Nông nghiệp với những vận hội mới

07:01, 01/01/2014

Năm 2013 khép lại, nông nghiệp Vĩnh Long đã vượt qua rào cản dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tiếp tục “đưa vai gánh vác” không ít trọng trách, tạo tăng trưởng, chuyển dịch hướng tích cực, góp phần ổn định kinh tế, an sinh xã hội, bước vào năm mới với thời cơ và vận hội mới.


Cánh đồng mẫu lớn đang tạo đột phá trong sản xuất lúa.

Năm 2013 khép lại, nông nghiệp Vĩnh Long đã vượt qua rào cản dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tiếp tục “đưa vai gánh vác” không ít trọng trách, tạo tăng trưởng, chuyển dịch hướng tích cực, góp phần ổn định kinh tế, an sinh xã hội, bước vào năm mới với thời cơ và vận hội mới.

Vượt qua khó khăn

Những thách thức trong sản xuất nông nghiệp được nhận diện rõ ngay từ đầu năm. Đó là hầu hết các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đều chịu sự tác động bất lợi của thời tiết, dịch bệnh và giá cả đầu vào- đầu ra,… đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển toàn ngành.

Đáng lo nhất là tình hình dịch bệnh chổi rồng trên nhãn, với hơn 9.000ha. Trên cây có múi, ngoài bệnh vàng lá, sâu đục trái xuất hiện cũng gây không ít khó khăn cho nhà vườn. Hàng loạt vườn cam, bưởi mất mùa.

Sản xuất khó khăn, nhưng trong năm qua nông nghiệp vẫn là “chỗ dựa” ổn định cho nền kinh tế khi tiếp tục có sự tăng trưởng. Giá trị sản xuất toàn ngành nông- lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 18.948 tỷ đồng, tăng 1,0% so với năm 2012; trong đó ngành nông nghiệp tăng 1,8%.

Sản lượng lúa cả năm đạt 1.049.970 tấn. Cây màu tiếp tục phát triển diện tích, sản lượng và đa dạng về chủng loại. Sản lượng màu cả năm ước đạt 876.440 tấn, tăng 2,31%.

Nhờ phòng trị kịp thời nên diện tích nhãn nhiễm chổi rồng đã khôi phục gần 70%. Bệnh sâu đục trái trên cây có múi có xu hướng giảm. Toàn tỉnh hiện có 49.000ha cây lâu năm, tăng 340ha. Trong đó có 41.575ha đang cho sản phẩm, sản lượng ước đạt 544.000 tấn.

Bên cạnh khó khăn của đàn vật nuôi do giá cả ở mức thấp thì nuôi thủy sản xuất hiện ngày càng nhiều mô hình mới như, nuôi cá lóc, lươn, cá trê, cá ba sa, cá chép, ba ba, ếch,... đang phát triển và cho hiệu quả kinh tế khá.

Hướng đến nông nghiệp xanh, sạch

Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nông nghiệp Vĩnh Long sẽ tiếp tục chịu tác động thị trường bên ngoài. Mặt khác, sự biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng rõ nét sẽ là thách thức cho sản xuất thời gian tới.

Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã xác định, đến năm 2015 sẽ phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chất lượng và bền vững. Đồng thời bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Cụ thể, tiếp tục củng cố và quy hoạch thủy lợi, vùng sản xuất chuyên canh gắn với nhu cầu thị trường và tình hình biến đổi khí hậu; xây dựng các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc GlobalGAP để có những nông sản an toàn. Bên cạnh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp.


Chuyển dịch cây trồng được nhiều địa phương xem xét khuyến cáo.

Hiện có nhiều đơn vị đã ứng dụng đạt quy trình thực hành nông nghiệp sạch toàn cầu (GlobalGAP) và được trao chứng nhận như: HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, Hợp tác xã Chôm chôm Tích Khánh (Trà Ôn) và Doanh nghiệp Biofeed với sản phẩm cá tra…

Lĩnh vực cây lúa, Vĩnh Long đã xây dựng được 8 cánh đồng mẫu lớn ở các địa phương, với tổng diện tích khoảng 3.200ha. Thông qua mô hình này đã tập hợp nhiều diện tích nhỏ lẻ vào một cánh đồng lớn với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ. Phấn đấu đến năm 2015, cánh đồng mẫu lớn đạt từ 3.500- 4.000ha, đạt lợi nhuận từ 22- 25 triệu đồng/ha, đóng góp từ 10- 15 tỷ đồng vào giá trị sản xuất lúa của tỉnh.

Trong chăn nuôi, xác định chọn khâu cải tạo con giống là mục tiêu hàng đầu. Ngành nông nghiệp đã đầu tư trên 1,7 tỷ đồng triển khai 3 dự án trọng điểm gồm, dự án đầu tư xây dựng hệ thống nhân giống và hỗ trợ sản xuất heo giống chất lượng cao giai đoạn 2011- 2015; dự án cải tạo và nâng chất lượng giống bò thịt quy mô 1.200 con và dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng mạng lưới ương giống cá tra đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Thạc sĩ Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, để đạt tăng trưởng, ngành sẽ tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. Lĩnh vực trồng trọt sẽ thực hiện thâm canh cây lúa, cây ăn trái và mở rộng diện tích trồng rau màu, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hình thành vùng chuyên canh gắn với tiêu thụ nông sản.

Do giá cá tra nguyên liệu luôn ở mức thấp nên nghề nuôi thủy sản cả năm qua tiếp tục gặp khó khăn, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước đạt 2.554ha, trong đó, nuôi cá tra thâm canh 426ha, diện tích đang thả nuôi là 287ha, giảm 8% so năm 2012.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH


 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh