Cần cơ chế, chính sách phù hợp

02:03, 18/03/2014

Trong khi chính sách đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ (KH- CN) còn hạn chế, nhiều nông dân tự “sáng chế” máy móc, thiết bị để ứng dụng sản xuất. Chính cách làm thiếu tính đồng bộ dẫn tới hệ quả: nông nghiệp (NN) vừa lạc hậu vừa manh mún.

Trong khi chính sách đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ (KH- CN) còn hạn chế, nhiều nông dân tự “sáng chế” máy móc, thiết bị để ứng dụng sản xuất. Chính cách làm thiếu tính đồng bộ dẫn tới hệ quả: nông nghiệp (NN) vừa lạc hậu vừa manh mún.

Thực tế này được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận, tìm giải pháp khắc phục tại hội thảo “Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KH-CN vào NN” mới đây.


Nhiều máy móc nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản được nông dân cải tiến lại để sử dụng phù hợp trên đồng lúa ngập nước ở Việt Nam.


10 tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và doanh nghiệp (DN) hoạt động trên lĩnh vực NN đều cho rằng, đẩy mạnh đầu tư và cải tiến công nghệ trong NN là việc làm cấp thiết trong điều kiện biến đổi khí hậu, ô nhiễm trong sản xuất và dịch bệnh gia tăng hiện nay.

Đầu tư còn khiêm tốn

Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Việt Nam hiện có trên 33.000 DN NN, trong đó trên 93% là các DN nhỏ và vừa. Ngoài ra, còn có hàng trăm ngàn hộ đăng ký kinh doanh và hàng triệu hộ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản được xếp loại DN siêu nhỏ.

Việc ứng dụng KH-CN ở các DN trong NN hiện rất hạn chế. Thống kê cho thấy trên 82% máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất ở Việt Nam thuộc loại trung bình và lạc hậu.

Ngoài ra, nông sản tiêu dùng trong nước vẫn ở dạng sơ chế, tỷ lệ sản phẩm qua chế biến thấp, như rau, củ, quả chỉ chiếm khoảng 15%. Điều này không những làm giảm hiệu quả kinh tế mà còn giảm các lợi ích xã hội khác, dẫn đến chất lượng nông sản chưa cao, hao hụt nhiều. Mỗi năm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch là 16% đối với ngũ cốc và 22% với trái cây và rau.

Ngân sách đầu tư cho KH- CN còn thấp là nguyên nhân dẫn đến tụt hậu lĩnh vực NN.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN nông thôn, đầu tư ngân sách nhà nước cho KH- CN Việt Nam còn thấp so các nước trong khu vực. Năm 2010, ngân sách đầu tư cho KH- CN của Việt Nam chỉ 1,2%, trong khi Trung Quốc là 3,9%, Thái Lan là 2,4%.

Tỷ lệ đầu tư quá thấp nên chưa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm KH- CN. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, so với mức đầu tư công ở ngay các nước ASEAN cho KH- CN, Việt Nam chỉ bằng 1/4 so với Philippines và Indonesia và 1/7 so Malaysia.

Về khâu giống, theo PGS- Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang- Ủy viên Hội đồng Chính sách KH- CN quốc gia, Việt Nam chủ yếu nhập giống bố mẹ và nhân giống đàn thương phẩm từ khâu đẻ trứng. Sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, phần lớn phải nhập nguyên liệu (từ bắp, đậu tương, đến thức ăn bổ sung, phụ gia).

Trong khi đó, tình trạng tổn thất sau thu hoạch còn lớn. Hệ thống máy móc phục vụ NN phải nhập từ nước ngoài. Theo báo cáo, hiện 90% máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL nhập từ nước ngoài. Nhiều loại máy trôi nổi, không kiểm soát được chất lượng. Cơ giới hóa NN, đến nay loại máy kéo 2 bánh trong nước sản xuất đã lỗi thời.

GS- TS Võ Tòng Xuân- quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, nhiều nông dân tự sáng chế máy phun thuốc; cải tiến máy gặt đập của Trung Quốc, Nhật Bản để sử dụng hiệu quả hơn trên đồng lúa ngập nước của Việt Nam nhưng họ không thể nhân rộng vì không thể vẽ thiết kế đúng quy cách kỹ thuật và không có tiền đầu tư thiết bị chế tạo.

Tiến sĩ Hồ Ngọc Luật- Vụ trưởng Vụ Phát triển KH- CN địa phương (Bộ KH- CN), tổn thất sau thu hoạch ở ĐBSCL còn khá cao, khoảng 13,7%, bắp là 13- 15%, rau quả 15- 20%, thiệt hại 635 triệu USD/năm, chưa kể tổn thất về chất lượng. Toàn vùng hiện vẫn chưa có hệ thống nhà xử lý đóng gói rau quả đủ tiêu chuẩn như các nước trong khu vực.

Liên kết công- tư

Đề án tái cơ cấu NN một số địa phương đang chuẩn bị thực hiện sẽ chú trọng xây dựng nền NN chất lượng cao. Trong đó, đặc biệt áp dụng những tiến bộ KH kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, đầu tư và ứng dụng KH- CN trong NN đòi hỏi nguồn lực và năng lực ở mức cao, đôi khi vượt quá khả năng của Nhà nước. Vì vậy liên kết, hợp tác giữa khu vực tư nhân và khu vực Nhà nước để cùng thực hiện một sáng kiến, một dự án sẽ giúp đẩy nhanh hiện đại hóa NN.

Ông Nguyễn Quốc Vọng- Công ty CP Giống cây trồng miền Nam cũng cho rằng, yếu kém nhất của nông nghiệp ĐBSCL là chưa xây dựng được chuỗi ngành hàng xuyên suốt và đồng bộ. Các hiệp hội chưa thực sự vì nông dân nên đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch còn là bài toán khó, chưa nói đến việc đầu tư cho KH- CN cho khâu chế biến để nâng cao giá trị nông sản.

“Ở Australia nền NN họ làm rất bài bản vì Nhà nước luôn quan tâm thành lập và phát triển các hiệp hội của nông dân. Nông dân Australia không lo ngại “theo đuôi” thị trường, bởi các hiệp hội sẽ chịu trách nhiệm đầu ra đầu vào nông sản”- Nguyễn Quốc Vọng cho biết thêm.

Là vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực, nhưng theo PGS- Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu- Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, ngân sách đầu tư trang thiết bị, các nghiên cứu trên một số loại cây trồng còn rất hạn chế. Các DN quy mô vừa và nhỏ nên các nghiên cứu ứng dụng KH- CN áp dụng thực tiễn còn khiêm tốn. Vì vậy, ông đề xuất Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN này xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao có đầy đủ trang thiết bị từ sơ chế đóng gói.

Nhiều báo cáo đã nêu lên thực trạng và nhu cầu ứng dụng KH- CN vào NN, Thứ trưởng Bộ KH- CN Trần Việt Thanh cho biết, các ý kiến sẽ được Bộ KH- CN tổng hợp thành những vấn đề, kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành có liên quan để thực hiện phát triển ngành nông nghiệp ĐBSCL giai đoạn 2015- 2020 theo hướng hiện đại.

Theo PGS- Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, trong vài năm gần đây, diện tích cây ăn quả ĐBSCL có tốc độ phát triển chậm (chỉ hơn 1%). Vì vậy, rất cần những cơ chế, chính sách đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng KH- CN phù hợp để vực dậy nền NN đồng bằng.

Bài, ảnh: TRUNG THÀNH- THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh