Nông nghiệp huyện Bình Tân cũng như nhiều địa phương khác, luôn tiềm ẩn những khó khăn, rủi ro dịch bệnh và giá cả thị trường. Tuy nhiên, Bình Tân có chút lợi thế do là vùng chuyên canh màu lớn, nên được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh; đồng thời huyện cũng đề ra nhiều giải pháp vượt khó, đảm bảo ổn định phát triển kinh tế- xã hội, mọi mặt đời sống người dân trên địa bàn.
Nông nghiệp huyện Bình Tân cũng như nhiều địa phương khác, luôn tiềm ẩn những khó khăn, rủi ro dịch bệnh và giá cả thị trường. Tuy nhiên, Bình Tân có chút lợi thế do là vùng chuyên canh màu lớn, nên được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh; đồng thời huyện cũng đề ra nhiều giải pháp vượt khó, đảm bảo ổn định phát triển kinh tế- xã hội, mọi mặt đời sống người dân trên địa bàn.
Bà con xã Mỹ Thuận chuẩn bị vụ khoai lang mới. |
Giữ vững thế mạnh chuyên canh
Bí thư Huyện ủy Bình Tân Trương Thành Dãnh, cho rằng: Bình Tân là vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất của tỉnh, nên luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh. Năm qua, mặc dù giá khoai có biến động thấp so với cùng kỳ; tuy nhiên huyện tiếp tục giữ vững việc luân canh, rải vụ cùng một số giải pháp đồng bộ, nên hạn chế được nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Bên cạnh đó, là sự chỉ đạo sâu sát của Sở Nông nghiệp- PTNT, cùng các đơn vị của sở, Bình Tân đã nhận được sự triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án trên địa bàn, tạo nên nhiều mô hình triển vọng cho nhân dân tham khảo, nhân rộng.
Về phía Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân luôn chủ động lập kế hoạch sản xuất hợp lý nên tình hình dịch bệnh xảy ra ít, không ảnh hưởng lớn đến sản xuất; thường xuyên kết hợp chặt chẽ với các xã kiểm tra, đôn đốc dân nạo vét thủy lợi nội đồng hoàn thành theo kế hoạch, đã góp phần khắc phục tình hình khô hạn xảy ra trên địa bàn huyện.
Công tác chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã được dân hưởng ứng tích cực (đưa cây màu xuống ruộng, cải tạo vườn tạp, tái tạo và chuyển đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang thành vườn cây ăn trái chuyên canh), phù hợp với xu thế phát triển.
Quan tâm, chú trọng chỉ đạo tiêm phòng và hỗ trợ kinh phí tiêu độc sát trùng chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm; tổ chức kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ thường xuyên; triển khai các biện pháp phòng trừ dịch bệnh đồng bộ, kịp thời nên tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm không xảy ra trường hợp nào.
Đặc biệt, về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới luôn được xem là công tác trọng tâm hàng đầu của huyện.
Nhận diện những khó khăn
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, do giá cả lúa, khoai lang năm nay thấp hơn so cùng kỳ, nên phần nào ảnh hưởng đến thu nhập của nhân dân.
Đặc biệt là khoai lang giống tím Nhật, nông dân quen sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nên tới đây sẽ không thể xuất khẩu bằng con đường chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, chắc chắn hộ sản xuất khoai theo kinh nghiệm truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong khi nhiều năm qua, ngành chuyên môn đã đầu tư hỗ trợ nhiều kinh phí để chuyển giao trình diễn nhiều mô hình sản xuất tiên tiến theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Tuy nhiên, khi kết thúc chương trình, Nhà nước không còn hỗ trợ kinh phí, dân lại sản xuất theo phương pháp truyền thống như cũ. Đây là khó khăn, huyện tập trung khắc phục dứt điểm trong thời gian tới.
Nông dân vẫn còn sản xuất theo tập quán, không theo mùa vụ của ngành chuyên môn khuyến cáo (giá cao tập trung sản xuất). Chính vì vậy, khi sản xuất ra khối lượng lớn, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, nên thường bị thương lái ép giá. Do đó, có thời điểm công tác chỉ đạo luân canh, rải vụ cũng gặp khó.
Về tình hình lập vườn cây ăn trái trên đất cây hàng năm: theo báo cáo sơ bộ của các xã, nông dân một số xã đã tự lên liếp, lập vườn năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019 gần 307,9ha.
Diện tích này phần lớn là trồng mít Thái. Nhìn chung, hầu hết diện tích nông dân đang lên liếp lập vườn hiện nay, bờ liếp không đạt chuẩn (có nơi chỉ gom mô nhỏ đặt cây giống), điều kiện thoát nước trong mùa mưa lũ rất kém; cây giống chưa chắc đã rõ nguồn gốc xuất xứ; chưa quản lý mầm bệnh chắc chắn; trồng tràn lan, phân tán trên chân ruộng, không theo quy hoạch của xã, huyện…
Đây là vấn đề khó khăn nhất đối với chủ trương xả lũ của tỉnh, huyện, cũng như xây dựng kế hoạch bảo vệ an toàn cho vườn cây ăn trái trong thời gian tới.
Cây thanh long ở Bình Tân hiện chỉ trên 10ha, nhưng góp phần đa dạng hóa cây trồng. |
Điểm yếu lớn nhất của Bình Tân cũng như nhiều địa phương khác, là huyện thuần nông nhưng các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện hoạt động chưa đạt yêu cầu do trình độ, kinh nghiệm quản trị kinh doanh hạn chế, thiếu cơ sở vật chất, chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng… nên hạn chế khâu sản xuất gắn với liên kết với các doanh nghiệp trong hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào cũng như tiêu thụ nông sản đầu ra.
Trong khi đó, trên địa bàn huyện chưa có nhiều doanh nghiệp đến ký hợp đồng tiêu thụ nông sản, hoặc có doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến nông sản tại chỗ cho nông dân bằng văn bản chính thức.
Hầu hết người sản xuất chỉ có thỏa thuận miệng với các thương lái truyền thống, được thương lái đặt cọc mua nông sản với giá đặt trước, nhưng số tiền đặt cọc rất ít, khi giá cả cao hơn thỏa thuận, thương lái mua nông sản theo thỏa thuận, khi giá nông sản thấp hơn thỏa thuận ban đầu, thương lái bỏ tiền cọc, dân bị thiệt, nhưng không khiếu kiện được ai, do không có giấy tờ chứng minh.
Từ những khó khăn trên, huyện đang tập trung chỉ đạo phát huy thế mạnh, nhận diện những khó khăn để đề ra những hướng tháo gỡ, những giải pháp phát triển bền vững nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển ổn định kinh tế- xã hội và nâng cao mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Đến giữa tháng 10/2019, nông dân xuống giống thêm khoảng 1.100ha, nâng diện tích xuống giống cả năm 2019 sẽ vượt 23.500ha rau màu các loại, như thế sẽ đạt kế hoạch năm 2019. Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường khuyến khích nông dân đầu tư thâm canh vườn cây ăn trái. Tiếp tục khuyến khích các hộ dân khai thác, nuôi thâm canh hết diện tích các ao còn đang treo ở các xã ven sông Hậu; tận dụng nuôi khoảng từ 40- 50% diện tích trong ao mương vườn và phát triển thêm mô hình nuôi cá trong vèo trong mùa nước nổi. Song song đó, tăng cường khuyến khích người dân tận dụng dây khoai lang, thân bắp, rơm rạ và ruộng sau khi thu hoạch lúa Hè Thu và Thu Đông để phát triển nuôi bò, nuôi dê và nuôi thủy cầm… |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG-
KHÁNH DUY
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG-
KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin