Cùng nông dân làm giàu

Cập nhật, 09:52, Thứ Năm, 27/12/2012 (GMT+7)

Để phát huy nội lực của nông dân trong đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long đã phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của Hợp tác xã Thành Lợi (Bình Tân) đã từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng.


Chịu khó học hỏi kinh nghiệm, biết ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, anh Cao Huỳnh Lân (Ấp 7, xã Hòa Hiệp- Tam Bình) đã áp dụng thành công mô hình VAC. Với diện tích 8.000m2 mặt nước nuôi cá thịt, ương cá giống, 7.000m2 đất trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi, trồng hoa kiểng, trong năm 2012 anh Lân đã thu lợi nhuận trên 390 triệu đồng.

Mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các cuộc tập huấn vào trong sản xuất, chú Nguyễn Văn Đời (ấp Hiếu Hậu, xã Hiếu Nghĩa- Vũng Liêm) đã thành công khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. Được khen thưởng tại hội nghị nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2012, chú chia sẻ: “Được chi hội nông dân ấp và xã hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trồng màu, tôi mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng ớt sừng vàng. Không chỉ cải thiện đời sống gia đình, tôi còn giải quyết việc làm cho 15 lao động nhàn rỗi tại địa phương, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho các hộ khó khăn của hội”. Bên cạnh đó, chú còn hướng dẫn các hộ lân cận và vận động các hội viên cùng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nhờ đó, nhiều hội viên đã vươn lên khá giàu.

Tiếp thu khoa học kỹ thuật, liên kết với các viện- trường, DNTN Tư Thạch (xã An Phước- Mang Thít) đã mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp với diện tích 25ha. Anh Võ Văn Dũng- đại diện DNTN Tư Thạch cho biết: Doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho 200 lao động nông thôn, đồng thời cung cấp cây giống, kỹ thuật và kinh nghiệm cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Mô hình tổng hợp có thuận lợi như trong chăn nuôi gia súc, phân heo được đưa vào hầm biogas tạo khí gas sinh học cung cấp nhiên liệu cho máy phát điện để phục vụ trang trại chăn nuôi. Nguồn phân gà, phân heo được dùng làm nguồn nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ sinh học với sự hợp tác từ Trường Đại học Cần Thơ.

Song song đó, phong trào giúp nhau vượt khó thoát nghèo đã giúp đỡ hội viên bằng nhiều biện pháp thiết thực như giúp đỡ nhau về cây con giống, vốn, ngày công lao động, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, phương tiện làm ăn mới phù hợp với khả năng từng hộ. Qua đó, đã giúp cho trên 6.200 hộ có triển vọng thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Không chỉ đạt hiệu quả cao trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Hội Nông dân Bình Tân còn khuyến khích, động viên nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp nhau xóa nghèo, thi đua làm giàu, tích cực xây dựng nông thôn mới. Trong năm qua, Huyện hội đã thành lập được 94 tổ đoàn kết tương trợ, vận động 773 hộ khá giàu giúp cho 360 hộ nghèo với gần 2.300kg gạo, hơn 5.600kg lúa giống, gần 93 triệu đồng…

Là một trong 3 tập thể được vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Thành- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Tân nói: “Không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp hội viên nông dân vươn lên làm giàu cho bản thân, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi còn góp phần xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, phát triển ngành nghề ở nông thôn”.

Bài, ảnh: THẢO LY