Năm 2012- một năm người nông dân phải “vật lộn” với những khó khăn của dịch bệnh, biến động giá cả, thiên tai,… Song, có thể nói trong năm 2012 ngành nông nghiệp đã tiếp tục vượt khó để về đích an toàn. Năm 2013, tình hình sản xuất dự báo chưa thật sáng sủa, vì vậy cần cái “bắt tay” trong toàn ngành để tạo bước đột phá mạnh mẽ.
Năm 2012- một năm người nông dân phải “vật lộn” với những khó khăn của dịch bệnh, biến động giá cả, thiên tai,… Song, có thể nói trong năm 2012 ngành nông nghiệp đã tiếp tục vượt khó để về đích an toàn. Năm 2013, tình hình sản xuất dự báo chưa thật sáng sủa, vì vậy cần cái “bắt tay” trong toàn ngành để tạo bước đột phá mạnh mẽ.
Nhiều lĩnh vực đạt kế hoạch
Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh- thành về việc thực hiện kế hoạch năm 2012, triển khai kế hoạch năm 2013 của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Văn Thắng nhận định: Mặc dù rất khó khăn khi giá cả bấp bênh, dịch bệnh vây quanh nhưng ngành vẫn giữ đà tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung cả nước. Giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp, thủy sản cả năm ước tăng 3,4%. Diện tích lúa đạt 7,75 triệu hecta, năng suất đạt 56,3 tạ/ha, sản lượng đạt 43,7 triệu tấn. Các loại cây công nghiệp và cây ăn quả tăng cả về diện tích và sản lượng: cà phê đạt 1,3 triệu tấn (tăng 1,2%), cao su đạt 863,6 ngàn tấn (tăng 9,4%), chè đạt 923 ngàn tấn (tăng 5%). Ngành chăn nuôi tuy bị ảnh hưởng dịch bệnh nhưng sản lượng thịt hơi đạt 4,3 triệu tấn, tăng 2,5%. Thủy sản đạt trên 5,7 triệu tấn, tăng 5,2%.
Năm 2012, tỉnh Vĩnh Long cũng chịu khó khăn chung, thế nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp- thủy sản của tỉnh vẫn tăng 3,1%. Đối với cây lúa, tổng diện tích gieo sạ đạt gần 186.000ha, vượt gần 5%, năng suất 5,78 tấn/ha, tăng 1,7%. Riêng vụ Đông Xuân, năng suất đạt 6,8 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay. Sản lượng lúa đạt trên 1.074.000 tấn, tăng 4%. Đối với cây rau màu, tổng diện tích gieo trồng đạt gần 42.000ha, tăng 8%. Trong đó, diện tích màu xuống ruộng đạt gần 23.000ha, tăng 13%. Nhìn chung, rau màu phát triển thuận lợi. Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đồng ruộng phá thế độc canh cây lúa đã giúp cho nông dân có thu nhập cao hơn.
Toàn tỉnh hiện có trên 47.650ha vườn cây đặc sản, trong đó có 40.000ha đang cho thu hoạch, chiếm 84% diện tích. Sản lượng trái cây cả năm đạt 493.000 tấn, tăng 1,2% so năm trước. Tổng diện tích chăn nuôi thủy sản các loại trong năm đạt 2.330ha, sản lượng đạt trên 145.000 tấn, tăng 1,5% so năm 2011.
Mừng gạo, lo nông sản khác
Dự báo sâu bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên cây lúa năm 2013.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2012, xuất khẩu gạo tạo bước đột phá lớn khi lần đầu tiên Việt Nam vươn lên là cường quốc thứ nhất thế giới. Tổng sản lượng xuất khẩu gạo năm 2012 đạt gần 8 triệu tấn, kim ngạch gần 4 tỷ USD, tăng đến gần 10% về lượng. Nếu như năm ngoái, tập trung mạnh vào Philippines, Indonesia và một số nước Châu Phi thì năm nay lượng gạo vào thị trường Trung Quốc tăng mạnh, gấp 6,2 lần về lượng và 5,3 lần về giá trị. Đây cũng là điều đáng mừng, bởi nó góp phần thu hẹp cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tuy nhiên, do giá gạo thế giới giảm liên tục so với đầu năm và cả năm 2011 nên giá xuất khẩu cũng giảm theo. Cơ cấu thị trường xuất khẩu mặt hàng này cũng từng bước thay đổi với nhiều thị trường mới. Năm 2013, dự báo tình hình xuất khẩu gạo sang một số thị trường truyền thống như: Châu Phi, Indonesia, Singapore, Senegal và Philippines sẽ sụt giảm. VFA đã đề nghị Chính phủ sớm ban hành giá thành sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2012- 2013; Bộ Nông nghiệp và PTNT cần quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm hạn chế lúa cấp thấp đang bị cạnh tranh gay gắt.
Giá khoai lang xuống thấp, khiến người trồng gặp khó khăn.
|
Trong khi đó, trái ngược với xuất khẩu gạo, năm 2012 được xem là năm “mất mùa” của nhiều loại nông sản. Hàng ngàn nông dân trồng khoai lang Vĩnh Long đang “méo mặt” khi giá chỉ 220.000- 250.000 đ/tạ. Vì vậy theo ông Ngô Văn Tua (xã Thành Đông- Bình Tân) thì “người trồng khoai dở cười, dở mếu”. Còn theo tính toán của ông Phạm Văn Đời (xã Thành Trung- Bình Tân) với 4.000m2 khoai lang, chi phí đầu tư cho mỗi công đã lên trên 20 triệu đồng, nếu bán theo giá hiện tại thì sẽ lỗ vốn gần phân nửa. Vĩnh Long hiện có gần 10.000ha khoai lang, tăng hơn 3.500ha so cùng kỳ. Chính diện tích tăng “nóng” khiến giá khoai rớt thảm.
Trong khi đó, lãi suất ngân hàng cùng với giá cả bấp bênh của thị trường khiến hàng ngàn hộ nuôi cá ven sông Tiền và sông Hậu không có lãi, thậm chí lỗ lã. Đối với nhà vườn, với trên 9.000ha nhãn nhiễm chổi rồng chưa trị được đang thực sự là nỗi ám ảnh của hàng ngàn nông dân trong tỉnh. Mặc dù ngành nông nghiệp đã kịp thời hỗ trợ phòng trị, tuy nhiên, khả năng ra trái trở lại còn rất hạn chế.
Nông nghiệp tiếp tục là nòng cốt
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trong điều kiện năm 2013 được dự báo tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thách thức sẽ tác động mạnh đến kinh tế nước ta. Hiện Chính phủ đã đầu tư 49,8% vốn từ trái phiếu chính phủ, vốn ngân sách cho nông nghiệp. Năm 2013, sẽ tiếp tục ưu tiên vốn ngân sách nhà nước, tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để thúc đẩy ngành tiếp tục gặt hái thành công, Phó Thủ tướng chỉ đạo: Ngành nông nghiệp phải đưa ra biện pháp tạm trữ lúa gạo sớm ngay đầu vụ để kích giá, đảm bảo nông dân không bị thiệt; đồng thời phải giải quyết khó khăn từng bước cho tôm, cá tra. Ngoài ra, cần hoàn thiện và làm tốt công tác quy hoạch để gắn sản xuất, chế biến với tiêu thụ. Thường xuyên nắm bắt nhanh tình hình thị trường, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào khâu giống.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho biết: Năm 2013, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, tập trung phát triển các thế mạnh ngành nông nghiệp, làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và kiểm soát an toàn thực phẩm, phát triển hình thức hợp tác sản xuất mới như tổ hợp tác, hiệp hội…
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Long mới đây, nhiều đại biểu cũng đã nhận định: Để giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3- 3,5%, tỉnh phải tập trung huy động mọi nguồn lực để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; duy trì và phát huy hiệu quả vùng rau màu, cây ăn trái chất lượng cao; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tập trung sản xuất chăn nuôi hướng hàng hóa, quy mô lớn.
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin