Lợi nhuận của nông dân thêm 3- 4 triệu đồng/ha, có vụ tăng gần 6 triệu/ha sau khi áp dụng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” (CĐML). Từ hiệu quả, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đang có kế hoạch mở rộng diện tích.
Lợi nhuận của nông dân thêm 3- 4 triệu đồng/ha, có vụ tăng gần 6 triệu/ha sau khi áp dụng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” (CĐML). Từ hiệu quả, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đang có kế hoạch mở rộng diện tích.
Thu lợi nhuận
Sau khi Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long phát động xây dựng mô hình CĐML vào năm 2011, đến nay đã nhân rộng được 1.682ha với 2.519 hộ dân tham gia và phân bổ thành 8 cánh đồng tại 7 huyện (riêng Long Hồ có 2 CĐML ở xã Long An và Hòa Phú).
Mô hình ruộng lúa bờ hoa trong CĐML.
|
Kết quả đánh giá, CĐML đã tăng lợi nhuận sản xuất lúa bình quân là 3,792 triệu đồng/ha. Như vậy CĐML đã góp vào lợi nhuận vụ lúa Đông Xuân khoảng 26,4 tỷ đồng, Hè Thu 19,4 tỷ đồng, so ruộng lúa ngoài mô hình lợi nhuận tăng 3,57 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn đảm bảo khâu tiêu thụ, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng gạo đồng nhất và giảm chi phí trung gian từ đó kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Để sản xuất theo quy trình chung, ban quản lý dự án đã thành lập được 66 tổ hợp tác sản xuất và 6 tổ dịch vụ. Tại CĐML xã Tân Long (Mang Thít), đã thành lập được hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cung ứng lúa giống xác nhận; xã Mỹ Lộc (Tam Bình) thành lập được 4 tổ dịch vụ nông nghiệp: cày ải, đội cấy, đội phun thuốc và đội thu hoạch.
Bằng nguồn kinh phí sự nghiệp, các địa phương còn mạnh dạn đầu tư xây dựng CĐML được 1.835,45ha (Vũng Liêm 853,82ha, Tam Bình 588ha, Long Hồ 200ha, Mang Thít 193,63ha).
Ngay trong năm thứ 2, dự án đã đầu tư hỗ trợ hợp phần mua máy móc phục vụ sản xuất. Đã hỗ trợ cho 271 hộ mua máy với 13 chủng loại. Nhờ cơ giới hóa, đã hạn chế chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường và giảm đáng kể thất thoát sau thu hoạch.
Nhiều doanh nghiệp tham gia
Trong nỗ lực lo đầu ra cho CĐML, ngay từ đầu vụ lúa Đông Xuân 2012, ban quản lý dự án đã vận động các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm lúa gạo.
Hợp đồng bao tiêu lúa cho CĐML
Vụ lúa Đông Xuân 2013- 2014, Sở Nông nghiệp và PTNT và Công ty Lương thực Vĩnh Long đã ký kết ghi nhớ hợp tác bao tiêu lúa Jesmine cho nông dân tham gia CĐML trên diện tích 300ha, tại xã Thiện Mỹ, Tân Mỹ, Trà Côn, Vĩnh Xuân (Trà Ôn). Bao tiêu 1.300ha lúa OM4900 tại CĐML ở xã Tân Long (Mang Thít), Long An (Long Hồ), Xuân Hiệp (Trà Ôn) và Tân An Luông (Vũng Liêm).
|
Cụ thể, tại CĐML xã Mỹ Lộc (Tam Bình), Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đăng ký cung ứng thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm.
Tại xã Tân Long (Mang Thít), Long An (Long Hồ), Tân An Luông (Vũng Liêm), Xuân Hiệp (Trà Ôn) Công ty Lương thực Vĩnh Long cũng đăng ký bao tiêu sản phẩm trong vụ Đông Xuân này. Hiện một số CĐML vẫn chưa có doanh nghiệp tham gia.
Chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia, thỏa thuận đầu tư để thu mua sản phẩm cho nông dân.
Với quyết tâm đưa CĐML trở thành cánh đồng lớn thật sự, vừa qua, ban quản lý dự án đã đưa ra lấy ý kiến về dự thảo 8 tiêu chí để xây dựng cánh đồng lớn trong tương lai.
Theo đó, kể từ năm thứ 3 (9/2013- 9/2014) dự án sẽ mở rộng thêm 1.300ha, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 2.982ha; tiếp tục hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa kỹ thuật vào sản xuất, tiến tới công nhận lúa đạt chuẩn VietGAP tại 3 CĐML ở xã Xuân Hiệp (Trà Ôn), Long An (Long Hồ) và Đông Thạnh (TX Bình Minh), diện tích 90- 100ha.
Ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Dựa vào điều kiện ruộng đồng, Vĩnh Long sẽ vận dụng xây dựng CĐML hướng phù hợp nhất. Bên cạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sẽ quan tâm hơn vấn đề cơ giới hóa đồng ruộng, hạ tầng đồng ruộng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, Nhà nước chỉ làm những mô hình mẫu để nông dân làm theo chứ không thể theo hỗ trợ, vì vậy muốn mở rộng rất cần vận động xây dựng theo hình thức xã hội hóa để đạt hiệu quả thiết thực hơn.
8 tiêu chí xây dựng CĐML trên lúa vừa được Ban quản lý dự án xây dựng:
1. Quy hoạch: CĐML nằm trong quy hoạch vùng sản xuất lúa của tỉnh.
2. Quy mô: có diện tích tối thiểu từ 100ha trở lên.
3. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa:
- Diện tích sử dụng lúa giống cấp xác nhận 100%.
- Diện tích áp dụng phương pháp sạ hàng >70%, mật độ sạ từ 100- 120 kg/ha.
- Số hộ nông dân được tập huấn kỹ thuật canh tác và áp dụng phương pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy >90%.
4. Tổ chức sản xuất:
- Số hộ nông dân tự nguyện và chủ động tham gia sản xuất trong tổ hợp tác sản xuất hoặc hợp tác xã >80%.
- Có ít nhất 1 tổ dịch vụ nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa (cung cấp giống, gieo sạ, cấy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật).
5. Cơ giới hóa nông nghiệp: 100% diện tích làm đất và 80% diện tích thu hoạch được cơ giới hóa.
6. Cơ sở hạ tầng: Có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, chủ động hoàn toàn về thủy lợi bao gồm cả việc tưới và tiêu thoát nước.
7. Liên kết sản xuất và tiêu thụ: Phải có doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ vào sản xuất lúa và tiêu thụ 8. Hiệu quả kinh tế: Mô hình CĐML phải cao hơn từ 5- 10% sản xuất lúa bình thường, đảm bảo nông dân có lời từ cây lúa ít nhất là 40%.
|
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin