Giúp nhà nông làm nông hiệu quả

06:11, 30/11/2012

Những năm gần đây, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn với mô hình dạy nghề nông nghiệp đã giúp nông dân ứng dụng hiệu quả trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình.


Học nghề kỹ thuật chăn nuôi heo, giúp lao động quản lý dịch bệnh, chăn nuôi hiệu quả.

Những năm gần đây, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn với mô hình dạy nghề nông nghiệp đã giúp nông dân ứng dụng hiệu quả trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

Hiệu quả khi học nghề nông nghiệp

Ngành nghề làm việc của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là ở lĩnh vực nông nghiệp như: trồng lúa, trồng cây ăn quả, trồng màu, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi thủy sản nước ngọt, chiếm 41,9%.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, lao động nông thôn chủ yếu tham gia học các ngành nghề về trồng lúa cao sản, trồng cây ăn quả đặc sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi thủy sản nước ngọt, xây dựng mô hình sản xuất canh tác đa canh tổng hợp.…

Lao động tham gia học ở các lĩnh vực ngành nghề này chiếm khoảng 20% tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề.

Lao động nông thôn học nghề nông nghiệp sẽ được đào tạo, phổ biến các kiến thức khoa học kỹ thuật, các phương pháp, kỹ thuật sản xuất- canh tác mới, tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất canh tác thông qua việc tăng năng suất, giá trị thương phẩm của nông sản, giảm thiểu các rủi ro thất bại do thiên tai dịch bệnh, giảm chi phí sản xuất,... từ đó giúp người lao động đảm bảo hơn về lợi nhuận, nâng cao thu nhập ổn định đời sống, có thể phát triển mở rộng thêm quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm ổn định ngay tại nông hộ, địa phương của mình sinh sống.

Các ngành nghề đã tổ chức các lớp hỗ trợ học nghề có hiệu quả tốt như kỹ thuật trồng lúa nguyên chủng cao sản, kỹ thuật chăn nuôi heo, kỹ thuật sản xuất theo các mô hình đa canh tổng hợp (VAC, VACR…), tiểu thủ công nghiệp,...

Qua đánh giá hiệu quả sau học nghề, có gần 100% lao động đã tổ chức, duy trì phát triển việc làm theo lĩnh vực ngành nghề đã được hỗ trợ học nghề. Đối với các lao động đã làm việc ở ngành nghề trước khi tham gia học nghề, đã ứng dụng vào thực tế sản xuất các kiến thức tay nghề được trang bị qua học nghề giúp tăng thu nhập bình quân từ 1,5 đến 2 lần.

Đối với các lao động phát triển thêm nghề, việc làm mới như chăn nuôi, phát triển sản xuất theo mô hình đa canh đã tạo thêm thu nhập bình quân từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/tháng.

Thực hành ngay trên mảnh vườn, thửa ruộng

Các nghề như sinh vật cảnh, kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi,… giúp trang bị kiến thức, thay đổi tập quán canh tác, cải tiến kỹ thuật sản xuất, tăng năng suất, chất lượng vật nuôi, cây trồng. Do đó, việc tổ chức vận động chiêu sinh học nghề ngày càng thuận lợi, có nhiều lao động nông thôn tham gia học nghề theo chính sách của đề án.

Tích cực tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những cách giúp ông Phan Văn Trực (ấp Hồi Thành, Xuân Hiệp- Trà Ôn) nâng cao kiến thức và tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác.

Ông cho biết: “Khi nào ở huyện có tổ chức lớp là tôi đều tham gia học, như chăn nuôi, trồng trọt, VAC… có lớp kéo dài 20 ngày, tui cũng tranh thủ sắp xếp đi học”.

Từ những kiến thức đã học, cộng với thực tiễn sản xuất và cập nhật thông tin từ các phương tiện truyền thông đã giúp ông tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập từ các mô hình “ruộng lúa, bờ hoa”, đa canh tổng hợp (VACR) theo kiểu: xay bột trộn với cám cho heo ăn và tận dụng phân heo làm thức ăn cho cá.

Đất ruộng ông trồng lúa, đến mùa thu hoạch thì kéo rơm về làm nấm, khi thu hoạch, ông trữ một phần rơm làm thức ăn cho bò, phần còn lại dùng để bón lót và trồng màu bán tết. Ông khoe: “Dự kiến tết này tui sẽ trồng nhiều loại rau màu để làm phong phú bữa ăn cho gia đình, ngoài ra tui còn nuôi vịt để bán thịt và trứng, đồng thời cho xuất chuồng đàn heo là có thể ăn tết khỏe re”.

Còn theo anh Dương Văn Mai (ấp Tân Xuân, Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) nhờ tham dự các lớp học về kỹ thuật trồng mè, đậu nành… mà làm ăn có hiệu quả hơn hẳn. “Cụ thể, trước khi học tui trồng 1 công mè cho năng suất chừng 60 kg/công. Sau khóa học, tui ứng dụng kiến thức này vào thực tế thì đạt năng suất 80- 90 kg/công. Về kỹ thuật trồng đậu nành, tui biết cách xịt thuốc hợp lý hơn, năng suất cũng tăng thêm”- ông nói.


Sau khi học nghề trồng lúa, người nông dân tự tin, vận dụng kiến thức đã học.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa (ấp Hiếu Trung, Hiếu Nghĩa- Vũng Liêm) thì cho rằng, sau khi tham dự lớp học về kỹ thuật trồng dưa hấu đã giúp ích trong khâu chăm sóc, bảo quản hàng lâu hơn, biết cách giảm lượng phân thuốc và nâng cao chất lượng sản phẩm.

 Anh khoe: “Mỗi năm tui trồng khoảng 4 vụ màu các loại, lãi khoảng 20 triệu đồng/công/năm. Hiện, tui đang chờ nước rút để trồng dưa hấu bán tết, hy vọng sẽ cho 1 vụ mùa bội thu”.

Các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thông qua sự chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các nhà khoa học đã giúp cho bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng mức thu nhập lên từ 1,5 đến 2 lần trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Vĩnh Long cũng là một trong các đơn vị tích cực tham gia thực hiện đề án này. Thời gian qua, nhà trường đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp dạy các nghề thuộc lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, đặc biệt là tổ chức các lớp dạy kỹ thuật trồng lúa cao sản theo hình thức truyền đạt kiến thức kỹ thuật, hướng dẫn học viên là nông dân trực tiếp thực hành canh tác ngay trên ruộng lúa của mình.

Anh Thơ (xã Hiếp Phụng- Vũng Liêm) kể: Tham gia lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, thầy chỉ dùng 10kg giống (trước giờ 20kg giống/công) và phải là giống nguyên chủng, tốn gấp đôi, gấp ba so với giống thường… nên “tui rất lo vì có mấy công ruộng để lo ăn cho cả nhà”.

Anh lại kể: “Trước tui thấy sâu là xịt, thầy dạy phải xem xét mật độ và thời điểm phù hợp mới xịt. Hay như chuyện sạ giống, tui cứ quen sạ bằng tay, nay học sạ hàng, vừa ít giống lại thưa thớt. Bà xã thấy mần lạ, lo, cứ cằn nhằn, tui ăn ngủ cũng không yên. Trước giờ mỗi vụ chỉ tầm 4- 4,5 tấn/ha, còn sau khi được học nghề, tui trồng bông lúa sáng chắc, tròn mẫm cỡ 6 tấn rưỡi tấn/ha, giống như làm vụ Đông Xuân”.

Gần 3 năm triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có thể thấy với mô hình dạy nghề nông nghiệp đã giúp nhiều nông dân ứng dụng hiệu quả trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

Bài, ảnh: QUYÊN XUÂN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh