Sức mua tại chợ giảm sau Tết

Cập nhật, 15:00, Thứ Sáu, 01/03/2024 (GMT+7)
Qua Tết, nguồn cung hàng hóa tại các chợ dồi dào trở lại,  giá cả những mặt hàng rau củ, trái cây dần “hạ nhiệt”.
Qua Tết, nguồn cung hàng hóa tại các chợ dồi dào trở lại, giá cả những mặt hàng rau củ, trái cây dần “hạ nhiệt”.
Sau Tết, nguồn cung hàng hóa tại các chợ dần ổn định trở lại, tuy nhiên sức mua vẫn khá chậm.
 
Sức mua nhiều loại thực phẩm tươi sống giảm, nhất là thịt heo và thịt gia cầm. Theo các tiểu thương tại một số chợ TP Vĩnh Long, nguyên nhân do người dân có xu hướng cắt giảm chi tiêu, đồng thời sử dụng đa dạng hình thức mua sắm khác nhau nên “chợ vắng thưa người”.
 
Chị Nguyễn Thanh Ngân- tiểu thương bán thịt heo tại chợ Vĩnh Long, cho biết: “Sức mua qua Tết bán càng chậm, lượng tiêu thụ thịt heo tại sạp giảm hơn 50% so với trước đây”.
 
Mới hơn 14 giờ, chợ vượt lũ Phường 8 (TP Vĩnh Long) đã vắng bóng cả người bán lẫn người mua, theo lời người dân sinh sống xung quanh thì những tiểu thương buôn bán thực phẩm trong nhà lồng chợ đã dọn sạp ra về từ khoảng 10 giờ.
 
Loay hoay di chuyển mớ rau tươi từ trên sạp ra khu vực bên ngoài chợ, chị Nguyễn Thị Ngọc Linh thở dài nói: “Tình hình kinh doanh ế ẩm kéo dài suốt cả năm qua tới giờ. Từ sau Tết thì giá rau củ dần ổn định trở lại, mỗi ngày giá cũng chỉ lên xuống 2.000-3.000 đ/kg tùy loại, rau củ mùa này cũng đủ đầy nhưng lượng người mua đã giảm hơn phân nửa.
 
Buổi sáng chỉ có “khung giờ vàng” từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ là chợ xôm nhất, từ đó về trưa thì người bán bắt đầu dọn về từ từ, chỉ còn lại vài ba người bán rau ở lại, đợi đến giờ tan ca của công nhân thì tranh thủ dọn ra mé đường để bán cho hết. Như tôi ngoài mua đi bán lại thì còn bán thêm rau nhà tự trồng để kiếm thêm đồng lời, mỗi ngày bán được chừng 10kg rau là mừng rồi”.
 
Khách ghé qua sạp rau của chị Ngọc Linh hầu hết đều được chị ân cần hỏi thăm “nay nấu món gì?” để chị “khuyến mãi” thêm cọng hành, trái ớt…
 
“Thời buổi này người bán thì nhiều mà người mua thì ít, đã vậy tiểu thương trong chợ còn phải cạnh tranh với người bán dạo bên ngoài chợ. Vậy nên người ngồi chợ càng phải vui vẻ, phải bán đúng giá, có vậy người ta mới nhớ rồi quay lại ủng hộ cho mình”- chị Ngọc Linh nói. 
 
Đang lựa mua nguyên liệu nấu ăn chuẩn bị cho việc buôn bán điểm tâm sáng hôm sau, chị Trần Thị Lành (Phường 8, TP Vĩnh Long) chia sẻ:
 
“Tôi bán đồ ăn sáng ở chợ được hơn 1 năm, tình hình buôn bán cũng không khả quan mấy, nếu hồi trước mỗi ngày bán được 30 tô thì bây giờ chỉ chừng 20 tô, vừa đủ trả tiền thuê mặt bằng, điện, nước và sinh hoạt hàng ngày. Không bán thì sợ mất mối, mà bán ế ẩm riết cũng nản. Mong là hết tháng Giêng, tình hình sẽ khởi sắc hơn”.
 
Tại chợ Long Châu (Phường 4, TP Vĩnh Long), nhiều sạp kinh doanh các mặt hàng thủy sản tươi sống vẫn còn khá nhiều. Cô Ba Liễn thở dài khi nhìn đám cá điêu hồng đang tung tăng trong nước, cô nói:
 
“Người ta thích ăn mấy loại cá đồng hơn, còn sức mua nhiều loại cá nuôi vẫn khá chậm. Tôi ngồi chợ từ hồi chợ chưa dời về đây, cũng hơn 10 năm, nhưng chưa bao giờ thấy tình hình buôn bán ế ẩm như bây giờ”.
 
Hàng thủy sản tại chợ Long Châu (Phường 4, TP Vĩnh Long), người bán nhiều hơn người mua.
Hàng thủy sản tại chợ Long Châu (Phường 4, TP Vĩnh Long), người bán nhiều hơn người mua.
Sau Tết, giá nhiều loại thực phẩm tươi sống ít có biến động tăng bởi nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, do người dân vừa trải qua đợt mua sắm Tết nên nhu cầu mua sắm hiện tại không cao, đồng thời người tiêu dùng dần thay đổi thói quen mua sắm, tiết kiệm chi tiêu nên sức mua tại các chợ truyền thống vẫn chưa khởi sắc. 
 
Theo Sở Công Thương, thời gian qua hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá. Trong đó, các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại đẩy mạnh khuyến mãi góp phần tăng sức mua thị trường.
 
Mạng lưới phân phối hàng hóa tiếp tục tăng cường và mở rộng về số lượng, đa dạng về ngành nghề kinh doanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng lựa chọn hình thức mua sắm góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ.
Bài, ảnh: THẢO TIÊN