Theo xu hướng tiêu dùng hiện đại, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) với hình thức đa dạng như internet banking, mobile banking, QR code, ví điện tử, thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ… đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến của nhiều người dân, doanh nghiệp.
Theo xu hướng tiêu dùng hiện đại, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) với hình thức đa dạng như internet banking, mobile banking, QR code, ví điện tử, thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ… đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến của nhiều người dân, doanh nghiệp.
Nâng cao trải nghiệm khách hàng
Ngày nay, TTKDTM có thể giúp người dân thanh toán hầu hết các chi phí nhu cầu thiết yếu hàng ngày từ điện, nước, cước phí điện thoại, vé xe/tàu/máy bay, học phí đến các hoạt động giải trí như xem phim, mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mua hàng online một cách nhanh chóng, thuận tiện.
TTKDTM không chỉ trở thành một trong những thói quen thanh toán phổ biến của người tiêu dùng, mà các điểm kinh doanh quy mô lớn, cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống, thậm chí là những quán cà phê, xe bánh mì… cũng nhanh chóng thích ứng, kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng ví điện tử Momo, VNPay, ZaloPay, ShopeePay, Viettel Money… góp phần giúp tối ưu hóa quy trình thanh toán của doanh nghiệp, nâng cao trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.
Theo Sở Công Thương, đến cuối năm 2023, sở đã phối hợp với Viettel Vĩnh Long triển khai “Mô hình chợ 4.0- TTKDTM” cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ Vĩnh Long. Đến nay đã có hơn 240 tiểu thương tại chợ Vĩnh Long đăng ký trở thành điểm chấp nhận TTKDTM kết nối với 30 ngân hàng và các ví điện tử.
Chị Nguyễn Anh Mỹ- chủ ki ốt giày dép Khánh Băng tại chợ Vĩnh Long cho biết: “Từ sau dịch COVID-19 khách hàng chuyển qua sử dụng thanh toán online rất nhiều. Bởi, bây giờ ai cũng sử dụng điện thoại, nhờ có thanh toán bằng mã QR mà khi khách có lỡ quên mang tiền hay mang không đủ tiền đều có thể chi trả nhanh chóng thông qua điện thoại. Tôi cũng tiết kiệm thời gian đổi tiền, thối tiền”.
Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên chiếc điện thoại di động, bạn Trần Thu Hằng (26 tuổi, ngụ phường Trường An, TP Vĩnh Long) đã nhanh chóng mua được món hàng yêu thích trên một sàn thương mại điện tử và thanh toán online nhờ liên kết ví điện tử cá nhân.
Thu Hằng cho hay: “TTKDTM không chỉ giúp tiết kiệm thời gian thanh toán mà đôi khi còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực khác như nhận được khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn, voucher, hoàn tiền, tích điểm… Khi mua hàng trực tiếp tại nhiều điểm kinh doanh hiện nay dễ bắt gặp mã QR, số ví điện tử được trang trí bằng hình ảnh ngộ nghĩnh, giúp khách hàng thấy hào hứng hơn mỗi khi thanh toán”.
Hỗ trợ và thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng số
Thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm dịch vụ TTKDTM hiện đại, tiện ích theo đúng các nội dung triển khai của hội sở: chuyển tiền nhanh 24/7, sử dụng mã QR code, ví điện tử, mobile money…
Các dịch vụ đã được thực hiện trên môi trường số: tiền gửi tiết kiệm, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, chuyển tiền, cho vay tiêu dùng, cho vay sản xuất kinh doanh… Phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa, điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục… góp phần đẩy mạnh thực hiện TTKDTM, thanh toán qua ngân hàng điện tử.
Ông Võ Thanh Tùng- Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long (VietinBank Vĩnh Long) cho biết:
“Tại VietinBank Vĩnh Long, giao dịch TTKDTM chiếm 72% tổng giá trị giao dịch thanh toán của khách hàng tại chi nhánh. Tính đến cuối năm 2023, VietinBank Vĩnh Long đã phát triển hơn 500 điểm chấp nhận thanh toán QR, phát triển hơn 70.000 khách hàng sử dụng VietinBank Ipay với gần 711.000 giao dịch được thực hiện trên kênh điện tử có giá trị giao dịch trên 9.000 tỷ đồng, góp phần giảm bớt áp lực giao dịch tại quầy, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Chi nhánh cũng thực hiện các giải pháp thu hộ đối với các hoạt động y tế, giáo dục, cung cấp những sản phẩm dịch vụ có áp dụng công nghệ với nhiều tính năng tương tự như “trợ lý tài chính số”…
Riêng trong lĩnh vực thương mại tiêu dùng, VietinBank Vĩnh Long đã phát triển hơn 80 đơn vị chấp nhận thanh toán POS, góp phần tiết giảm chi phí, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như mang đến sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp”.
Theo bà Trương Thị Oanh- Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long: “Các hoạt động thanh toán đã và đang được phát triển với nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, TTKDTM tăng mạnh, các giao dịch thanh toán qua internet banking, mobile banking tăng cao.
Nhiều tổ chức tín dụng tiếp tục áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng số. Thời gian tới, ngành ngân hàng tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh.
Triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần đem lại tiện ích, an toàn và sự trải nghiệm cho khách hàng. Đồng thời tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán và giao dịch của khách hàng”.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 150 ATM, 804 POS (tăng 5 POS so với năm 2022). Lũy kế khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử (internet banking, mobile banking…) ước đạt khoảng 458,4 ngàn khách hàng (tăng 25,5% so với năm 2022); số lượng giao dịch đạt khoảng 10,7 triệu món với trị giá giao dịch 161,7 ngàn tỷ đồng. |
Bài, ảnh: THẢO TIÊN