Vĩnh Long được đánh giá có số lượng học sinh- sinh viên/1.000 dân đứng đầu khu vực ĐBSCL, gấp 3 lần An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh- thậm chí gấp 8 lần Cà Mau, Bến Tre. Có điều nguồn nhân lực này chưa tạo ra năng suất lao động (LĐ) cao.
Vĩnh Long được đánh giá có số lượng học sinh- sinh viên/1.000 dân đứng đầu khu vực ĐBSCL, gấp 3 lần An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh- thậm chí gấp 8 lần Cà Mau, Bến Tre. Có điều nguồn nhân lực này chưa tạo ra năng suất lao động (LĐ) cao.
Nguồn nhân lực của tỉnh dồi dào nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. |
Nguồn nhân lực chưa đáp ứng
Nhân lực được xem là yếu tố then chốt đối với sự phát triển của doanh nghiệp (DN). Do đó, nhiều DN đã chú trọng đầu tư đào tạo đội ngũ nhân sự có năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít DN vẫn chưa hài lòng về chất lượng nhân lực như: khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động trong công việc.
Ông Nguyễn Phương Lam- Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Cần Thơ- nhận định: Khi hội nhập TPP, LĐ là một yếu tố cạnh tranh gay gắt cũng như là điều kiện tiên quyết trong nâng cao năng lực cạnh tranh DN, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thực trạng LĐ của Việt Nam đang được chú ý bởi khả năng chuyên môn cao, chăm chỉ, cần cù, sáng tạo... nhưng lại tạo ra năng suất LĐ thấp.
Một trong những nguyên nhân là do công tác đào tạo chuyên môn cũng như đào tạo nghề có nhiều hạn chế. ĐBSCL thiếu các trung tâm đào tạo về kỹ năng cũng như kiến thức mới cho DN và người LĐ. Các trường nghề còn bị hạn chế kết nối với nhịp cầu xã hội.
TS. Kinh tế Nguyễn Tấn Khuyên- Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển đánh giá: Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế cho sự phát triển của các DN nhỏ và vừa là do năng lực trình độ của cán bộ quản lý trong DN còn yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu của sự phát triển.
Mặt khác, lại chưa thật sự quan tâm đến đào tạo và phát triển cán bộ quản lý. Một số DN thường coi đào tạo thuộc trách nhiệm của các trường cơ sở đào tạo và luôn mong chờ sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ đáp ứng được công việc một cách hiệu quả.
Đánh giá nguồn nhân lực tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Phương Lam nói thêm: Vấn đề LĐ và sử dụng LĐ đang tạo thách thức không nhỏ cho Vĩnh Long khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và TPP. Vấn đề là LĐ dịch chuyển đi đâu? Và DN Vĩnh Long tham gia gì trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Do đó, trước các thách thức và yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế, nếu các DN vừa và nhỏ không có chiến lược đào tạo quản lý, không chú trọng đào tạo quản lý thì rất khó có thể tạo dựng đội ngũ các nhà quản trị có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển.
Hỗ trợ đào tạo nâng chất và lượng
Xác định công tác đào tạo nguồn nhân lực cho DN là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Vĩnh Long đã có nhiều chương trình đào tạo nhằm hỗ trợ kịp thời cho DN.
Ông Lương Tấn Thi- Quyền Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN (Sở Kế hoạch- Đầu tư)- cho biết:
Với mục đích nâng cao trình độ quản lý chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ doanh nhân và DN, từng bước tăng cường kỹ thuật nhận thức và vận dụng kiến thức quản lý điều hành DN phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, từ năm 2009- 2015, trung tâm đã tổ chức 13 lớp quản lý bậc cao là giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, giám đốc kinh doanh cho 392 học viên tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, còn tổ chức 24 lớp ngắn hạn với 778 lượt học viên đào tạo về kỹ năng xây dựng nội quy LĐ, kỹ năng thương thuyết hiệu quả trong kinh doanh, kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp...
Bên cạnh đó, nhiều DN rất quan tâm, đầu tư nâng “chất” cho nguồn nhân lực của mình. Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV- cho biết với nhu cầu mở rộng phát triển, DN không chỉ cần nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành máy móc, công nghệ hiện đại tại nhà máy hiệu quả, mà còn “đi ra nước ngoài” khảo sát, tìm hiểu thị trường ở một số nước Đông Nam Á.
Hơn nữa, theo ông Cao Minh Quốc- Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thảo, khi hội nhập phải đổi mới mới có thể tồn tại, nhất là phải nâng chất lượng nguồn LĐ. Vì vậy, phải tạo cơ hội học tập và phát triển cho người LĐ gắn bó, cống hiến vì DN.
Đó cũng là tín hiệu đáng mừng- theo ông Lương Tấn Thi- đến nay, phần lớn lãnh đạo DN đã nhận thức tầm quan trọng của công tác đào tạo và chủ động tham gia các lớp đào tạo chuyên sâu, từ đó giúp DN, doanh nhân nâng cao kỹ năng quản lý và điều hành đạt hiệu quả tốt hơn.
Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho DN. Tổ chức các chương trình đào tạo tại chỗ, tìm hiểu nhu cầu thực tế của DN. Để qua đó, giúp DN cập nhật những kiến thức cần thiết khi tham gia TPP và hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.
|
Ông Nguyễn Phương Lam: Xét về năng lực sản xuất, năng suất LĐ bình quân DN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn thấp. Nghịch lý là Vĩnh Long có số lượng học sinh- sinh viên /1.000 dân đứng đầu vùng, gấp 3 lần An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh- thậm chí gấp 8 lần Cà Mau, Bến Tre nhưng tạo ra năng suất LĐ không cao.
|
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin