NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ

Cần đa dạng hóa các loại hình phát triển

Cập nhật, 13:25, Thứ Ba, 31/12/2013 (GMT+7)

Trong bối cảnh làn sóng đô thị hóa diễn ra nhanh chóng như hiện nay, việc phát triển nông nghiệp đô thị thực sự là một động lực nội tại rất quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của các đô thị Việt Nam hiện nay.


Trồng rau thủy canh tại nhà.
Ảnh: Internet

Tăng mỹ quan đô thị, giảm ô nhiễm môi trường

Đất nông nghiệp đô thị của Vĩnh Long chiếm khoảng 2,9% trong tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Toàn tỉnh có 8 khu vực đô thị đa số nằm cạnh hệ thống giao thông thủy bộ lớn. Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh, các khu vực đô thị phân bố với khoảng cách tương đối gần, bình quân giữa các đô thị: 18km và đô thị xa trung tâm tỉnh nhất chỉ khoảng 45km, nên tiềm năng phát triển nông nghiệp ven đô rất lớn.

Từ năm 2007, Vĩnh Long đã bắt đầu triển khai thực hiện các mô hình nông nghiệp đô thị. Đến nay, đã có nhiều mô hình phát triển khả quan như: trồng rau theo phương pháp thủy canh, trồng rau mầm, trồng nấm ăn, trồng hoa trong chậu, bồn, trên giàn, trong nhà lưới hay nuôi lươn, ếch, nuôi trùn quế, giun đất, côn trùng làm mồi nuôi chim, nuôi cá kiểng… nhằm bổ sung thực phẩm cho bữa ăn và cải thiện cuộc sống gia đình.

Trong đó, nổi bật nhất là mô hình trồng hoa lan cắt cành được đánh giá là có nhiều triển vọng. Có nhiều địa chỉ xanh và nhiều hàng hóa nông sản dần khẳng định thương hiệu thế mạnh của đồng bằng như: cam sành Tân Hòa, Tân Hội; rau màu Trường An,...
 
Đặc biệt, những năm gần đây, thời điểm giáp tết, nông dân từ nhiều tỉnh khác đến đây thuê đất trồng dưa hấu, dưa lê làm đa dạng thêm cây trồng cho vùng ven đô thị. Bên cạnh đó, mô hình nuôi ba ba, rắn, lươn được xem là khá phù hợp với điều kiện đô thị.

Để góp phần giúp các địa phương, nông dân khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ven đô sẵn có, ngành nông nghiệp với vai trò hỗ trợ đã hướng nông dân thực hiện chuyển dịch sản xuất theo hướng đa dạng trên cơ sở phù hợp điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, trình độ canh tác của nông dân và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập huấn chuyển giao cho các “nhà nông đô thị” kỹ thuật trồng rau mầm; trồng rau an toàn theo hướng VietGAP, trồng hoa phong lan; trồng cây ăn trái, nghệ thuật chăm sóc kiểng, bonsai; kỹ thuật trồng và ghép mai; thiết kế tiểu cảnh, hoa viên, sân vườn; kỹ thuật nuôi rắn ri voi; gieo tinh nhân tạo bò, nuôi cá ao chuồng,… đồng thời, tạo điều kiện cho bà con xây dựng và mở rộng mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, cây ăn trái sinh cảnh, nuôi thủy sản và dịch vụ giống thủy sản để gia tăng thu nhập, tạo cơ hội cho đầu ra của nông sản hàng hóa.

Cùng với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của các mô hình nông nghiệp đô thị khu vực TP Vĩnh Long, tỉnh tiếp tục xây dựng, mở rộng các loại hình khuyến nông đô thị có hiệu quả cao ra các thị trấn, các khu vực trung tâm của các huyện.

Tỉnh tập trung xây dựng các chương trình, dự án, các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, kỹ thuật cao trên cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng ít đất, tận dụng khoảng không gian sản xuất theo tầng nhằm tạo khối lượng nông sản lớn, chất lượng an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng lương thực và nhu cầu giải trí cho người tiêu dùng.
 
Các đơn vị, các ngành chức năng trong tỉnh chú trọng tập huấn, nhân rộng các mô hình trình diễn; tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện chuyên đề “nông nghiệp đô thị”; khuyến cáo người dân về kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng VietGAP, trồng hoa phong lan, trồng cây cảnh… tạo tiền đề cho việc thành lập thêm nhiều tổ hành nghề dịch vụ, góp phần tạo việc làm thêm cho lực lượng lao động địa phương.
 
Hiện đã có những mô hình nông nghiệp đô thị phát triển rất hiệu quả như các mô hình nhà nông làm vườn kết hợp du lịch tại xã An Bình (Long Hồ), mô hình sản xuất rau an toàn ở huyện Long Hồ, mô hình CLB Trồng hoa lan ở Phường 9, mô hình trồng cam sành ở xã Tân Hòa (TP Vĩnh Long),…

Ngoài ra, các công trình nông nghiệp đô thị sinh thái, nghề nuôi trồng sinh vật cảnh cũng góp phần tạo nên mỹ quan đô thị, giảm ô nhiễm môi trường và làm tăng thu nhập nông dân…

Hướng đến nông nghiệp đô thị công nghệ cao

Nông nghiệp đô thị thực chất vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, sức cạnh tranh thấp... Để phát triển nông nghiệp đô thị, cần hạn chế đô thị hóa vùng ngoại ô; đặc biệt là tập trung sản xuất những sản phẩm đặc thù của từng vùng và yêu cầu của thị trường với chất lượng cao.

Muốn vậy, cần tăng cường đầu tư vốn; đa dạng mô hình, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cần xây dựng nông nghiệp đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao vì đây là một định hướng phù hợp và tất yếu của nền nông nghiệp đô thị. Cần thiết phải có chính sách phát triển nông nghiệp đô thị bền vững thì mới tận dụng được ưu điểm như: giảm đóng gói, lưu trữ, vận chuyển; cung cấp dịch vụ tươi sống; tạo việc làm và tăng thu nhập;…

Để phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao, chúng ta phải xác định vai trò của lực lượng khuyến nông là vô cùng quan trọng, là cầu nối giữa nhà khoa học, nhà quản lý và nhà nông, giúp nông dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật.

Bên cạnh nguồn lực hiện có của địa phương, tỉnh nên xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao nhằm đưa sản xuất nông nghiệp đô thị ngang tầm với tiềm năng và vị thế của tỉnh.

Phát triển nông nghiệp đô thị không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân, góp phần tăng trưởng GDP mà còn tạo ra nhiều giá trị khác như: sinh thái, môi trường, giáo dục, nghỉ dưỡng... TP Vĩnh Long có nhiều lợi thế cho phát triển mô hình nông nghiệp đô thị, điểm nhấn chính là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo sản phẩm chất lượng, tăng thu nhập cho nông dân.

Để nông nghiệp đô thị có thể đứng vững, trong định hướng phát triển đến năm 2015 và những năm tiếp theo, Vĩnh Long không chỉ phát triển loại hình nông nghiệp đô thị tự cung tự cấp mà còn chú trọng khai thác tiềm năng lợi thế của từng địa phương như loại hình nông nghiệp đô thị sản xuất nông sản hàng hóa; nông nghiệp đô thị làm đẹp cảnh quan, môi trường; nông nghiệp đô thị công nghiệp không khói (du lịch) và nông nghiệp đô thị nghỉ dưỡng.

Nông nghiệp đô thị không chỉ cung cấp sản phẩm chất lượng tại chỗ, tạo việc làm, thu nhập nông dân khu vực đô thị mà còn giải quyết các vấn đề như ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn nhiên liệu, mỹ quan đô thị. Nếu một phần lượng thực phẩm hàng ngày được cung cấp bởi chính sản phẩm địa phương thì các chi phí vận chuyển, dây chuyền mua bán được giảm xuống làm cho giá thành thực phẩm giảm và ổn định góp phần vào bình ổn thị trường, hạn chế lạm phát…

OANH LÊ