Những năm qua, BCĐ Chương trình xây dựng NTM xã Bình Phước (huyện Mang Thít) vận động người dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác, góp phần nâng chất tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM. Trong đó, mô hình nuôi chồn hương đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Những năm qua, BCĐ Chương trình xây dựng NTM xã Bình Phước (huyện Mang Thít) vận động người dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác, góp phần nâng chất tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM. Trong đó, mô hình nuôi chồn hương đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi chồn hương hiệu quả cao
Bắt tay nuôi chồn hương từ năm 2016, nhưng không hiệu quả. Mãi đến năm 2018, ông Trần Văn Long (tên thường gọi là Ba Long, ngụ ấp Phước Chí, xã Bình Phước) mới tìm mua được con giống chất lượng ở Campuchia và phát huy hiệu quả kinh tế đến ngày hôm nay. Nhờ nuôi chồn hương hiệu quả mà ông có tiền cất 3 căn biệt thự rộng lớn, phía trước có làm bờ kè, không gian rộng thoáng. Trong đó, 1 căn của vợ chồng ông, 2 căn còn lại là ông cất cho con trai và con gái.
Ông Ba Long kể: Những năm đầu, do không biết nguồn gốc, xuất xứ, nên ông mua phải con giống trôi nổi trên mạng, chồn bị chết nhiều, làm ăn thất bại. Sau này, được người bạn giới thiệu nguồn giống chất lượng ở nước láng giềng nên ông tìm đến mua thử 5 con, nuôi lần lần rồi nhân giống ra. “Trước khi đầu tư phải tìm hiểu kỹ và nuôi chồn hương phải có kỹ thuật riêng- từ kinh nghiệm mà ra”- ông Ba Long đúc kết.
Theo ông Ba Long, nuôi chồn hương có giá trị lâu dài, lợi nhuận cao hơn các loài vật khác. Bình quân, nuôi trong 8 tháng, chồn hương có thể đạt trọng lượng khoảng 4kg, là có thể cho xuất chuồng. Giá bán dao động 1,7-2,5 triệu đồng/kg, ông bỏ túi khoảng 6,8-10 triệu đồng/con. Trong khi chi phí bỏ ra không quá 1,5 triệu đồng/con.
Tổng đàn nuôi chồn hương của ông Ba Long có thời điểm lên đến 800 con. Trong đó, khu vực nhà ông có trại nuôi với 140 ô nuôi (140 con). Ông nuôi xoay vòng xen kẽ, chủ yếu là bán giống. Theo ông Ba Long, mỗi trại nuôi chỉ cần 1 người chăm sóc là đủ. Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 1 tiếng đồng hồ để cho ăn và chăm sóc chồn hương.
Ngoài ra, ông Ba Long còn nhân rộng trại nuôi ở nhà các con của ông. Khu vực này được đầu tư mới và hiện đại hơn, có vòi uống nước tự động.
Ông Ba Long còn tạo việc làm cho 20 hộ nuôi gia công. Theo đó, mỗi hộ chăm sóc 20 con chồn hương, được ông trả công 5 triệu đồng/tháng. Cách làm này vừa giúp ông mở rộng quy mô chăn nuôi, vừa tạo an sinh xã hội cho các hộ bị bệnh, tai biến, không thể đi làm xa. “Sắp tới, tôi định sẽ nhân rộng cho thêm 20 hộ nuôi gia công nữa, để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho những người yếu thế”- ông Ba Long dự tính.
Nâng thu nhập, góp sức xây nông thôn mới
Mô hình nuôi chồn hương khá hiệu quả, nhưng chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Chỉ tính riêng con giống là 20 triệu đồng/con. Hiện, thị trường tiêu thụ chồn hương chủ yếu là ở miền Trung và miền Bắc.
“Thị trường Trung Quốc cũng rất thích chồn hương”- ông Ba Long cho biết và nói: Mỗi hộ nuôi 10 con chồn thương phẩm, bỏ túi bạc trăm triệu đồng mỗi năm là bình thường. Khi đẻ thì tự chồn hương mẹ nuôi, đến khi chồn hương con biết ăn thì tách ra. Mỗi năm chồn hương đẻ 2 đợt, khoảng 5-7 con/đợt.
Nhờ làm kinh tế hiệu quả, ông Ba Long nhiệt tình hỗ trợ địa phương xây dựng đường giao thông nông thôn, mua BHYT cho học sinh nghèo, tặng tập vở, lắp đặt máy điều hòa cho trường mẫu giáo... “tôi mần ăn được nên cũng dành phần nào góp sức cùng địa phương”- ông Ba Long nói.
Theo BCĐ Chương trình xây dựng NTM xã Bình Phước, bên cạnh mô hình nuôi chồn hương, ở xã hiện còn có các mô hình kinh tế hiệu quả như nuôi dế, trồng sầu riêng, trồng bưởi da xanh xen dừa và tắc... góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Nhờ nuôi chồn hương hiệu quả, ông Ba Long (trái) nhiệt tình đóng góp các chương trình tại địa phương, góp phần xây dựng NTM. |
Qua khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí NTM tại xã Bình Phước, ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, Chánh Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh cho rằng: Mục đích cuối cùng của NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Vì vậy, cần nâng chất các tiêu chí nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo. Theo đó, cần xác định rõ thế mạnh của xã để tác động kịp thời. Đồng thời, quan tâm kết nối giới thiệu việc làm để giúp người dân nâng cao thu nhập.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI