Tổ dịch vụ sản xuất lúa trọn gói Ấp 9 là hình thức hợp tác sản xuất mới của nông dân và được nhận diện là mô hình “sáng giá” trong tiến trình phát triển kinh tế hợp tác kể từ đầu thập niên 1980 đến nay.
Hơn một năm qua, kể từ khi có tổ dịch vụ sản xuất lúa trọn gói do ông Nguyễn Văn Trọng (Mười Trọng)- Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng Ấp 9 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) sáng lập và tổ chức thực hiện thì nông dân nhiều ruộng, ít nhân công phấn khởi, bởi vẫn có thể sản xuất đều đặn mùa vụ trong năm nhưng không phải vất vả.
Với hiệu quả mang lại, có thể nói: Tổ dịch vụ sản xuất lúa trọn gói Ấp 9 là hình thức hợp tác sản xuất mới của nông dân và được nhận diện là mô hình “sáng giá” trong tiến trình phát triển kinh tế hợp tác kể từ đầu thập niên 1980 đến nay.
Kỳ 1: Mới, lạ chuyện làm ruộng “trọn gói”
Giao thông phát triển mạnh đến tận ấp là điều kiện tốt để thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp- nông thôn Mỹ Lộc.
Khởi đầu làm dịch vụ nông nghiệp
Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng Ấp 9 Nguyễn Văn Trọng cho biết: Toàn Ấp 9 có 116ha đất chuyên sản xuất lúa. Mấy năm trước, mỗi khi đến mùa vụ thu hoạch là bà con phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm nhân công.
Dù nhiều người đã đưa ra giá cao gấp 2- 3 lần nhưng lúa vẫn phải chín rục ngoài đồng, bởi không có người làm...
Bức xúc trước thực trạng này, ông Trọng và một số đảng viên trong chi bộ nghĩ ngay đến chuyện vận động tổ chức những nông dân thiếu việc làm ổn định trong ấp lập thành nhóm đi làm lúa thuê.
Năm 2011, khi cánh đồng mẫu lớn được thực hiện tại địa phương đòi hỏi phải có máy móc thu hoạch, giống lúa chất lượng, thiết bị sấy khô, đóng bao bảo quản… để nâng cao giá trị hạt lúa và tạo thương hiệu hạt gạo trên thị trường, ông Trọng nghĩ tiếp đến chuyện phải tổ chức làm chuyên nghiệp hơn bằng cách “lấy máy móc của nông dân phục vụ nông dân”.
Sau khi bàn bạc thống nhất trong chi bộ, “Chúng tôi quyết định tập hợp những hộ có tư liệu sản xuất như: máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp,… thành tổ dịch vụ.
Và khi nhận được sự đồng thuận cao từ các chủ máy cũng như một lượng lớn người sẵn sàng làm công, chúng tôi tổ chức thành 4 đội, gồm: đội làm đất; đội sạ hàng và chăm sóc lúa; đội thu hoạch lúa; đội làm lúa giống, sấy và đóng bao, đồng thời tổ chức bầu đội trưởng, đội phó để tiện phân công điều hành công việc. Mỗi đội một nhiệm vụ, với mục tiêu phục vụ đạt hiệu quả cao nhất cho bà con nông dân”- ông Trọng kể.
Ông Nguyễn Thanh Liêm- Đội trưởng đội làm đất cho biết:
“Gia đình có 2 máy cày, trước đây làm ăn riêng lẻ, thường xảy ra tình trạng cạnh tranh giữa các chủ máy, có lúc rất là gay gắt.
Khi Tổ sản xuất lúa trọn gói Ấp 9 được thành lập, thấy có lợi nhiều vì có Ban điều hành đi hợp đồng, cá nhân mình khỏi phải chạy lo, nên tôi quyết định đưa máy vô tổ cùng làm ăn. Khi làm xong ruộng của bà con trong ấp, còn thời gian thì làm cho các ấp khác. Nhờ vậy, mức thu nhập rất ổn định, bình quân mỗi vụ đảm bảo tăng hơn trước”.
Anh Nguyễn Hòa Hiệp- người đầu tiên tự nguyện đưa hết tài sản gồm 2 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cày, 1 máy xới, máy sàn chọn hạt giống và 2 lò sấy lúa,… với tổng trị giá gần một tỷ đồng tham gia vào tổ dịch vụ. Nêu lý do dẫn đến quyết định này- anh tuyên bố chắc nịch: “Vì tôi tin tưởng chi bộ, tin tưởng ông Trọng và muốn làm ăn có tổ chức bài bản”.
Anh Hiệp giải thích thêm: “Một mình tôi làm cũng được, nhưng hay xảy ra chuyện xích mích giữa các chủ máy, nên khi chi bộ đề nghị tôi đồng ý liền. Giờ tới mùa vụ, đội phân chia diện tích, thời gian thu hoạch rõ ràng. Mâu thuẫn này được hóa giải, anh em chủ máy hết cạnh tranh mà còn ủng hộ nhau làm ăn như người trong nhà”.
Ban đầu, tổ chỉ có hơn 10 thành viên. Qua gần 3 năm đi vào hoạt động, tương ứng với hiệu quả và uy tín, số lượng người tự nguyện đưa máy móc, thiết bị nông nghiệp và tham gia vào tổ dịch vụ đã tăng lên gấp 6- 7 lần.
Tất cả đều có thu nhập khá cao, ổn định. Và có lẽ không ở đâu, chi bộ, chính quyền cơ sở, cũng như các hộ có tư liệu sản xuất riêng tư và nông dân làm công lại có mối quan hệ gắn bó mật thiết, tin tưởng, hỗ trợ nhau như ở Ấp 9 này.
Người dân được lợi- đồng tâm, hiệp lực cao
Khi nhận lãnh công việc, các đội trưởng sẽ phân công từng nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên, đội này gắn kết với đội khác hoàn tất các công đoạn trong sản xuất và công việc của mỗi đội sẽ không bị gián đoạn.
Cứ thế, tính đến nay, tổ dịch vụ đã nhận lãnh làm trọn gói theo mô hình sản xuất khép kín 116 ha/vụ của riêng Ấp 9 và còn làm thêm nhiều diện tích trong cánh đồng mẫu lớn 600ha ở các ấp lân cận.
Không chỉ phục vụ trực tiếp cho chính công việc sản xuất của nông dân, Tổ dịch vụ sản xuất lúa trọn gói của Chi bộ Ấp 9 còn tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động nông thôn tại địa phương. Triệt để giải quyết được thực trạng: người mướn không biết mướn ai và người cần việc không biết ai cần người để làm!
Dẫn chứng hiệu quả từ việc có sự điều hành, quản lý của tổ sản xuất này- ông Trọng ví dụ: Khi hộ A có nhu cầu vác chuyển 200 tấn lúa, hộ B cần bón phân, xịt thuốc, làm cỏ, làm đất… bao nhiêu công, thì điện thoại liên hệ với ông tổ trưởng hoặc Ban điều hành.
Chúng tôi thỏa thuận và điều đủ lực lượng đến làm hoàn tất, đúng như hợp đồng. Còn người dân trong ấp, ai muốn tham gia tổ dịch vụ để có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập thêm thì liên hệ với Ban điều hành, ghi danh xong là có thể tham gia ngay.
Từ công việc này, trung bình mỗi nhân công trong tổ sẽ mang về thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn được bao bữa cơm trưa khi làm. Anh Nguyễn Thanh Hải- thành viên trong tổ đã tâm sự:
“Trước kia, tui làm thuê cho các lò gạch. Sau này nhiều lò gạch giải thể. Về nhà tui phải kiếm việc làm thuê theo mùa vụ. Nhờ có tổ dịch vụ, tui xin vào làm hơn một năm nay, mỗi ngày kiếm được từ 100.000- 150.000đ”.
Nông dân ngày nay rất dễ tiếp cận với nhiều nguồn thông tin để nâng cao kiến thức.
Chúng tôi gặp 2 lão nông là Nguyễn Văn Nam và Phạm Văn Năm đang trên đường đi thăm đồng, lúa sạ đã được hơn 40 ngày tuổi. Nhìn dàn lúa đang xanh tốt, ông Năm nhận định: “Vụ này làm 20 công, năng suất không thua gì vụ Đông Xuân!”
Ông bảo: “Làm lúa trong mô hình cánh đồng mẫu lớn lợi rất nhiều thứ, có kỹ sư của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP. Bây giờ còn có thêm Tổ dịch vụ sản xuất lúa trọn gói của ông Trọng, nông dân ở đây thiệt là nhẹ lo!”
2 lão nông này cũng như rất nhiều bà con nữa trong Ấp 9 đều là những người tuổi cao, sức yếu, có ruộng đất, nhưng con cái lại bỏ quê đi làm việc khác. Ông Nguyễn Văn Nam cho biết: “Nếu không có tổ dịch vụ của ông Trọng, lớp nông dân già tụi tui chắc phải cho mướn ruộng hết, chớ làm sao nổi”.
Tìm hiểu sâu về hoạt động của tổ sản xuất, chúng tôi nhận thấy có nhiều cái hay, cái mới trong mô hình kinh tế hợp tác này. Đó là, nông dân địa phương được tham gia bàn bạc, góp ý, biểu quyết về quy ước giá các loại dịch vụ của tổ.
Cụ thể như: dịch vụ cày, trục cho đến khi gieo sạ có giá công là 1,5 triệu đồng/ha; sạ hàng là 300.000 đ/ha; giặm lúa 100.000 đ/người/ngày; rải phân 100.000 đ/ha; xịt thuốc 15.000 đ/bình 25 lít và thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp rồi chuyển tới nơi theo yêu cầu chủ ruộng là 2,5 triệu đồng/ha…
Nhờ vậy, giá thành sản xuất lúa của ấp nói riêng, cũng như ở xã Mỹ Lộc nói chung thường thấp hơn các địa phương khác. Và do biết được chi phí đầu vào một cách chính xác, nên khi chọn giá bán luôn đảm bảo cho nông dân có lời ở mức chấp nhận được.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc Nguyễn Văn Diệu:
“Khi bắt tay vào xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, yêu cầu của sản xuất là xuống giống một lượt, thu hoạch cùng lúc nên tổ dịch vụ “trọn gói” này ra đời là lợi thế, đồng thời khắc phục tốt tình trạng thiếu lao động lâu nay. Khi bà con xuống giống hoặc thu hoạch, các đội này sẽ liên kết làm một lượt. Trường hợp máy nào bị hỏng hóc thì có máy khác thay thế ngay, chứ không như trước đây phải chờ nhiều ngày, giống bị thối hoặc trễ thời điểm cần phải gặt”.
|
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: TRẦN ÚT – BÍCH VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin