Hiếu Nghĩa: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

02:10, 02/10/2014

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phá thế độc canh cây lúa thời gian qua đã chứng minh mang lại khá nhiều hiệu quả kinh tế, không ít hộ nghèo và cận nghèo ở địa phương vươn lên khá; tuy là thế, nhưng trước đây việc này không mấy nhận được sự đồng thuận của bà con nông dân, nên việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm) đã gặp

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phá thế độc canh cây lúa thời gian qua đã chứng minh mang lại khá nhiều hiệu quả kinh tế, không ít hộ nghèo và cận nghèo ở địa phương vươn lên khá; tuy là thế, nhưng trước đây việc này không mấy nhận được sự đồng thuận của bà con nông dân, nên việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm) đã gặp không ít khó khăn.

Nông dân xã Hiếu Nghĩa trở nên mặn mà với cây cam sành. Ảnh minh họa.

Vậy mà 3 năm trở lại đây, địa phương này đã có bước nhảy vọt đáng kể, đã tạo được diện mạo mới cho vùng quê giàu truyền thống cách mạng này.

Cách đây hàng chục năm, xã Hiếu Nghĩa cũng như nhiều địa phương khác ở Vũng Liêm đã không ngừng đẩy mạnh vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, nhằm nâng cao thu nhập; như đưa đậu nành, đậu xanh xuống ruộng, trồng thuốc lá vàng, trồng ca cao...

Nhưng những cây trồng này gần như không hiệu quả. Chính từ đó, dù đã được chuyển giao khoa học- kỹ thuật trên cây trồng, vật nuôi nhưng không ít bà con nông dân Hiếu Nghĩa vẫn do dự. Điều này đã làm ảnh hưởng đáng kể đến việc phát triển kinh tế và mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Nhận ra được nguyên nhân chần chừ, hoài nghi của người dân, trong “cái khó ló cái khôn”, Đảng ủy xã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền vận động từ cán bộ, đảng viên đến hội viên, đoàn viên các ban ngành, đoàn thể; trong đó nòng cốt là cán bộ, đảng viên về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Với xã Hiếu Nghĩa, để nhận được sự đồng thuận cao của bà con, nông dân điều đáng chú ý nhất trong giải pháp tháo gỡ khó khăn trên là quan tâm xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và việc chọn cây, con để chuyển đổi.

Với hướng đi ấy, đến năm 2012, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà xã Hiếu Nghĩa vận động đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Như ở ấp Hiếu Trung có mô hình anh Nguyễn Văn Hai, lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi năm từ cây cam sành. Mô hình trồng ca cao xen 1ha vườn dừa của anh Lê Văn Bòn (ấp Hiếu Văn) mỗi năm thu nhập tăng thêm gần 100 triệu đồng trên cùng đơn vị diện tích.

Từ hiệu quả kinh tế của những mô hình trên mang lại, cộng với kết quả sản xuất của một số nông dân ở các xã Thuận Thới (Trà Ôn), Thông Hòa (Cầu Kè- Trà Vinh) đến thuê đất ruộng của nông dân các ấp Hiếu Trung, Hiếu Thảo để trồng cam sành; với lợi nhuận hàng tỷ đồng/ha/năm, đã tạo nên sức hút mạnh mẽ nên có không ít nông dân bỏ lúa trồng cam sành.

Trong đó, đáng chú ý là hộ anh Năm Quang ở ấp Hiếu Thảo. Anh nông dân này có 1,7ha đất trồng lúa, làm được 3 vụ trong năm. Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây cam sành, gia đình anh quyết định bỏ lúa chuyển sang cây trồng này.

Anh nói về suy nghĩ của mình: “17 công ruộng, gia đình tôi làm 3 vụ trong năm tính ra không bằng trồng 2 công cam sành, không bỏ lúa sao được?” Ở ấp Hiếu Thảo, không chỉ có anh Năm Quang mà còn có hàng chục nông dân khác cũng chuyển hết hoặc một phần diện tích từ đất lúa sang trồng cam sành.

Còn ở ấp Hiếu Văn, anh Lê Văn Để mấy năm trước cũng chuyển 4.000m2 đất trồng lúa sang cam sành. Do thiếu kinh nghiệm nên không thành công phải phá liếp trồng lại lúa. Vậy mà vào năm 2013, một lần nữa anh bỏ lúa trở lại với cây cam sành.

Với những kinh nghiệm được rút ra từ lần trồng trước đó và cộng thêm học hỏi cách trồng và chăm sóc của số người đến thuê đất trồng cam, lần này anh nông dân này đã thành công. Cam không chỉ phát triển xanh tốt mà còn bắt đầu cho trái.

Về chuyển đổi vật nuôi, đa số nông dân Hiếu Nghĩa chọn phát triển đàn bò. Đối với vật nuôi này hiệu quả rõ nhất là hộ vợ chồng anh Sơn- chị Nga ở ấp Hiếu Hạnh. Gia đình này có 3 nhân khẩu, khoảng 2.000m2 ruộng nên đời sống gặp không ít khó.

Trước đây, anh Sơn phải thường xuyên làm thuê cho những hộ thiếu lao động ở địa phương để kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình. Nhưng kể từ khi đôi vợ chồng này đến với con bò thì kinh tế gia đình vươn lên khá rõ.

Bây giờ, anh Sơn- chị Nga không chỉ xây dựng được nhà ở cấp 4, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền mà vẫn còn đàn bò 3 con. Có thể nói cuộc sống gia đình của vợ chồng anh Sơn- chị Nga nay đã có của ăn của để.

Kết quả trên đây phần nào cho thấy Hiếu Nghĩa đã có bước nhảy vọt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời thắng lợi này cũng dự báo một Hiếu Nghĩa trong tương lai không xa sẽ thay da đổi thịt đi lên, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, để qua đó chung sức, chung lòng góp phần xây dựng Hiếu Nghĩa đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ sự đồng thuận của bà con nông dân, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, ngoài diện tích vườn già cỗi được cải tạo, xã Hiếu Nghĩa đã trồng mới 69,26ha cam sành, trong đó có gần 40ha đã cho thu nhập; trồng ca cao xen vườn dừa được 68,35ha và có 46,1ha đã cho trái. Về vật nuôi, tính đến tháng 6/2014, đàn bò- vật nuôi chủ yếu được nông dân xã này chọn để chuyển đổi- đã lên đến 531 con, tăng gần 100 con so với cùng kỳ năm 2013 và vật nuôi này đang được bà con nông dân địa phương đặc biệt quan tâm phát triển.


TRỌNG DÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh