Năm 2011, khi mới bắt tay xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người của huyện Tam Bình đạt hơn 17,2 triệu đồng/năm. Đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 57,7 triệu đồng, tăng gần 40,5 triệu đồng.
Huyện Tam Bình đã vận động người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập. |
Năm 2011, khi mới bắt tay xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người của huyện Tam Bình đạt hơn 17,2 triệu đồng/năm. Đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 57,7 triệu đồng, tăng gần 40,5 triệu đồng.
Đây là thành quả từ sự nỗ lực của BCĐ chương trình xây dựng NTM huyện trong chỉ đạo, điều hành, định hướng phát triển sản xuất, giúp người dân nâng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phát huy thế mạnh nông nghiệp
Với điểm xuất phát tương đối thấp, số tiêu chí đạt được bình quân của các xã trong huyện Tam Bình là 7-8 tiêu chí/xã; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 10,02%; hộ cận nghèo hơn 5,62%; hạ tầng nông thôn còn thiếu và yếu kém...
Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp chưa bền vững, còn theo lối truyền thống, phân tán. Việc xây dựng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị từng ngành hàng nông sản còn nhiều hạn chế, hoạt động hiệu quả chưa cao.
Công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn... Đó là một phần bức tranh kinh tế nông thôn của huyện Tam Bình khi bắt đầu hành trình xây dựng NTM.
Theo BCĐ Chương trình xây dựng NTM huyện Tam Bình, để thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, giúp người dân phát triển sản xuất, nâng thu nhập, huyện đã có nhiều giải pháp đột phá trên từng lĩnh vực. Cụ thể, xác định sản xuất nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho gần 75% lao động, huyện đã phát huy thế mạnh về phát triển nông nghiệp.
Theo đó, huyện đã chỉ đạo cơ cấu giống lúa hợp lý với diện tích sử dụng giống xác nhận đạt 90% diện tích, đảm bảo 98% diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng”.
Đồng thời, cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch lúa 100% diện tích; áp dụng đồng bộ giải pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả; thực hiện liên kết hỗ trợ phun thuốc bằng máy bay, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, thăm đồng hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc lúa đạt hiệu quả; xây dựng mô hình sản xuất lúa sạch xã Mỹ Lộc và tiếp tục cải tiến bao bì để sản xuất, kinh doanh gạo Tân Tiến.
Đối với diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, huyện vận động Nhân dân chuyển sang trồng màu và cây ăn trái; tận dụng vườn trống trồng xen màu.
Cùng với đó, duy trì những vùng sản xuất màu tập trung và tiếp tục phát triển những nơi có điều kiện; xây dựng các mô hình đạt chứng nhận VietGAP, đảm bảo năng suất, đủ tiêu chuẩn chất lượng; xây dựng mã số vùng trồng trên cây lúa và cây ăn trái để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường EU, Anh, Trung Quốc và Philippines...
Ngoài ra, huyện còn xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tập trung thực hiện các mô hình sản xuất đạt các tiêu chuẩn hữu cơ cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm có tiềm năng, có thị trường tiêu thụ như: lúa, rau màu, cây có múi, cây ăn trái
chủ lực.
Người dân thực hiện và hưởng thụ
Anh Nguyễn Nhựt Thanh- nông dân trồng dưa lưới trong nhà màng tại ấp Tường Nhơn (xã Tường Lộc) cho biết: Thông qua chương trình xây dựng dựng NTM, cuộc sống người dân đang thay đổi tích cực từng ngày vì nông dân biết ứng dụng thâm canh và chuyển những mô hình kinh tế mới, cho hiệu quả và giá trị kinh tế cao.
Theo đó, cùng 1,5 công đất, nếu trồng lúa thì lời tầm 10 triệu đồng/năm; rau màu và cây ăn trái thì lời khoảng 30-40 triệu đồng/năm; đối với cây dưa lưới nếu năng suất đạt và giá cả thị trường ổn định thì lời tầm 300-400 triệu đồng/năm. Cùng với đó, hệ thống giao thông được đầu tư thông suốt thuận lợi, các tuyến đường chính được trải nhựa, giúp cho việc đi lại, mua bán hàng nông sản thuận tiện hơn.
Những năm qua, huyện Tam Bình đã tập trung huy động cả hệ thống chính trị, cùng với Nhân dân dồn sức thực hiện 5 nội dung, 9 tiêu chí và 36 chỉ tiêu của huyện NTM. Đến nay, huyện đã có 16 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 5 xã NTM nâng cao và TT Tam Bình đạt chuẩn đô thị văn minh.
Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội của huyện cũng ngày càng đồng bộ thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 57,7 triệu đồng, tăng bình quân 3,68 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện còn 2,6%, trong đó hộ nghèo 0,57%, hộ cận nghèo 1,99%; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên... Với những thành quả nổi bật này, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận huyện Tam Bình đạt chuẩn NTM năm 2023.
Theo ông Nguyễn Quốc Thái- Chủ tịch UBND huyện Tam Bình, để có được kết quả như trên, BCĐ huyện và các xã- thị trấn đã tập trung nỗ lực bám theo bộ tiêu chí mới. Trên cơ sở đó, phân công thành viên BCĐ huyện phụ trách các xã. Cùng với đó là sự quyết tâm nỗ lực của BCĐ xã và người dân đã đưa huyện hoàn thành các chỉ tiêu huyện NTM.
Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Năm 2024, tỉnh sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động. Mỗi người dân sẽ là một chủ thể để thực hiện và thụ hưởng- đây là điều hết sức quan trọng.
Bên cạnh, tập trung phát triển về sản xuất, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển mô hình công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường tiêu thụ; phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch ở nông thôn; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
“Từ các nhiệm vụ như thế, sẽ góp phần nâng cao thu nhập người dân ở địa phương”- ông Lữ Quang Ngời nhận định và cho hay: sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với phát triển đô thị, hệ thống về cơ sở vật chất y tế, giáo dục, về văn hóa và đảm bảo môi trường thiết thực để cho người dân được thực hiện và hưởng thụ.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI