Đẩy mạnh phát triển vùng nuôi cá tra an toàn thực phẩm

Cập nhật, 05:32, Thứ Năm, 29/02/2024 (GMT+7)

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá tra trên thị trường trong nước và quốc tế, ngành nông nghiêp tỉnh tập trung xây dựng các vùng nuôi cá tra an toàn thực phẩm theo quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, tiên tiến và bền vững; đồng thời hướng dẫn hộ, cơ sở nuôi từng bước áp dụng công nghệ số, công nghệ cao trong quy trình nuôi cá tra thâm canh để nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và truy xuất nguồn gốc.

Năm 2023, trong tỉnh có thêm 25ha mặt nước nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP thuộc 1 HTX và 5 cơ sở nuôi, nâng tổng diện tích nuôi áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến của toàn tỉnh lên 55,8ha (chiếm gần 16% tổng diện tích đang nuôi cá tra thâm canh của tỉnh).

Trong đó có 27ha chứng nhận tiêu chuẩn ASC, 3,8ha chứng nhận tiêu chuẩn BAP, 25ha chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, với tổng sản lượng được chứng nhận là 11.845 tấn/năm (chiếm hơn 11% tổng sản lượng cá tra/năm).

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn duy trì 1 cơ sở sản xuất giống cá tra 4,5ha đạt chứng nhận VietGAP, cung cấp 54 triệu con giống/năm; có 24 cơ sở an toàn dịch bệnh. Hiện có 100% vùng nuôi cá tra thâm canh áp dụng máy bơm bùn, 18% diện tích cá tra đang thả nuôi áp dụng cơ giới hóa ở khâu cho ăn và thay nước.

Năm 2024-2025, tỉnh tiếp tục mở rộng phát triển nuôi cá tra an toàn thực phẩm theo quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, tiên tiến và bền vững, phấn đấu có thêm 55 ha/năm mặt nước nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP và tương đương.

MỸ TRUNG