Chủ động thực hiện giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng

06:05, 16/05/2024

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và hoạt động xuất nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2024 mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định kinh tế Vĩnh Long đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng còn phải chủ động thực hiện nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm.

(VLO) Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và hoạt động xuất nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2024 mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định kinh tế Vĩnh Long đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng còn phải chủ động thực hiện nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm.

Ngoài khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng, Vĩnh Long đang thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch. Trong ảnh: Du khách nước ngoài đến và tham quan chợ Vĩnh Long.
Ngoài khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng, Vĩnh Long đang thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch. Trong ảnh: Du khách nước ngoài đến và tham quan chợ Vĩnh Long.

Kinh tế- xã hội chuyển biến tích cực

Thống đốc NHNH Nguyễn Thị Hồng cho rằng, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban ngành thực hiện nhiều giải pháp vượt qua khó khăn. Các số liệu tại các báo cáo cho thấy tình hình kinh tế- xã hội có nhiều chuyển biến tích cực so với cuối năm 2023 và so với cùng kỳ.

Cụ thể, theo UBND tỉnh, quý I/2024 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 4,54% so với cùng kỳ năm 2023 (đứng thứ 8/13 vùng ĐBSCL, đứng thứ 44/63 tỉnh trên cả nước).

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,91%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,22% và khu vực dịch vụ tăng 6,06%. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định. Các ngành nông, lâm, thủy sản; công nghiệp và xây dựng, dịch vụ tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực.

Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Mục tiêu chủ yếu là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm nhằm củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp (DN) phát triển, nhất là các DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo;...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Chính cho biết, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các DN, HTX gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối, tiêu thụ vào các thị trường trong và ngoài nước.

Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho đời sống và nguồn nguyên vật liệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần giảm chi phí cho người dân và DN.

Chủ động thực hiện nhiều giải pháp

Ở lần làm việc trước, Vĩnh Long có 15 kiến nghị. Trong đó có 8 kiến nghị đã xử lý (về thủ tục đầu tư, xây dựng; chính sách tín dụng, lãi suất; chính sách thuế, phí, lệ phí,...); 7 kiến nghị đã và đang tiếp tục xử lý (về hỗ trợ thị trường xuất khẩu hàng hóa, xúc tiến thương mại; phát triển nông nghiệp; xây dựng; ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn luật; đất đai,...)

Tại buổi làm việc mới đây, UBND tỉnh có 1 kiến nghị mới liên quan đến tiêu chí xác định đối tượng “người lao động có thu nhập thấp”.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong thời gian tới, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; tăng trưởng dư nợ thấp so với cùng kỳ nguyên nhân do yếu tố thời vụ, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế; công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do một số nhà đầu tư thiếu quyết tâm thực hiện, chưa đảm bảo về năng lực tài chính, trong quá trình thực hiện còn có tranh chấp, khiếu kiện...

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 đối với Vĩnh Long là 6,5%, trong các tháng tới của năm 2024, tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ động có các giải pháp để khắc phục khó khăn, đặc biệt là những ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu; quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); triển khai các giải pháp sản xuất kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu,....

Đồng thời, chủ động phối với hợp các Bộ ngành để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công các dự án trọng điểm.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh