Để nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm vùng ĐBSCL: Cần chủ động và thay đổi

08:12, 21/12/2017

Nhiều diễn giả, lãnh đạo địa phương nhận định rằng, dù là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước nhưng nhìn chung, mức đóng góp về kim ngạch thương mại của ĐBSCL vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vùng.

 

 

Theo nhiều chuyên gia, cốt lõi của việc nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm là cần thể hiện ở tính minh bạch trong sản xuất và chế biến.
Theo nhiều chuyên gia, cốt lõi của việc nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm là cần thể hiện ở tính minh bạch trong sản xuất và chế biến.

Nhiều diễn giả, lãnh đạo địa phương nhận định rằng, dù là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước nhưng nhìn chung, mức đóng góp về kim ngạch thương mại của ĐBSCL vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vùng.


Và để nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm, đưa thực phẩm xâm nhập vào thị trường toàn cầu thì không có con đường nào khác là doanh nghiệp (DN) phải chủ động hành động và thay đổi sản xuất theo hướng “sạch hơn”, có chuỗi giá trị sản phẩm phải có chuỗi giá trị sản xuất.

Lắm tiềm năng, nhiều lợi thế nhưng vẫn “thiếu cái đang cần”

Theo phân tích của ông Nguyễn Phương Lam- Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ: Mỗi năm, khu vực ĐBSCL đóng góp gần 60% sản lượng lúa gạo, thủy sản, rau quả cho quốc gia.

Song, dù được đánh giá là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước nhưng nhìn chung, mức đóng góp về kim ngạch thương mại vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vùng.

Trong khi đó, ngành công nghiệp thực phẩm là ngành được Chính phủ lựa chọn ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Tại ĐBSCL, những năm qua ngành này liên tục đạt mức tăng trưởng cao, giai đoạn 2012- 2016 tăng trung bình 6,94%/năm với thực phẩm chế biến và 9,48% với đồ uống.

Ông Nguyễn Phương Lam nhận định: “Nhu cầu thực phẩm trong nước và thế giới đang tăng, đây là các điều kiện tốt để gia tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại vùng ĐBSCL”.

Còn theo ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại của ĐBSCL được đặc biệt quan tâm, tuy nhiên vẫn còn hạn chế như tính liên kết chưa thật sự đi vào chiều sâu, tính hiệu quả chưa cao, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và hàm lượng giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp còn thấp.

Ông Phạm Thái Bình- Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Thốt Nốt- Cần Thơ) cho rằng “ĐBSCL là nơi rất trù phú, rất có tiềm lực, lúa sản xuất ra không đủ để bán, chứng tỏ ĐBSCL không phải thừa gạo mà vẫn thiếu gạo nhưng lại thiếu cái người ta cần và thừa cái người ta không mua”.

Ông cũng đồng thời nhận thấy tồn tại khiến giá trị nông sản chưa được nâng cao là do: “Hiện nay, có rất nhiều đối tác ở Trung Quốc, Australia, Châu Âu... muốn mua gạo của Việt Nam nhưng không có đủ nguồn cung đạt chuẩn, trong khi lượng gạo dư thừa lại không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hiện nay, có trên 200 DN xuất khẩu gạo nhưng chỉ có khoảng 20% là có vùng nguyên liệu, khép kín quy trình sản xuất, số còn lại chủ yếu là thu gom lúa, gạo nguyên liệu về chế biến xuất khẩu nên rất khó kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc”.

Bên cạnh đó, việc DN liên kết với nông dân để thực hiện vùng nguyên liệu sạch cũng còn nhiều lỗ hổng: “DN bẻ kèo, nông dân không tuân thủ theo quy trình sản xuất, trong khi đó chế tài xử lý còn yếu”- ông Nguyễn Phương Lam nói thêm.

“Hãy làm ngay chuỗi giá trị sản xuất”

Để đưa thực phẩm xâm nhập vào thị trường toàn cầu thì không có con đường nào khác là phải sản xuất “sạch hơn” và muốn thế thì phải xây dựng được “văn hóa an toàn thực phẩm” trong sản xuất- đó là nhận định của ông Jhon G Keogh- chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bởi theo ông Jhon G Keogh: “Hiện nay vấn đề về an toàn thực phẩm không chỉ là sự cạnh tranh giữa các DN mà còn là tiêu chuẩn số 1 của chuỗi cung ứng toàn cầu. Quốc gia nào cũng có tình trạng thực phẩm kém chất lượng chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chậm chạp nhất trong đối phó với thực phẩm bẩn.

Theo đánh giá, ĐBSCL có lượng gạo dư thừa nhưng số lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn còn thấp.
Theo đánh giá, ĐBSCL có lượng gạo dư thừa nhưng số lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn còn thấp.

Cốt lõi của việc nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm vùng ĐBSCL cần thể hiện ở tính minh bạch trong sản xuất và chế biến. Ngay cả người Việt Nam hiện cũng chưa hoàn toàn tin tưởng sản phẩm chế biến ở trong nước nên phải quay sang sử dụng hàng nhập khẩu, vì thông tin về tính minh bạch của sản phẩm vẫn còn chưa được đầy đủ”.

Cùng quan điểm trên, bà Tina Phan- Giám đốc Cục Xúc tiến mậu dịch Hong Kong cho rằng: Tuy Campuchia đi sau Việt Nam trong xuất khẩu gạo nhưng hiện tại họ đã tổ chức sản xuất xây dựng thương hiệu được thế giới biết đến. Hiện nay quốc gia này đang phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ (Organic), trong khi ở Việt Nam thì chưa tìm thấy mô hình này.

Song song đó, ông Phạm Thái Bình cũng đề xuất: “Nếu chúng ta muốn có chuỗi giá trị sản phẩm thì việc chúng ta phải làm đầu tiên là hãy làm ngay chuỗi giá trị sản xuất. Chỉ cần làm đúng chuỗi giá trị có hàng hóa thì tự nhiên sẽ có thị trường và tự nhiên sẽ có đầu ra”.

Có thể thấy rằng, để duy trì tốc độ phát triển nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp thực phẩm một cách bền vững, các cơ quan quản lý và các DN cần phải phát triển thị trường thông qua việc nâng cao giá trị và chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, từng bước gia tăng giá trị xuất khẩu.

Có như vậy mới đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, bắt kịp xu thế tiêu dùng hiện nay, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho DN và để DN mạnh dạn vươn ra biển lớn.

Đã có 54 dự án kêu gọi đầu tư liên quan đến chế biến lương thực, thực phẩm của 10 tỉnh- thành trong khu vực ĐBSCL gồm Bạc Liêu, Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An. Trong đó, Vĩnh Long có 3 dự án kêu gọi đầu tư là: dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô từ 30- 50ha; dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm về khoai lang, diện tích 0,5ha; dự án đầu tư phát triển chăn nuôi bò tập trung và chế biến các sản phẩm chất lượng cao về bò thịt với quy mô 200 con bò thịt cao sản nhập ngoại hoặc 500 con bò thịt trở lên.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh