Thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng, cơ hội để người kinh doanh tiếp cận khách hàng nhanh chóng, tiết kiệm. Tuy nhiên, thị trường này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến không ít đối tượng lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng (NTD) để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để trục lợi, gây khó khăn cho công tác quản lý.
(VLO) Thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng, cơ hội để người kinh doanh tiếp cận khách hàng nhanh chóng, tiết kiệm. Tuy nhiên, thị trường này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến không ít đối tượng lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng (NTD) để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để trục lợi, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa kinh doanh online. |
Thương mại điện tử- xu hướng tất yếu
Thông tin từ Bộ Công Thương, hết năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về TMĐT nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo nhiều chuyên gia, đây sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới, vì giúp NTD tiết kiệm thời gian, hưởng lợi từ nhiều chương trình ưu đãi, dịch vụ chăm sóc khách hàng, giao hàng nhanh chóng, miễn phí...
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành tối ưu hóa hình thức kinh doanh, tận dụng các nền tảng mạng xã hội (MXH), website để mở rộng kênh bán hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Đỗ Ngọc Hưng- quản lý Trung tâm Thương mại Khai Trí (Phường 1, TP Vĩnh Long), chia sẻ: “Nếu doanh nghiệp kết hợp giữa bán hàng trực tiếp và trực tuyến hiệu quả thì có thể mở rộng thị trường, tiếp cận được nhiều khách hàng, NTD cũng có trải nghiệm mua hàng tốt hơn.
Hiện chúng tôi đang sử dụng trang MXH, website để giới thiệu các sản phẩm mới và chương trình khuyến mãi, ngày nay khách hàng đa phần đều tham khảo thông tin sản phẩm trên website trước, đến cửa hàng chỉ để nghe tư vấn chuyên sâu, giúp tiết kiệm thời gian mua sắm”.
Thành lập hơn 10 năm, HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng (xã Bình Ninh, huyện Tam Bình) đã ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quảng bá sản phẩm, cô Phạm Hồng Tơ- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, chia sẻ: “Thời gian qua, HTX được các ngành chức năng hỗ trợ đưa các sản phẩm lên trang TMĐT của tỉnh, xây dựng website giới thiệu sản phẩm thủ công của HTX.
Sau 2 năm ứng dụng TMĐT trong kinh doanh, HTX đã tiếp cận được nhiều khách hàng trong và ngoài nước, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá thương hiệu cho sản phẩm địa phương”.
Cần tăng cường kiểm soát thị trường “hàng online”
Bên cạnh những lợi ích, trên thực tế, thị trường TMĐT cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi NTD. Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, thời gian qua, đơn vị đã tích cực triển khai nhiều giải pháp quản lý, ổn định thị trường hàng hóa nói chung và lĩnh vực kinh doanh TMĐT nói riêng.
Tuy nhiên, hiện có nhiều website bán hàng online và trang MXH không nằm trên địa bàn của tỉnh, các thông tin về đối tượng tham gia hoạt động thương mại trên các website không cụ thể, không có thông tin về tên, địa chỉ và số điện thoại…
Một số website có đăng ký, thông báo hoạt động TMĐT, có đăng ký địa chỉ nơi hoạt động nhưng khi lực lượng QLTT đến khảo sát thì không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 56 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.
Theo ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục QLTT tỉnh: Cục QLTT tỉnh đã kiến nghị với Tổng cục QLTT tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức QLTT về quy trình nghiệp vụ quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm về lĩnh vực TMĐT.
Cần được trang bị thêm phương tiện nhằm đảm bảo việc thu thập, tìm kiếm chuyên sâu, ứng dụng công nghệ hiện đại để phục hồi những chứng cứ vi phạm từ các “dấu vết điện tử” đã bị xóa, bị ghi đè, những dữ liệu bị mã hóa… làm bằng chứng pháp lý xử phạt vi phạm hành chính, nhất là các vi phạm đối với các loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện, hàng cấm, hàng giả… đang được rao bán công khai, tràn lan trên các trang MXH.
Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn.
Chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực TMĐT; quản lý, giám sát hoạt động TMĐT và các mô hình hoạt động kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, website bán hàng, trang MXH như Facebook, Zalo, Instagram, Twitter… nhằm chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng lợi dụng lòng tin của NTD để gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng của hàng hóa, đặc biệt là tình trạng các mặt hàng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, hàng giả, hàng lậu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh TMĐT, tạo sức lan tỏa sâu, rộng để người dân tích cực, chủ động tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động TMĐT.
Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra, xử lý 4 vụ vi phạm, với hành vi không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, xử phạt hành chính 60 triệu đồng. Kiểm tra 1 vụ sử dụng công nghệ số để kinh doanh, vi phạm 2 vụ (kể cả kiểm tra kỳ trước), xử lý 2 vụ, với 3 hành vi (kinh doanh hàng hóa nhập lậu, buôn bán hàng hóa có nhãn ghi không đủ các nội dung bắt buộc, buôn bán hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam), phạt hành chính 18,5 triệu đồng, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả hàng hóa vi phạm trị giá trên 31 triệu đồng. |
Bài, ảnh: THẢO TIÊN