vườn mai bonsai Tuấn Ngọc không ai là không tường. Người làng mai Nhơn An thường gọi ông là Tuấn “khùng”.

Vốn sinh ra ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An (TX An Nhơn, Bình Định), vùng đất được mệnh danh là làng mai bạc tỷ. Thế nhưng, ông Tuấn lại bước vào nghề trồng mai như một cơ duyên. Bởi trước khi đến với nghề trồng mai ông vốn là anh tài xế máy ủi. Sau khi giã từ nghề lái máy ủi, ông Tuấn về quê thuê đất, đầu tư mạnh vào nghề trồng mai với 2.000 chậu.

So với người trồng mai ở Nhơn An, ông chỉ thuộc dạng “hậu bối”, song bằng sự tỉ mẩn học hỏi, sáng tạo, chẳng bao lâu vườn mai của ông Tuấn đã chiếm lĩnh thị trường khắp cả nước.

Ông Tuân nổi đình nổi đám ngay tại “thủ phủ” mai bởi giống mai cho nụ to, hoa đều, đặc biệt là có dáng thế đẹp. Hàng năm, vườn mai cũng cho ông khoản lãi ròng cả trăm triệu đồng. Như vụ mai tết năm ngoái, vườn mai của gia đình ông cho thu nhập nửa tỷ đồng.

Ông Tuấn đổi đời nhờ chuyển từ mai thị trường sang mai nghệ thuật bonsai cho giá trị kinh tế cao

Ông Tuấn kể lại: “Khi còn lái máy ủi tôi có sở thích chơi cây kiểng, nhất là mai nên nhiều hôm xong việc hay hôm nào nghỉ làm tôi tranh thủ đến vườn mai những quen ở thôn Háo Đức coi người ta cắt tỉa, uốn cành. Thấy họ làm gì mình bắt trước theo, cặp mai lúc đầu mua 500 ngàn đồng bán được 4,5 triệu. Tưởng chơi nhưng lợi nhuận cao nên tôi quyết định đầu tư vào nghề trồng mai thương phẩm”.

Với người trồng mai thương phẩm ở Nhơn An, chuyện làm ăn thế đã quá ổn, nhưng với ông Tuấn là chưa đủ. Ông nghĩ, khi đô thị hóa phát triển chóng mặt, nhà cao tầng mọc lên san sát, không gian bị thu hẹp nên loại mai nghệ thuật bonsai, vừa đẹp lại nhỏ gọn dễ bố trí trong nhà.

Từ trồng mai thương phẩm chuyển qua trồng mai nghệ thuật bonsai không phải chuyện dễ dàng. Vừa học vừa làm, thành công có, thất bại cũng nhiều nhưng từ đó ông rút ra kinh nghiệm để có được thành công như hôm nay. Ở làng mai Nhơn An, ông Tuấn là người tiên phong trong nghề trồng mai nghệ thuật bonsai.

Năm 2012, sau khi tìm hiểu, thử nghiệm ông Tuấn quyết định cưa trụi 200 chậu mai trong vườn để chuyển qua thế bonsai.

“Lúc đó, ai nấy trong làng mai Nhơn An đều cho là tui bị khùng vì số mai ấy bán sô cũng được 300-400 triệu đồng. Tôi vẫn bình thường cứ thế làm. Thực ra, trước khi quyết định cưa 200 chậu mai sang thế bonsai tôi đã có quá trình thử nghiệm nhiều lần, khi chín mùi mới làm chứ cũng không hẳn “khùng” mà làm vậy. Nhưng nói không lo thì không phải nhưng tôi vẫn tin rằng quyết định của mình là đang đi đúng hướng”, ông Tuấn bộc bạch.

Vụ mai Tết năm ngoái, ông Tuấn xuất bán ra thị trường 100 chậu mai dáng bonsai thu về gần nửa tỷ đồng làm cho các chủ vườn mai ở Nhơn An ngớ người. Làm mai bonsai cho lợi nhuận cao, nhưng nếu trồng từ mai con thì không biết khi nào mới có mai bán. Vì thế, ông lùng sục các vườn mai trong ngoài tỉnh tìm mua những cây mai kém phát triển, dáng xấu, do thiếu chăm sóc với giá rẻ mang về tạo lại dáng nghệ thuật.

“Một số cây mai còi cọc do kém chăm sóc, dáng xấu, chỉ mua với giá vài chục ngàn, thậm chí có nhà vườn dọn vườn vứt bỏ mấy cây này tôi lượm về chăm sóc, sau đó tạo dáng thành mai bonsai. Nhiều cây mai tuổi thọ lâu năm rất có giá nhưng chủ chơi mai chăm sóc không kỹ để nhiều bộ phận của cây chết nên bán rẻ cho mình. Sau khi được “phẫu thuật”, cây mai bỏ đi, bây giờ có người trả 30 triệu tôi chưa bán”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, mai được mua ở nhà vườn khác mang về, trước khi được tạo dáng bonsai, phải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, ông cắt thân, giũ sạch đất cũ, làm vệ sinh kỹ lưỡng để loại bỏ những vi sinh vật có thể gây bệnh cho cây.

Sau đó, tùy từng cây mai có chế độ chăm sóc riêng. Khi cây được “hồi sức” lúc đó mới cấy ghép chồi. Chồi phải được ghép chỗ đường nhựa đi lên, phần ghép phải được bọc kín để khi tưới nước không thấm vào. Cây mới ghép chỉ tưới lượng nước vừa phải và phải để trong mát, tránh bị ánh nắng làm ra mồ hôi.

Để hình thành 1 cây mai bonsai phải qua 3 công đoạn tạo dáng: uốn nhịp 1 đi thẳng, khi cây mai phát triển thêm uốn nhịp 2 rớt xuống 1 chút, đợi cây phát triển thêm mới uốn nhịp 3 để có 1 cành đổ hoàn hảo.

“Đặc điểm của mai bonsai đứng trong những chậu nhỏ, đất ít nên để có cây mai đẹp, sống thọ cần phải có chế độ chăm sóc rất kỹ. Dùng phân hữu cơ bón, cây mai sẽ phát triển khỏe, sống thọ và đất được cải tạo tốt. Cây khỏe mới tạo được dáng đẹp”, ông Tuấn chia sẻ bí quyết.

Thành công với nghề mai nghệ thuật bonsai, vườn mai nhà ông Tuấn biết đến là mai sạch. Vì vậy, ngành chức năng tỉnh Bình Định và thị xã đang yêu cầu ông vận động các chủ vườn nhân rộng mô hình làm mai nghệ thuật để thành lập HTX chuyên sản xuất mai bonsai, nâng cao giá trị kinh tế cây mai, cũng như nâng tầm thương hiệu mai xuân của làng mai Nhơn An.

Theo Dân Trí

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh