Bình Tân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao

Cập nhật, 22:03, Thứ Hai, 12/02/2024 (GMT+7)
Huyện Bình Tân đã triển khai thực hiện 14 mô hình, dự án về nông nghiệp, trong đó có 11 mô hình, dự án trồng trọt và 3 mô hình, dự án chăn nuôi.
Huyện Bình Tân đã triển khai thực hiện 14 mô hình, dự án về nông nghiệp, trong đó có 11 mô hình, dự án trồng trọt và 3 mô hình, dự án chăn nuôi.
Nông nghiệp có vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế, là nền tảng cho ổn định đời sống xã hội.
 
Để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp không ngừng phát triển, huyện Bình Tân khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giảm diện tích trồng lúa, chuyển sang trồng màu và cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, từng bước sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao và theo chuỗi sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. 
 
Xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất theo chuẩn VietGAP 
 
6 năm trước, ông Huỳnh Văn Quyên- ấp Hưng Lợi (xã Tân Hưng) chuyển một phần đất ruộng lên vườn trồng sầu riêng ri 6 xen mít Thái theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”. Đến khi cây sầu riêng đủ lớn thì đốn mít, giữ sầu riêng.
 
Thấy mô hình hiệu quả, nên ông tiếp tục chuyển đổi diện tích đất còn lại. Hiện, ông có tổng cộng 10 công vườn trồng sầu riêng ri 6. 
Đến nay, đã cấp 42 mã số vùng trồng xuất khẩu trên cây khoai lang và 4 mã số vùng trồng nội địa trên sầu riêng, mít Thái và dưa hấu.
Đến nay, đã cấp 42 mã số vùng trồng xuất khẩu trên cây khoai lang và 4 mã số vùng trồng nội địa trên sầu riêng, mít Thái và dưa hấu.
 
Theo ông Quyên, người trồng có kỹ thuật cao thì sau 2 năm cây sẽ cho trái. Hiện, năng suất bình quân khoảng 2 tấn/công. Sầu riêng năm nay cho trái đạt hơn năm rồi và giá bán cũng cao hơn. Vừa rồi, ông thu hoạch sầu riêng bán với giá 100.000- 105.000 đ/kg.
 
Đợt tiếp thì tới tháng Chạp là đã thu hoạch xong, nên có tiền “bỏ túi rủng rỉnh ăn Tết”. Nhờ vậy mà đón Xuân Giáp Thìn thấy “khỏe hơn” vì không phải chăm cây trong những ngày Tết như các năm trước. 
 
Theo UBND xã Tân Hưng, toàn xã có 746,4ha trồng cây lâu năm. Trong đó, 149ha trồng sầu riêng. Trong số này, ấp Hưng Lợi có diện tích trồng sầu riêng nhiều nhất xã với gần 90ha. Ngoài ứng dụng hệ thống tưới phun tự động, nông dân còn chú trọng sản xuất theo chuẩn VietGAP. Hiện, cây sầu riêng đang đem lại thu nhập khá cho nông hộ. 
 
Với lợi thế về diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, có sẵn nguồn nhân công và được chính quyền địa phương hỗ trợ, đầu năm 2023, Công ty CP Nông nghiệp 620 chọn ấp Tân Lập (xã Tân Thành) làm nơi đầu tư hệ thống nhà màng trồng dưa lưới Huỳnh Long (5ha) và khoai lang tím Nhật (15ha).
 
Bên cạnh, công ty còn đầu tư sản xuất nông nghiệp ở TX Bình Minh và TP Vĩnh Long. Trong đó, huyện Bình Tân có diện tích sản xuất lớn nhất. 
 
Cùng với việc xây dựng mã số vùng trồng quốc tế, công ty còn chú trọng sản xuất theo chuẩn VietGAP. Ông Huỳnh Phú Lộc- Giám đốc công ty cho biết: Công ty vừa thu hoạch khoai lang, năng suất khoảng 35 tấn/ha, tuy giá bán chưa như kỳ vọng, nhưng nhờ năng suất cao nên đảm bảo có lời.
 
Nhiều nông hộ sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều nông hộ sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Còn dưa lưới trồng 75 ngày cho thu hoạch, cứ 4 đợt trồng là tới Tết. Từ cuối tháng 11/2023, mỗi tuần công ty thu hoạch một nhà lưới. “Chi phí đầu tư nhà lưới khoảng 20 tỷ đồng. Nếu trồng đạt thì trong vòng 2 năm sẽ thu hồi được chi phí”- ông Lộc cho biết. 
 
Theo ông Lộc, sau khi thu hoạch xong, sẽ trồng tiếp khoai tím Nhật. Riêng dưa lưới Huỳnh Long sẽ chuyển sang trồng trên giá thể thay vì trồng trên đất như hiện nay. Công ty đang tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh, sau đó sẽ đầu tư tiếp các sản phẩm khác. Định hướng năm 2024 sẽ sản xuất các loại rau củ quả như: cà chua, dưa leo...
 
Mục tiêu chính là đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp sạch và dự kiến sẽ mở rộng diện tích để đáp ứng thị trường tiêu thụ. 
 
Phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp
 
Năm 2023, huyện Bình Tân chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có chất lượng, an toàn và hiệu quả cao áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), VietGAP...
 
Đến nay, có 14 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh, cấp 42 mã số vùng trồng xuất khẩu trên cây khoai lang và 4 mã số vùng trồng nội địa trên sầu riêng, mít Thái và dưa hấu. Đồng thời, phát triển và nâng hạng 20 sản phẩm OCOP. 
 Các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp đang  đem lại thu nhập khá cho nông hộ.
Các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp đang đem lại thu nhập khá cho nông hộ.
Theo ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, thế mạnh của huyện là sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, mặc dù gặp khó khăn trong sản xuất khoai lang tím Nhật để xuất khẩu. Tuy nhiên, nông dân đã thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang vườn chuyên canh cho giá trị kinh tế cao. 
 
Đến nay, toàn huyện có 4.129,7ha vườn cây ăn trái. Trong đó, diện tích đang cho trái 3.725ha, ước sản lượng 55.895 tấn. Các công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư để phục vụ tưới tiêu, bảo vệ sản xuất tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh, huyện tiếp tục duy trì diện tích nuôi cá tra thương phẩm với 88 ao, có diện tích 76,40ha với hình thức nuôi thâm canh.
 
Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác năm 2023 đạt 27.670 tấn, đạt 93,26% kế hoạch, so với cùng kỳ tăng 1.330 tấn. Từ những kết quả trên, đã đưa tổng giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản năm 2023 đạt 2.697 tỷ đồng, đạt gần 100,2% kế hoạch, tăng gần 3,2% so cùng kỳ. 
 
Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết thêm: Để giúp người dân phát triển sản xuất- kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống, huyện đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và công khai quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư trên địa bàn; tăng cường cải cách hành chính, phối hợp tốt với các sở, ban ngành tỉnh để giải quyết kịp thời các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư.
Huyện Bình Tân đang tiếp tục chỉ đạo phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mã số vùng trồng.
Huyện Bình Tân đang tiếp tục chỉ đạo phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mã số vùng trồng.
 
Cùng với đó, huyện quan tâm đầu tư nâng cấp các công trình giao thông, nâng cấp cảnh quan môi trường trung tâm đô thị Tân Quới để thu hút các ngành dịch vụ thương mại phát triển. Bên cạnh, triển khai kịp thời các chính sách khuyến công để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm.
 
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP để tạo điều kiện thuận lợi quảng bá liên kết tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.
Ông Phạm Minh Hoàng- Bí thư Huyện ủy Bình Tân 
Năm 2024, Huyện ủy tập trung chỉ đạo xây dựng và củng cố các mã số vùng trồng, đặc biệt trên cây khoai lang để đảm bảo xuất khẩu chính ngạch với giá cao, ổn định nhằm tăng diện tích trồng khoai, góp phần nâng thu nhập. Bên cạnh, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân ứng dụng vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng; định hướng người dân sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP… đáp ứng thị trường xuất khẩu chính ngạch. 
 
Song song đó, xây dựng các mô hình nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; duy trì diện tích lúa phù hợp, tăng diện tích cây màu, đẩy mạnh đưa cây màu xuống ruộng; thâm canh tăng năng suất vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; phát triển đàn gia súc, gia cầm; khôi phục nghề nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp và kết hợp nuôi trong ruộng lúa, mương vườn. 
 
Ngoài ra, phát triển kinh tế hợp tác và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; xúc tiến đầu tư, thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ; cơ cấu lại sản phẩm tiềm năng, cây trồng chủ lực như: khoai lang, hành lá, các giống cây ăn trái có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng; chăn nuôi heo, bò, dê và nuôi trồng thủy sản.
 
Đồng thời, thực hiện đồng bộ các chương trình trọng tâm trong nông nghiệp như: cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng NTM, OCOP, chương trình giống và ứng dụng khoa học và công nghệ; đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp.
 
Nhân dịp xuân mới- Giáp Thìn năm 2024 và kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2024), thay mặt Huyện ủy- HĐND- UBND- UBMTTQ Việt Nam huyện Bình Tân, tôi kính chúc đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tỉnh Vĩnh Long nói chung và huyện Bình Tân nói riêng mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công và gặt hái nhiều thắng lợi trong năm mới.
 
Tôi tin tưởng với truyền thống đoàn kết, quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn, Đảng bộ và Nhân dân huyện Bình Tân sẽ chung sức, chung lòng xây dựng huyện Bình Tân ngày càng khang trang, phát triển, xứng đáng là huyện NTM của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân
Năm 2023 UBND huyện đã chỉ đạo các ngành và UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, với kết quả trong năm đã thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu đề ra. 
 
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được quan tâm thực hiện, trong đó đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã Tân Hưng đạt chuẩn NTM nâng cao và xã Tân An Thạnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 
 
Sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ đã hoạt động ổn định góp phần đưa giá trị đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đạt hơn 328,1 tỷ đồng, ước đạt trên 100,6% kế hoạch, tăng gần 8,7% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 3.616 tỷ đồng, đạt gần 100,3% kế hoạch, tăng hơn 10,3% so cùng kỳ. Công tác kêu gọi đầu tư đạt kết quả tốt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đưa vào hoạt động kịp thời.
 
Thực hiện tốt công tác đào tạo giải quyết việc làm, đã tạo việc làm mới cho 1.088 lao động, đạt 181,3% so với chỉ tiêu. Trong đó, đưa người lao động làm việc ở nước ngoài có thời hạn 205 người, đạt 186,4% so chỉ tiêu, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
 
Công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp cơ bản đáp ứng yêu cầu học tập của người dân, thực hiện tốt mục tiêu phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Triển khai đề án sáp nhập trường theo kế hoạch, đến nay có 24/35 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 68,57%, tăng 1 trường so cùng kỳ.
 
Công tác phòng chống tội phạm được quan tâm chỉ đạo, tập trung theo dõi nắm tình hình, kịp thời đấu tranh phòng, chống tội phạm, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI