Tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp được nhiều đại biểu (ĐB) và cử tri quan tâm. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phan Nhựt Ái đã trả lời những vấn đề đặt ra.
Tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp được nhiều đại biểu (ĐB) và cử tri quan tâm. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phan Nhựt Ái đã trả lời những vấn đề đặt ra.
Ông Phan Nhựt Ái trả lời chất vấn.
* Kiến nghị của Ủy ban MTTQ và chất vấn của ĐB Nguyễn Văn Lượng (đơn vị huyện Mang Thít): Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp thời gian qua và hiện nay rất khó khăn, ảnh hưởng xấu đến đời sống người nông dân trong tỉnh.
Ông đã có giải pháp gì và đã đạt được kết quả như thế nào trong việc điều chỉnh quy hoạch sản xuất, xác định sản phẩm, thị trường và hướng dẫn nông dân sản xuất?
- Ông Phan Nhựt Ái: Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đầu tư hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu tập trung (cánh đồng mẫu lớn) như đối với cây lúa ở 7 huyện, thị với diện tích 3.183ha, người dân xung quanh vùng dự án ở các huyện đã mở rộng thêm 3.629ha nên tổng diện tích cánh đồng mẫu toàn tỉnh 6.812ha; vùng trồng bưởi Năm Roi Mỹ Hòa; cam sành Tam Bình; xà lách xoong Bình Minh, khoai lang Bình Tân…
Nội dung đầu tư tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản thông qua đầu tư giống mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, xây dựng nhà sơ chế đóng gói, chứng nhận VietGAP, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa…
Chúng tôi cũng tập trung quảng bá cho hàng nông sản trong tỉnh thông qua việc tham gia các hội chợ nông sản, tổ chức các hội thảo liên kết tiêu thụ nông sản, tổ chức giao thương, hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp tìm kiếm thị trường…
Việc làm này cũng đã mang lại kết quả tích cực, có thể kể đến như: trên 90ha nuôi trồng thủy sản được chứng nhận các tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC và tiêu chuẩn VietGAP; năng suất và hiệu quả sản xuất lúa tăng 0,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng so với ngoài vùng dự án 3,5- 4 triệu đ/ha/vụ; một số sản phẩm khác như xà lách xoong, bưởi Năm Roi cũng đã có nhiều khách hàng mới…
* ĐB Nguyễn Văn Lượng- đơn vị huyện Mang Thít: Dịch chổi rồng trên cây nhãn điều trị kết quả chưa đạt yêu cầu. Xin ông cho biết nguyên nhân và những giải pháp tiếp theo như thế nào để giúp nhà vườn?
- Ông Phan Nhựt Ái: Việc phòng trị dịch chổi rồng trên cây nhãn chưa đạt yêu cầu do nhiều nguyên nhân.
Về khách quan, việc thực hiện quy trình phòng trị bệnh chổi rồng của bà con nông dân chưa đến nơi đến chốn, bà con thường không bón đủ lượng phân cho từng giai đoạn, không thường xuyên cắt tỉa chồi bệnh, khâu xử lý thuốc thường không đúng thời điểm và không đủ số lần theo quy trình hướng dẫn.
Mặt khác, do giá cả không ổn định và thường ở mức thấp nên nông dân ngại đầu tư chăm sóc vì sợ bị lỗ vốn.
Về nguyên nhân khách quan, cũng phải nhìn nhận rằng việc đôn đốc kiểm tra của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cây trồng vật nuôi các cấp thiếu chặt chẽ, chưa huy động được lực lượng tham gia phong trào đồng loạt, chưa tạo thành phong trào.
Trong thời gian tới, ngành sẽ thực hiện một số giải pháp sau: Thứ nhất, sẽ phân loại vườn nhãn tiêu da bò bị bệnh chổi rồng thành hai nhóm và có biện pháp thích hợp.
Nhóm 1, gồm những vườn nhãn bị nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình, cây còn tốt có khả năng phục hồi thì sẽ tiếp tục phòng trị trên tinh thần nghiêm túc, chặt chẽ trong thực hiện quy trình phòng trị.
Đối với nhóm 2, gồm những vườn nhãn bị nhiễm bệnh ở mức độ nặng, cây suy kiệt, già cỗi thì khuyến cáo đốn bỏ trồng lại giống nhãn khác (xuồng cơm vàng, edor) hoặc trồng cây khác như chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng… theo phân vùng thích nghi cây ăn trái.
Thứ hai, giao Chi cục Bảo vệ thực vật tiếp tục tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật phòng trị bệnh chổi rồng trên nhãn theo đúng quy trình của Cục Bảo vệ thực vật; tổ chức tham quan những mô hình phòng trị có hiệu quả cao.
Thứ ba, xin chủ trương của UBND tỉnh giao Trung tâm Giống nông nghiệp xây dựng các mô hình chuyển đổi giống nhãn khác, cây ăn trái khác với quy mô khoảng 50 ha/mô hình để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình vườn cây ăn trái quy mô lớn, được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và gắn sản xuất với tiêu thụ.
Thứ tư, tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu tìm ra tác nhân và biện pháp phòng trị mới có hiệu quả hơn…
* ĐB Nguyễn Thị Cẩm Hồng- đơn vị huyện Long Hồ: Gói thầu số 4 đê bao 4 xã cù lao dân đã đốn cây, dọn sạch đường nhưng đến nay vẫn chưa thi công, Sở Nông nghiệp và PTNT hứa nhưng đến nay vẫn vậy?
- Ông Phan Nhựt Ái: Dự án này thực hiện đã lâu, chúng tôi rất muốn hoàn thành nhưng trong thực tế chúng tôi gặp khó khăn.
Dự án này có 4 công trình là đê bao Hòa Ninh (đã xong), đê bao Mương Lộ- Cái Muối (đã xong), đê bao Phú Mỹ- Phú Hòa (4 hạng mục: đã hoàn thành 2, còn 2 hạng mục do vướng mặt bằng), còn đê bao ngoài có 5 gói thầu, trong đó có gói thầu số 4.
Đây là gói thầu do chỉnh tuyến nên cần phải làm lại từ khảo sát, thiết kế, lập dự toán, trình phê duyệt cho nên rất lâu. Hiện nay, chúng tôi đang trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt chỉ định thầu và sẽ phấn đấu hoàn thành trong năm 2014 này.
Ngành nông nghiệp đang phấn đấu xây dựng được nhiều cánh đồng mẫu lớn và nhiều đầu mối tiêu thụ nông sản cho nông dân.
* ĐB Nguyễn Thành Nghiệp- đơn vị huyện Bình Minh; ĐB Nguyễn Văn Lượng- đơn vị huyện Mang Thít:
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngành chức năng nghiên cứu các giải pháp, cơ chế chính sách tác động người dân tốt hơn chứ không chỉ nói đến trồng cây gì, con gì, bán ở đâu. Xung quanh vấn đề này, ông giám đốc có thể nói rõ hơn về chỉ đạo của ngành nông nghiệp để người nông dân an tâm?
- Ông Phan Nhựt Ái: Chúng tôi đã xác định được chức năng, nhiệm vụ của ngành, trong đó vấn đề quản lý nhà nước về hướng dẫn vùng trồng, kỹ thuật... đã được thể hiện trong quy hoạch ngành nông nghiệp đến năm 2020, trong đó chúng tôi xác định được thế mạnh của tỉnh mình là cây lúa, cá tra, cam sành, bưởi Năm Roi, khoai lang.
Đây là những mặt hàng chủ lực cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; còn quy mô tăng giảm tùy thời điểm cho phù hợp với thị trường.
Tuy nhiên, nếu mình cứ bảo thủ giữ như vậy là chưa đủ, mà phải luôn luôn nghiên cứu ứng dụng xây dựng mô hình mới bổ sung như trồng bắp lai luân canh trên ruộng lúa, nuôi cá thủy đặc sản (lươn đồng, cá thát lát cườm, cá bông lau...)
Như vậy người nông dân mới phát triển sản xuất theo chiều hướng vừa có quy mô lớn, vừa đa dạng sản phẩm, sử dụng tốt tiềm năng hiện có để tăng thu nhập.
Về cơ chế, chính sách, trước mắt chúng tôi nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các chính sách theo Nghị định 210 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, Quyết định 62 của Chính phủ về giảm tổn thất sau thu hoạch.
Đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất các chính sách đặc thù của tỉnh như chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ứng dụng công nghệ cao….
Về tiêu thụ chúng tôi cũng xác định cả thị trường trong nước và xuất khẩu, vì vậy tùy tình hình sẽ tổ chức sản xuất đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho nông dân tham gia thị trường, quan điểm của chúng tôi là tiếp tục phấn đấu xây dựng được nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn để có số lượng hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều với đầu mối tiêu thụ là hợp tác xã, doanh nghiệp. Và phải làm thế nào xây dựng được nhiều đầu mối tiêu thụ nông sản cho nông dân thì lúc đó mới hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất vững mạnh và bền vững.
DUY UYÊN- THANH TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin