Từ năm 2005 đến nay, nông dân xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) đã tự nghiên cứu, thực nghiệm và xây dựng thành công mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ trong ao, hồ cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay xã Hòa Phú đã thành lập được Tổ hợp tác chăn nuôi tổng hợp với 34 hộ gia đình tổ viên.
Từ năm 2005 đến nay, nông dân xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) đã tự nghiên cứu, thực nghiệm và xây dựng thành công mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ trong ao, hồ cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay xã Hòa Phú đã thành lập được Tổ hợp tác chăn nuôi tổng hợp với 34 hộ gia đình tổ viên.
Bác Nguyễn Văn Tri, Phó chủ tịch Hội Nông dân, Chủ nhiệm Tổ hợp tác chăn nuôi tổng hợp Hòa Phú cho biết: Cá lăng đuôi đỏ vốn là sản vật quý của dòng sông Sê-rê-pốk. Cá thường sinh sống ở những vùng nước sâu, có nhiều thác ghềnh, nơi có sẵn nguồn thức ăn thực sinh. Cá có trọng lượng rất lớn, có con nặng tới vài chục ki-lô-gam.
Cá lăng đuôi đỏ chắc thịt, thịt có vị ngọt và thơm, nên lâu nay đã trở thành món ăn đặc sản, mang đặc trưng riêng của những vùng đất nằm bên dòng Sê-rê-pốk và các dòng sông chính trên Tây Nguyên. Hiểu rõ giá trị kinh tế của cá lăng đuôi đỏ, nên từ năm 2005, một số hộ dân xã Hòa Phú có ao, hồ nằm kế bên sông Sê-rê-pốk đã thử nghiệm nuôi loại cá này trong ao, hồ.
Ban đầu chỉ có 3 hộ là Trần Văn Kiếm ở thôn 2, Hoàng Quốc Bài và Lê Văn Cường ở thôn 5 nuôi, với phương pháp là mua gom những con cá lăng đuôi đỏ còn nhỏ (trọng lượng từ 2-3 gam/con) mà bà con dân chài, thợ câu bắt về với giá 25-30 nghìn đồng/con. Cá giống sau khi mua được, đem thả chung với các loài cá thông thường trong ao, hồ.
Kết quả thật đáng mừng, chỉ sau 2 năm nuôi thả, lứa cá đầu tiên đã có trọng lượng 6kg/con. Từ nghiên cứu kết quả lứa cá đầu tiên mà các hộ nuôi thực nghiệm thành công cho thấy, cá lăng đuôi đỏ phàm ăn, ngoài các con cá nhỏ có sẵn trong ao, hồ, cá lăng còn có thể ăn cả những thức ăn chế biến như cám nấu và thức ăn dành cho cá bán sẵn trên thị trường. Để tạo môi trường nước trong ao, hồ gần với môi trường tự nhiên trên sông, suối, đồng thời tranh thủ nguồn thức ăn thực sinh trên sông Sê-rê-pốk, một số hộ dân xã Hòa Phú còn có sáng kiến mở những kênh (có chắn lưới) thông với sông Sê-rê-pốk để lấy và xả nước thường xuyên.
Tổ hợp tác chăn nuôi tổng hợp Hòa Phú được thành lập từ năm 2007. Tổ có nhiệm vụ tập hợp những hộ dân nuôi trồng thủy sản, vận động bà con tham gia mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ. Tổ đứng ra phân công cán bộ và những người có kinh nghiệm hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm, huy động và giải quyết nguồn vốn vay cho các tổ viên.
Tổ hợp tác chăn nuôi tổng hợp Hòa Phú còn hướng đến xây dựng, quảng bá thương hiệu “Cá lăng đuôi đỏ Hòa Phú”. Ngày đầu thành lập chỉ có 5-7 hội viên, đến đầu năm 2014 này, tổ đã có tổng cộng 34 hội viên, rải khắp địa bàn xã Hòa Phú.
Có thể nói, với thu nhập bình quân 700-900 triệu đồng/ha mặt nước/năm nhờ mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ xen ghép cá thường ở xã Hòa Phú đang là hướng đi giúp nông dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Mô hình này đã và đang được một số địa phương của tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông và miền Tây Nam Bộ học tập, nhân rộng.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin