Thu hoạch lúa trong khó khăn

12:10, 24/10/2013

Giá lúa Thu Đông đang tăng nhưng việc bán lúa tại một số nơi cũng không dễ dàng. Mưa, lũ đang diễn biến phức tạp, chi phí thu hoạch đã tăng cao nên nông dân khó có lời.

Giá lúa Thu Đông đang tăng nhưng việc bán lúa tại một số nơi cũng không dễ dàng. Mưa, lũ đang diễn biến phức tạp, chi phí thu hoạch đã tăng cao nên nông dân khó có lời.

Lúa cũ đổi lúa mới

Hiện giá lúa tươi hạt dài bán tại ruộng từ 4.500- 4.700 đ/kg; lúa khô 5.000- 5.100 đ/kg, tăng từ 100- 200 đ/kg. Giá lúa tăng nhưng theo nhiều nông dân, do ảnh hưởng mưa lũ nên chi phí khác cũng tăng theo. Anh Nguyễn Văn Nguyện (ấp Phú Sơn A, xã Long Phú- Tam Bình) cho biết, vừa thu hoạch xong 16 công lúa, năng suất 20 giạ/công, giá 4.700 đ/kg nhưng vẫn không vui vì “trừ bì lúa ướt nên chẳng còn lời lóm gì”.

Theo anh Nguyện, do thu hoạch ngay thời điểm mưa và bị lũ chụp nên lúa bị ngập toàn bộ. “Máy gặt chê, năn nỉ và phải phụ thêm tiền dầu chủ máy mới chịu cắt”. Khâu bán lúa cũng không hề dễ. “Lúa ướt, kêu thương lái kỳ kèo mãi mới chịu mua nhưng mỗi bao bị trừ bì 7- 8kg. Nói giá lúa tăng nhưng trừ chi phí này kia, chủ yếu là lấy lúa cũ đổi lúa mới chứ không còn lời”- anh Nguyện than thở.

Đối những hộ làm kỹ, đạt năng suất cao thì có thể kiếm lời khoảng 200.000- 300.000 đ/công. Anh Nguyễn Văn Thắng (ấp Phú Yên, xã Tân Phú- Tam Bình) nói: “Bây giờ muốn cắt lúa phải đi kiếm ghe trước hoặc kiếm cò coi lúa rồi mới dám cắt, nếu ra lúa rồi mà chưa có lái mua họ ép mình chết luôn”.


Nhiều nơi phải thu hoạch lúa thủ công, do lúa đổ ngã hay bị ngập nước.


Hiện thu hoạch lúa thủ công giá 350.000- 400.000 đ/công, còn bằng cơ giới giá từ 280.000- 300.000 đ/công. Tuy nhiên, do nước lũ lên nhanh, “máy gặt tưởng ngon ăn ai dè cũng bị ế do không xuống ruộng được”. Ông Cao Văn Trấn, “chạy đồng” từ An Giang xuống Vĩnh Long gặt lúa thuê cho biết, công suất máy ông thu hoạch không dưới 40 công/ngày, nhưng mưa và nước lũ mấy ngày qua nên chỉ còn 20- 30 công/ngày, có hôm mưa dầm không cắt được công nào.

Lo lũ chụp

Do ảnh hưởng nước lũ lên nhanh trong những ngày qua nên hầu hết các diện tích lúa Thu Đông còn lại đều bị ngập trong nước. Nhiều nông dân đang lo lắng nước lũ làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt lúa khi thu hoạch.

Túc trực máy bơm sẵn sàng ứng phó nước lũ.

Tại ấp An Thuận (xã Phú Đức- Long Hồ), mặc dù cống hở Sơn Tre được người dân nơi đây khẩn trương khắc phục, nhưng qua ghi nhận thực tế vẫn còn hàng chục hecta lúa Thu Đông, nhà cửa, hoa màu trước nguy cơ bị lũ chụp khi nước lũ tiếp tục tràn. Trong đêm 21/10, hàng chục người dân gần đó túc trực dùng đất đắp ngang mặt cống nhưng vẫn không chống đỡ được.

Anh Nguyễn Khoan Kinh Nghiệm (ấp Bà Lang, xã Long An- Long Hồ) hiện còn 7 công lúa ở đây chưa thu hoạch lo âu: “Nước ngập tới cổ bông và lúa bắt đầu đổ ngã. Nếu không cắt kịp thời, lúa sẽ lên mộng và làm giảm năng suất, khó tiêu thụ là điều không tránh khỏi”.

Trước việc tiêu thụ lúa lại gây khó khăn, mới đây UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương kiểm tra, xác nhận bảng kê nhập, xuất, tồn kho thóc gạo tạm trữ tại các kho đóng trên địa bàn tỉnh của thương nhân được giao nhiệm vụ tạm trữ (kể cả trường hợp thương nhân không có trụ sở trên địa bàn tỉnh) để có giải pháp tháo gỡ. Ngành nông nghiệp vận động người dân nên đẩy nhanh tiến độ thu hoạch trong tình hình nước lũ diễn biến phức tạp. Những nơi có đê bao, trạm bơm cần lên kế hoạch bơm thoát nước nhằm hạn chế áp lực thu hoạch lúa trong dân.

Hơn 670ha lúa giai đoạn chín bị đổ ngã do mưa

Tập trung nhiều ở huyện Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm, tỷ lệ 20- 40%. Bên cạnh, do ảnh hưởng của triều cường làm nhiều hecta lúa Thu Đông, lúa Đông Xuân sớm bị ngập. Toàn tỉnh thu hoạch được 10.896ha, còn lại lúa ở giai đoạn đòng trổ 6.057ha, chín 17.167ha, ước năng suất đạt 5,52 tấn/ha. Lúa đang phát triển tốt, diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh 3.206ha gây hại với mật độ nhẹ- trung bình, giảm 1.998ha.


Bài, ảnh: HOÀNG MINH  

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh