Công nghệ số là "chìa khóa" mở ra cánh cửa nông nghiệp hiện đại

06:05, 16/05/2024

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ số hóa, chuyển đổi số (CĐS). Tuy nhiên, công cuộc số hóa trong lĩnh vực này còn gặp không ít khó khăn. Tại hội nghị chuyên đề: "Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp", Bộ Nông nghiệp- PTNT xác định, trong công cuộc số hóa, CĐS của ngành nông nghiệp, người nông dân là trung tâm và động lực phát triển.

(VLO) Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ số hóa, chuyển đổi số (CĐS). Tuy nhiên, công cuộc số hóa trong lĩnh vực này còn gặp không ít khó khăn. Tại hội nghị chuyên đề: “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”, Bộ Nông nghiệp- PTNT xác định, trong công cuộc số hóa, CĐS của ngành nông nghiệp, người nông dân là trung tâm và động lực phát triển.

Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đang là xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đang là xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nông dân là trung tâm và động lực phát triển

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, việc tiếp cận và làm chủ công nghệ số (CNS) sẽ là “chìa khóa” quan trọng để chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.

Trên cơ sở ứng dụng CNS như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, giúp tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: “CĐS trong nông nghiệp không phải là điều xa xôi, khó khăn, bởi ai cũng có thể tiếp cận và thực hiện được.

Số hóa, CĐS trong nông nghiệp có thể giúp giải quyết vấn đề ly nông, ly hương. Người dân có thể không làm nông nghiệp nữa, nhưng trên mảnh đất quê hương mình, vẫn có những cách thức mới, công cụ mới để làm giàu, thoát nghèo.

Nhờ vào sức mạnh của CNS, người dân đã không cần di chuyển về các thành phố lớn nữa, vẫn tìm ra con đường cho riêng mình. Phát triển dựa trên công nghệ là hướng đi phát triển bền vững, phát triển xanh tại Việt Nam”.

Tính đến tháng 12/2023, có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng ngàn giao dịch điện tử đã được thực hiện...

Khảo sát của Hiệp hội Crop Life châu Á, gần 50% nông dân trồng lúa, cây ăn trái và rau của Việt Nam cho biết họ muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp (Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất trong khảo sát với 3 quốc gia ASEAN), có thể thấy người nông dân Việt Nam quan tâm đến số hóa nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trong khu vực.

Ghi nhận những kết quả mà CĐS mang lại, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, CĐS có thể giúp doanh nghiệp (DN) thủy sản giảm chi phí từ 7-25%.

Với DN ứng dụng CNS từ sớm, họ có thể nắm được mọi thông số trong quản trị, tự tin đáp ứng các yêu cầu của thị trường, điều tra phòng vệ thương mại.

Cần thực hiện nhiều giải pháp căn cơ

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS ghi nhận những kết quả bước đầu về số hóa, CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu ra những vướng mắc trong công tác số hóa ngành nông nghiệp. Đầu tiên là vướng mắc trong thể chế cho phát triển nông nghiệp nói chung và CĐS ngành nông nghiệp nói riêng.

Cạnh đó, hạ tầng số trong nông nghiệp còn yếu; tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình mới đạt 16% trong khi mục tiêu đến cuối năm 2024 phải đạt 80%.

Về số hóa dữ liệu trong nông nghiệp, trên thực tế dữ liệu này của ngành nông nghiệp rất lớn, nhưng tỷ lệ đã thống kê và có thể kết nối vào hệ thống chung vẫn chưa cao. Còn thiếu hụt nhân lực CĐS. Tỉ trọng đóng góp kinh tế số trong GDP còn khiêm tốn.

Đến nay có rất nhiều sản phẩm nông sản cả nước được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Đến nay có rất nhiều sản phẩm nông sản cả nước được gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Trước thực trạng đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp- PTNT tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ số hóa tại các vùng nông thôn; xác định thứ tự ưu tiên khi xây dựng các cơ sở dữ liệu. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển cơ sở dữ liệu cho ngành một cách đầy đủ, tạo thuận lợi cho nông dân, DN tiếp cận.

Trong đó, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu đồng bộ trong thủ tục hành chính, cổng dịch vụ công và cơ sở dữ liệu điện tử về thủ tục hành chính của ngành, sớm hợp nhất với Cổng dịch vụ công Quốc gia, gắn với đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Đẩy nhanh tiến độ định danh hệ thống tàu thuyền Việt Nam.

Chính phủ kỳ vọng trong tương lai thông tin về ngành nông nghiệp sẽ “muốn gì cũng có” chuẩn xác, kịp thời, hấp dẫn và dễ hiểu.

Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các DN hàng đầu về công nghệ thông tin như VNPT, FPT, Viettel nên là đầu mối chủ trì trên cơ sở những người làm nông nghiệp là bên cung cấp dữ liệu và tìm cách kết nối với nhau.

Phó Thủ tướng mong rằng Bộ Nông nghiệp- PTNT và Bộ Thông tin- TT tiếp thu ý kiến góp ý của các địa phương, DN. Chính phủ cam kết sẽ luôn đồng hành, tháo gỡ vướng mắc để tiến tới thắng lợi vẻ vang trên con đường số hóa ngành nông nghiệp.

Các địa phương tham dự hội nghị kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án CĐS ngành nông nghiệp; Bộ Nông nghiệp- PTNT sớm ban hành cấu trúc dữ liệu ngành nông nghiệp và cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS ngành nông nghiệp; xây dựng bản đồ số về vùng cây trồng; hướng dẫn thực hiện hiệu quả các nội dung trong Đề án 06 trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường tập huấn nâng cao trình độ tiếp cận công nghệ thông tin, thương mại điện tử... Cạnh đó, các DN kinh doanh công nghệ cũng mong muốn được tạo điều kiện tiếp cận các dự án CĐS của nhà nước, trong đó có lĩnh vực kiểm kê và quản lý phát thải khí nhà kính.

Bài, ảnh: THẢO TIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh