"Lên đời" cho sản phẩm OCOP

Cập nhật, 07:03, Thứ Bảy, 10/02/2024 (GMT+7)

(VLO) Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp với đa dạng sản phẩm. Không chỉ có những cánh đồng lúa bạt ngàn, mà còn những vùng trồng rau màu, cây ăn trái xum xuê ngon ngọt. Từ sản vật địa phương, với sự sáng tạo tuyệt vời của bà con nơi đây đã tạo ra những sản phẩm đặc trưng. Với bệ phóng từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), cho ra đời những sản phẩm xếp hạng 3 sao, 4 sao với thị trường ngày càng mở rộng.

Điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại bến cảng hành khách Vĩnh Long.
Điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại bến cảng hành khách Vĩnh Long.

OCOP đang lan tỏa…

Với tâm huyết để sản phẩm địa phương có thể cạnh tranh trên thị trường, Cơ sở Sản xuất Trà Trường Ái (Long Hồ) đã không ngừng nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã để làm hài lòng người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hoàng Huy Lộc- chủ cơ sở cho biết, hiện nay doanh thu hàng tháng sản phẩm OCOP trà đinh lăng của sơ sở hơn 20 triệu đồng. Giá trị tuy không lớn, nhưng theo ông Huy Lộc đó là niềm tự hào bởi “đã đưa được sản phẩm của địa phương mình đến tay người tiêu dùng trong cả nước”.

Để mở rộng thị trường, chủ cơ sở cho biết luôn tăng cường quảng bá, giới thiệu thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của địa phương, trưng bày ở các điểm du lịch.

Ở TP Vĩnh Long, sau 5 năm triển khai chương trình OCOP đã từng bước tiếp cận và lan tỏa chương trình đến các cấp, các ngành và Nhân dân. Hiện có 38 sản phẩm được xếp hạng với 17 sản phẩm đạt 4 sao và 21 sản phẩm đạt 3 sao.

Theo ông Đặng Văn Lượng- Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo điều kiện, nguồn lực cho đơn vị tham gia chương trình OCOP. Qua đó, góp phần quảng bá sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.

“Thành phố cũng đã thành lập hội doanh nghiệp, đánh dấu cho sự gắn kết chặt chẽ và đồng hành cùng các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động và phát triển, đặc biệt là phát triển các sản phẩm OCOP trong thời gian tới”.- ông Đặng Văn Lượng kỳ vọng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh- Nguyễn Tường Nam, các sản phẩm OCOP của tỉnh có chất lượng tốt, từng bước tăng tính cạnh tranh, khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ. Sản phẩm đã xác định được phân khúc và cách tiếp cận phù hợp, giá trị và lợi ích của sản phẩm mang lại ngày càng tốt hơn.

Đưa sản phẩm OCOP… bay xa

Nhiều sản phẩm OCOP dần có thị trường tiêu thụ tốt, nhờ vào chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó tăng tính cạnh tranh và khẳng định thương hiệu. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều đơn vị chủ động đưa sản phẩm của mình vào phục vụ phát triển du lịch, mở ra hướng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm phù hợp thực tế.

Các sản phẩm OCOP ngày càng nâng cao chất lượng, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Các sản phẩm OCOP ngày càng nâng cao chất lượng, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

“Nâng chất sản phẩm không chỉ là con số cụ thể mà nó còn là tinh thần hoặc cảm giác phù hợp với du khách mỗi khi đến Vĩnh Long”.- ông Nguyễn Tường Nam nhìn nhận, đồng thời cho rằng, để đảm bảo sản phẩm luôn cạnh tranh tốt trên thị trường thì DN phải luôn thích nghi tốt với những thay đổi và biến động.

Điều này đòi hỏi DN phải chú ý xây dựng thương hiệu và văn hóa DN, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP gia tăng về giá trị.

Vĩnh Long được đánh giá là một trong những tỉnh, thành ĐBSCL có số lượng sản phẩm OCOP tương đối cao. Tính đến cuối tháng 8/2023, toàn tỉnh có 98 sản phẩm OCOP, trong đó, có 32 sản phẩm đạt 4 sao, 66 sản phẩm đạt 3 sao và có 2 sản phẩm trình hội đồng Trung ương công nhận 5 sao.

Năm 2023, UBND tỉnh phân bổ trên 1 tỷ đồng hỗ trợ triển khai, thúc đẩy phát triển và quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP. Theo đó, đã có nhiều cuộc quảng bá kết nối cung cầu sản phẩm chủ lực và OCOP của tỉnh đến du khách, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Sở Công Thương cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp-PTNT xây dựng các vùng trái cây chất lượng, an toàn gắn kết nông nghiệp với du dịch sinh thái miệt vườn; lựa chọn các sản phẩm OCOP phù hợp để hỗ trợ phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Qua đó, mỗi xã, phường có sản phẩm OCOP cũng là một điểm đến du lịch hấp dẫn, tăng tính trải nghiệm cho du khách.

Cùng với định hướng phát triển du lịch nông thôn cả nước, Vĩnh Long cũng đang tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh. Trong đó, việc kết hợp quảng bá sản phẩm nông sản, làng nghề đặc trưng là mục tiêu hướng tới.

Ông Nguyễn Tường Nam cho rằng, chúng ta cần nâng cao hơn nữa về chất lượng sản phẩm OCOP phù hợp với giá trị, quy hoạch phát triển liên kết bền vững nguồn nguyên liệu, chế biến sâu để nâng cao hơn nữa giá trị và sự đa dạng.

Đặc biệt, với nhu cầu phát triển du lịch, các sản phẩm OCOP chính là một sản phẩm liên kết trải nghiệm, truyền tải thêm những giá trị văn hóa, tinh thần bản địa, tạo được sự thú vị đối với du khách và người tiêu dùng trong và ngoài nước. 

Theo TS Nguyễn Quốc Cường- Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, du lịch nông thôn sẽ là chủ lực phục hồi du lịch Việt Nam. Đối với Vĩnh Long, đây là một định hướng vô cùng quan trọng cần khai thác để phát huy tiềm năng, nâng cao giá trị.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY