Để lúa Đông Xuân đạt hiệu quả cao

01:10, 21/10/2014

Thời điểm này, nông dân Vĩnh Long đang khẩn trương chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2014- 2015. Tại một số địa phương lũ về ít, chi phí sản xuất tăng, việc chuẩn bị sản xuất lúa Đông Xuân dự báo gặp nhiều khó khăn.

Thời điểm này, nông dân Vĩnh Long đang khẩn trương chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2014- 2015. Tại một số địa phương lũ về ít, chi phí sản xuất tăng, việc chuẩn bị sản xuất lúa Đông Xuân dự báo gặp nhiều khó khăn.


Nông dân cần thăm đồng thường xuyên để quản lý rầy nâu.

Xuống giống đúng lịch

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long, toàn tỉnh xuống giống vụ lúa Đông Xuân khoảng 63.000ha chia làm 3 đợt: Đợt sớm: 9.000ha, xuống giống từ ngày 1/10- 4/11 (nhằm con nước mùng 10/9 âl), ở những vùng thu hoạch lúa Thu Đông sớm ven Quốc lộ 54 thuộc địa bàn huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, TX Bình Minh và vùng đất gò ven sông Măng Thít thuộc huyện Tam Bình, vùng ven sông Cổ Chiên thuộc huyện Mang Thít.

Đợt 1: 47.000ha, xuống giống từ ngày 15/11- 5/12 (nhằm con nước 25/9 âl và mùng 10/10 âl), phân bố tại hầu hết các huyện. Đợt 2: 7.000ha, từ ngày 10- 20/12 (nhằm con nước 25/10 âl) ở những địa bàn còn lại.

Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo, nông dân không nên xuống giống sớm trước lịch thời vụ, vì có thể hứng chịu một lượng rầy nâu di trú rất cao. Còn nếu xuống giống muộn sẽ có nguy cơ hạn cuối vụ. Vì thế, nông dân nên tập trung xuống giống trong đợt 1 do thời tiết có nhiều thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa và hạn chế tình trạng bị hạn ở cuối vụ.

Ghi nhận tại các xã Phú Thịnh, Tân Phú (Tam Bình), do ý thức được đây là vụ lúa quan trọng, ảnh hưởng năng suất và chất lượng nên nông dân chuẩn bị khá khẩn trương. Sau khi thu hoạch xong lúa Thu Đông, nông dân đã xới đất ngâm lũ để diệt mầm bệnh chuẩn bị xuống giống cho vụ lúa tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Văn Nguyện (xã Tân Phú), đây là việc làm rất quan trọng, bởi xới vùi không chỉ diệt được mầm bệnh mà còn khống chế cỏ dại. Năm nay, lũ cao hơn 2 năm trước nên là điều kiện thuận lợi để thực hiện khâu làm đất.

Tại một số vùng đất gò ven sông Măng Thít thuộc huyện Tam Bình, nước lũ thấp nên nguy cơ lây lan nguồn sâu bệnh từ lúa Thu Đông sang là rất lớn. Đặc biệt, tại huyện Trà Ôn, vừa qua có khoảng 300ha lúa Thu Đông giai đoạn mạ đến đâm chồi bị muỗi hành tấn công. Nhiều diện tích thiệt hại trên 40% diện tích. Triệu chứng ban đầu là lá lúa bị lùn, đâm nhiều chồi, thân cứng, lá lúa xanh tròn giống cọng hành.

Theo ông Lê Quang Thảo- Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp, đây là loại dịch hại mới bộc phát và gây hại tại nhiều địa phương nhưng hiện chưa có giải pháp phòng trị hiệu quả nên nông dân rất lo ngại dịch bệnh lây lan.

Để góp phần giảm dịch bệnh, ngoài việc gia cố đê bao, địa phương khuyến cáo nông dân cần tuân thủ theo lịch xuống giống, chọn các giống có chất lượng gieo sạ để đảm bảo năng suất và chất lượng.

Chọn giống chất lượng

Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu mỗi địa phương xác định cơ cấu 4- 6 giống chủ lực, 4- 5 giống bổ sung và 5- 6 giống triển vọng mới; cơ cấu giống không vượt quá 15- 20% toàn vùng. Theo đó, nhiều giống lúa khuyến cáo nông dân gieo sạ trong vụ lúa Đông Xuân này gồm: OM4900, OM6976, OM5451, Jasmine 85, OM4218, OM7347; 4 giống bổ sung: OMCS 2012, OM8017, OM7260, OM10424.

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng khuyến cáo, tùy vùng đất canh tác để chọn giống lúa thích hợp, sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc cấp tương đương để gieo sạ; thử độ nảy mầm của giống lúa trước khi ngâm ủ, đảm bảo độ nảy mầm trên 80%, mầm khỏe mạnh và đồng đều trước khi gieo sạ.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, cần có kế hoạch tổ chức lịch xuống giống một cách phù hợp; chủ động trong phòng chống hạn, rầy nâu và các đối tượng sâu, bệnh gây hại.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp và các ngành hữu quan có biện pháp hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng, giá cả các loại vật tư nông nghiệp, đẩy mạnh việc cơ giới hóa và công tác bảo quản lúa sau thu hoạch; xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất...

Đặc biệt, tập trung hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng GAP, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng IPM; áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng” theo hướng cải tiến, “1 phải, 5 giảm”.

Các địa phương phải chú ý hướng dẫn nông dân làm tốt việc vệ sinh đồng ruộng, xới, trục nhận hết rơm rạ để diệt các mầm sâu, bệnh và tránh lúa bị nhiễm độc hữu cơ. Ngoài ra, các địa phương cũng cần tích cực tuyên truyền, khuyến cáo nông dân chọn sạ các giống lúa tốt, đạt chuẩn xuất khẩu và tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt né rầy, có kế hoạch chủ động chống hạn ngay từ đầu vụ.

Cục Trồng trọt dự kiến vụ Đông Xuân 2014- 2015 với diện tích gieo sạ ở Nam Bộ là gần 1,7 triệu hecta với sản lượng ước tính khoảng 12 triệu tấn lúa. Trước tình hình xuất khẩu dự báo sẽ khá khó khăn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia khuyến cáo ngành nông nghiệp cần xem xét lại diện tích và sản lượng sản xuất vụ Đông Xuân sắp tới, nhất là với những vùng hạn nên cân nhắc quy mô sản xuất.


Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh