Hiện nay, cá tai tượng là một trong những loài thủy sản mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Tuy nhiên, thời gian qua người nuôi cá tai tượng chưa chú ý nhiều đến chất lượng sản phẩm và môi trường nuôi nên sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Hiện nay, cá tai tượng là một trong những loài thủy sản mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Tuy nhiên, thời gian qua người nuôi cá tai tượng chưa chú ý nhiều đến chất lượng sản phẩm và môi trường nuôi nên sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Trước tình hình đó, nuôi cá tai tượng an toàn sinh học được xem là mô hình sản xuất đáp ứng được yêu cầu người tiêu dùng, mang lại hiệu quả cao và mang tính bền vững.
Nuôi cá tai tượng an toàn sinh học được xem là mô hình sản xuất đáp ứng được yêu cầu người tiêu dùng, mang lại hiệu quả cao và mang tính bền vững.
|
Hoàn thiện kỹ thuật cho người nuôi cá
Những năm trước đây, nông dân chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống để nuôi cá tai tượng như: cho ăn rau xanh, ít sử dụng thức ăn công nghiệp… nên thời gian nuôi kéo dài đến 2- 3 tháng mới thu hoạch, chất thải trong nuôi cá rất nhiều mà không có biện pháp xử lý.
Bên cạnh đó, một số nông dân nuôi cá không tuân thủ nguyên tắc sử dụng kháng sinh đã ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi thủy sản nói chung, trong đó có cá tai tượng.
Ông Đỗ Hiếu Liêm- Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá xã Phú Kiết (Chợ Gạo- Tiền Giang) cho biết: “Trong những năm qua, nông dân nuôi cá tai tượng đã được cán bộ kỹ thuật chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi thủy sản an toàn sinh học nhưng chúng tôi vẫn chưa áp dụng đầy đủ quy trình vào thực tế vì sợ không hiệu quả”.
Từ những thực tế đó, nhằm để nông dân nuôi cá tai tượng địa phương tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường, giữa năm 2011, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện dự án “Nuôi cá tai tượng an toàn sinh học” tại ấp Phú Thạnh B và ấp Phú Khương B (xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo) với quy mô 8 hộ tham gia trên 2.400m2 mặt nước.
Các biện pháp kỹ thuật đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn áp dụng đã mang lại hiệu quả cao, nổi bật nhất là việc đầu tư, chăm sóc quản lý ao nuôi cá tai tượng hiệu quả hơn trước rất nhiều. Cá tai tượng được thả nuôi với mật độ vừa phải với 7 con/m2 và ghép cá sặt rằn 3 con/m2.
Đặc biệt, khâu cải tạo, vét bùn, bón vôi, phơi ao phải thực hiện trên 10 ngày mới tiến hành lấy nước vào ao, rồi phải xử lý nước bằng hóa chất và dùng chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước. Đây là khâu mà lâu nay nông dân nuôi cá tai tượng chưa áp dụng nên khi thực hiện mô hình đã giúp tỷ lệ cá sống cao hơn so với trước.
Trong quá trình nuôi, nông dân định kỳ sử dụng hóa chất và chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước. Bên cạnh đó, sử dụng thức ăn công nghiệp chiếm 50-70% khẩu phần thức ăn, còn lại vẫn là rau muống, rau lang cắt nhuyễn, bèo cám, ngò gai.
Trong quá trình nuôi, đặc biệt là 6 tháng đầu sau khi thả giống, định kỳ 1- 2 tuần đo các yếu tố môi trường 1 lần để có biện pháp xử lý kịp thời các yếu tố thủy lý hóa như: pH, Oxy, NH3 và định kỳ tùy theo màu nước xử lý nước bằng vôi, muối hoặc BKC.
Tạo ra sản phẩm chất lượng cao
Theo các hộ nuôi cá tai tượng an toàn sinh học ở ấp Phú Thạnh B, nhờ thực hiện tốt các yêu cầu của quy trình kỹ thuật nuôi an toàn sinh học nên kết quả nuôi cá đạt được rất khả quan. Trong suốt quá trình nuôi cá ít bệnh, ngoại trừ một số ao do mưa nhiều, ao sát kênh bị rò rỉ nước vào ao thường xuyên làm môi trường nước trong ao không ổn định.
Trước đây, do không xử lý môi trường nước nên khi đem giống về nuôi thì trong 3 tháng đầu cá hao tụt rất nhiều, có ao cá chết hết. Mặt khác, do ít đầu tư thức ăn công nghiệp nên cá chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài.
Nhìn chung, khi thực hiện mô hình nuôi cá tai tượng an toàn sinh học cho thấy cá phát triển tốt hơn so với trước đây tự nuôi, vì thế lợi nhuận cũng cao hơn.
Cụ thể, qua 18 tháng nuôi cá đạt cỡ trung bình 600- 750 g/con, cá biệt có 1 hộ cá đạt trung bình 860 g/con; tỷ lệ cá sống trung bình 80%. Sau khi trừ chi phí, tính ra nông dân thực hiện mô hình có lợi nhuận từ 20- 40 triệu đồng/công (1.000m2) tùy theo giá cá tại mỗi thời điểm.
Qua mô hình cho thấy, tỷ lệ sống cá nuôi đã được nâng lên, rút ngắn thời gian nuôi, hướng dẫn nông dân nuôi cá biết cách ghi chép sổ nhật ký đầy đủ trong quá trình nuôi và hạch toán chính xác kết quả nuôi, sử dụng các loại hóa chất cho phép.
Đã thay đổi tập quán sản xuất của nông dân vì nuôi theo an toàn sinh học sẽ giảm việc sử dụng thuốc kháng sinh phòng trị bệnh cho cá nuôi, đặc biệt hướng dẫn nông dân sử dụng các loại chế phẩm sinh học định kỳ nhằm đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường theo hướng ổn định bền vững.
Theo ông Đỗ Hiếu Liêm, mô hình nuôi cá tai tượng an toàn sinh học phù hợp với điều kiện thực tế tại nhiều địa phương, là cơ sở để nhân rộng ra nhiều người cùng thực hiện để tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng cho thị trường.
Vừa qua, một số công ty chế biến thủy sản ở TP Hồ Chí Minh đến đặt hàng Chi hội Nghề cá xã Phú Kiết một lượng lớn cá tai tượng nuôi theo mô hình an toàn sinh học nhưng không có đủ số lượng lớn cung cấp.
Để nghề nuôi cá tai tượng phát huy hiệu quả và bền vững hơn trong thời gian tới, ông Đỗ Hiếu Liêm đề nghị các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp cần tạo điều kiện, xúc tiến thành lập các tổ hợp tác sản xuất giống có chất lượng cao để cung cấp giống tốt cho người nuôi.
Đồng thời, thành lập tổ liên kết sản xuất trong Chi hội Nghề cá để đẩy mạnh việc tiêu thụ cá thương phẩm…
Cá tai tượng đã được nuôi tập trung chủ yếu ở một số xã của huyện Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo. Trong đó xã Phú Kiết (huyện Chợ Gạo) là cái nôi của nghề nuôi cá tai tượng thịt và là nơi nuôi cá tai tượng nhiều nhất của tỉnh Tiền Giang. Việc nuôi cá tai tượng không đòi hỏi diện tích ao lớn nên rất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và rất thuận lợi thực hiện mô hình nuôi cá tai tượng an toàn sinh học.
|
Bài, ảnh: THÀNH CÔNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin