Cần giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn

11:06, 13/06/2024

Thời gian qua, dù có nhiều chính sách hỗ trợ vốn tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, nhất là các DN nhỏ và vừa đang cần vốn để tiếp tục duy trì hoạt động, nâng cao khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh. 

Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vốn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường trong thời gian tới. Ảnh minh họa
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vốn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường trong thời gian tới. Ảnh minh họa
Thời gian qua, dù có nhiều chính sách hỗ trợ vốn tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, nhất là các DN nhỏ và vừa đang cần vốn để tiếp tục duy trì hoạt động, nâng cao khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh. 
 
Tăng trưởng tín dụng thấp
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục giảm so với cuối năm 2023 khoảng 0,1-0,3 %/năm, đã hỗ trợ tích cực cho người dân và DN trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN nhằm hỗ trợ khách hàng không bị chuyển nhóm nợ xấu, được tiếp cận khoản vay mới. 
 
Cũng theo UBND tỉnh, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian thẩm định cho vay; rà soát và xem xét miễn giảm các loại phí, lệ phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
 
Đồng thời triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ; gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; các gói tín dụng ưu đãi theo quy định của các ngân hàng thương mại, các chương trình giảm lãi suất theo từng đợt nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, nhất là những khoản nợ hiện hữu có lãi suất cho vay ở mức cao. 
 
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nhất là triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/1/2024 của Ngân hàng Nhà nước. 
 
Theo báo cáo, đến cuối tháng 4, số dư nguồn vốn huy động đạt 51.134 tỷ đồng, tăng 0,29% so với cuối năm 2023; tổng dư nợ cho vay ước đạt 47.109 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cuối năm 2023; nợ xấu là 1.594 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,4%/tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,44 điểm % so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, về chính sách tín dụng, tăng trưởng dư nợ cho vay 4 tháng đầu năm 2024 gặp khó khăn, thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,43%). Nợ xấu trên địa bàn tăng, vượt hơn tỷ lệ 3% theo định hướng năm 2024. 
 
Theo bà Lê Trúc My- Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai, Chủ tịch Hội DN TP Vĩnh Long thì hiện nay, hầu hết các DN trong hội đều có nhu cầu vốn để ổn định sản xuất. Tuy nhiên, hiện tình hình tiếp cận các nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân. Chủ yếu là khâu định giá tài sản thế chấp và DN hầu như chưa đáp ứng nhu cầu để vay. 
 
“Hầu hết tài sản đảm bảo vay là bất động sản, tuy nhiên, hiện tình hình bất động sản cũng khó khăn nên DN khó có điều kiện vay vốn. Bên cạnh đó, DN cũng ít có dự án, đề án mở rộng thị trường để đáp ứng nhu cầu cho vay của ngân hàng…”- bà My chia sẻ.
 
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết, nhu cầu vay vốn DN hiện nay có nhưng ít DN được tiếp cận, lý do là các DN hiện có ít cơ hội phát triển thêm, ít dự án có hiệu quả đầu tư mới để có thể được giải ngân tốt, đạt yêu cầu mà tổ chức tín dụng đề ra. Ngoài các DN trên thì hiện nay, nhiều DN vẫn giữ nguyên quy mô ổn định, các tổ chức tín dụng vẫn cấp hạn mức tín dụng hoặc tái cấp tín dụng… cơ bản đáp ứng về nhu cầu vốn.
 
“Việc khó tiếp cận nguồn vốn vay hiện nay là do hiệu quả sử dụng vốn của DN hiện nay chưa cao, mặc dù thủ tục vay vốn, lãi suất hiện nay khá thuận lợi, đơn giản”- ông Nam cho biết.
 
Cần có giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn
 
Mới đây, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án và phản ứng chính sách kịp thời hơn, hiệu quả hơn với biến động của thị trường ngoại hối trong và ngoài nước.
 
Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
 
Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, DN, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 đạt khoảng 15%; chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1-2%;…
 
Doanh nghiệp cần chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng khả năng hấp thụ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay. Trong ảnh: Các sản phẩm OCOP tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Doanh nghiệp cần chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng khả năng hấp thụ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay. Trong ảnh: Các sản phẩm OCOP tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Để tiếp cận các nguồn vốn vay, theo ông Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa cần chủ động mở rộng thị trường, tức là khả năng hấp thụ vốn, sử dụng nguồn vốn hiệu quả của DN. “Dưới góc độ của hiệp hội, sẽ tiếp tục thông tin đến DN, ngân hàng về nhu cầu, điều kiện để cấp vốn và vay vốn. Song song đó, sắp tới đây, hiệp hội cũng sẽ tập trung hỗ trợ DN tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, hợp tác đầu tư. Trên cơ sở đó thì mới đảm bảo khả năng tiếp cận được các nguồn tín dụng”- ông Nam chia sẻ.
 
Cũng theo ông Nam, hiện nay, DN đang từng ngày minh bạch hóa các giấy tờ, thủ tục để có thể tiếp cận nguồn vốn vay. Do đó, thời gian tới, DN cần phát huy điều kiện này để tạo điều kiện thuận lợi các tổ chức tín dụng tổ chức thẩm định, cấp vốn vay theo nhu cầu…
 
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ DN cũng đã được tỉnh triển khai nhiều năm qua, sẵn sàng hỗ trợ nếu DN có nhu cầu tiếp cận vốn vay hoặc mở rộng thị trường. Tỉnh cũng đã tổ chức rất nhiều các chương trình xúc tiến thương mại. “Hiệp hội sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên ngành hoặc các buổi trao đổi về cơ hội phát triển mới để DN tiếp cận, xây dựng kênh thương mại điện tử cho DN trên địa bàn tỉnh,… để DN có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm”- ông Nam chia sẻ thêm. 
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh