Trà Ôn phát huy lợi thế kinh tế nông nghiệp

05:11, 08/11/2023

Thời gian qua, huyện Trà Ôn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển lợi thế kinh tế nông nghiệp. Những mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả từng bước được lan tỏa; giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
 

 
Mô hình trồng rau nhút tại xã Xuân Hiệp mang lại lợi nhuận ổn định cho người dân.
Mô hình trồng rau nhút tại xã Xuân Hiệp mang lại lợi nhuận ổn định cho người dân.
Thời gian qua, huyện Trà Ôn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển lợi thế kinh tế nông nghiệp. Những mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả từng bước được lan tỏa; giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
 
Điểm sáng phát triển kinh tế
 
Theo ông Nguyễn Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn, kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển; sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ tăng trưởng khá... là những điểm thuận lợi nổi bật trong thời gian qua; với sự đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và sự đồng thuận của Nhân dân huyện Trà Ôn.
 
Nổi bật, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện đã nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như mô hình trồng khóm tại xã Hòa Bình với diện tích ban đầu 46,37ha, đến nay đã nhân rộng lên 108ha, năng suất đạt từ 40-50 tấn/ha, lợi nhuận từ 80-100 triệu đồng/ha.
 
Mô hình trồng cam sành trên đất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân hữu cơ thay thế phân hóa học, giúp cây phát triển tốt, kéo dài thời gian cho hiệu quả kinh tế gấp 2 lần so với mô hình trồng cam trên đất lúa truyền thống.
 
Mô hình trồng rau nhút tại xã Xuân Hiệp cho lợi nhuận từ 60-100 triệu đồng/ha/năm. Hiện toàn huyện có 17ha trồng rau nhút, có khả năng nhân rộng lên 25-30ha trong thời gian tới.
 
Song song đó, toàn huyện hiện có 34 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại; ước lợi nhuận của các trang trại đạt 5,13 tỷ đồng/đợt nuôi (trung bình thả nuôi từ 3-5 đợt/năm). Theo UBND xã Tích Thiện, xã có 22 trang trại và 8 gia trại chăn nuôi gà thịt với tổng đàn là 433.000 con (chiếm gần 84,3% số gà nuôi trong toàn huyện).
 
Sở hữu 2 trại nuôi gà thịt với số lượng 24.000 con, ông Nguyễn Văn Huy (ấp Cây Gòn, xã Tích Thiện) cho biết: “Với giá gà thịt hơn 50.000 đ/kg hiện tại thì tôi thu về lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/đợt nuôi. Bên cạnh đó, tôi còn tận dụng sản xuất phân bón hữu cơ từ phân gà để tăng thêm thu nhập”.
 
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, du lịch cũng được huyện Trà Ôn quan tâm thực hiện; từ đó góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
 
Những tháng cuối năm, Công ty TNHH May gia công Nghĩa Tiến (ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện) bắt đầu “vào mùa” đơn hàng sản xuất may gia công. Không khí rộn ràng, phấn khởi hòa nhịp cùng đôi tay thoăn thoắt hoàn thành sản phẩm của công nhân. Ông Nguyễn Văn Nghĩa- đại diện Công ty TNHH May gia công Nghĩa Tiến, cho biết, thực hiện may gia công sản phẩm may mặc cung cấp cho thị trường châu Âu, công ty hiện đang sản xuất 700-1.000 sản phẩm/ngày; tạo việc làm cho 50-60 lao động địa phương.
 
Chị Phan Thị Bích Kha (xã Thiện Mỹ) vừa nhanh nhẹn đóng gói sản phẩm vừa cho hay: “Tôi làm ở đây đã được 3 năm rồi. Làm ăn sản phẩm nên mỗi tháng tôi nhận được lương từ 6-7 triệu đồng, ổn định kinh tế gia đình lắm. Công nhân ở đây còn được hỗ trợ 100% phí mua bảo hiểm nữa”.
 
Còn em Lê Trí Nguyên (xã Tích Thiện) cười nói: “Thấy anh ruột và hàng xóm đi làm ở công ty có lương, chế độ ổn định, em liền quyết định xin vào làm ở công ty. Công việc nhàn, khỏe lại gần nhà, lương 5-6 triệu/tháng, em vui lắm”. 
 
Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Trong- chủ Cơ sở Du lịch Cù lao Mây (xã Phú Thành), mặc dù gặp nhiều khó khăn ban đầu, tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, khu du lịch dần “có khách”. Định hướng phát triển phù hợp xu hướng du lịch miệt vườn sông nước, Cơ sở Du lịch Cù lao Mây đã góp phần tạo việc làm cho khoảng 25 lao động ở các ấp Phú Xuân, Phú Lợi.
 
Thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp 
 
Để phục vụ tốt hoạt động sản xuất, nhất là phát huy thế mạnh kinh tế nông nghiệp huyện Trà Ôn, ông Nguyễn Thanh Bình- Trưởng Phòng Kế hoạch- Tổng hợp (Sở Nông nghiệp-PTNT) đề xuất: “Địa phương cần tiếp tục rà soát, đánh giá mô hình sản xuất có tiềm năng trong việc xây dựng mã số vùng trồng, VietGAP, OCOP... để mở rộng thị trường tiêu thụ. Song song đó, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, giúp nông dân nâng cao nhận thức về giá trị của việc liên kết sản xuất theo quy trình kỹ thuật canh tác, ghi chép sổ tay nhật ký sản xuất”.
 
Bí thư Huyện ủy Trà Ôn Nguyễn Văn Minh cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết của Huyện ủy về lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh; nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả, rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp.
 
Đồng thời, tập trung huy động, khai thác mọi nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng giao thông gắn với thủy lợi, du lịch để phục vụ phát triển kinh tế.
 
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương. Trong ảnh: Đoàn giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2023 của Tỉnh ủy do ông Hồ Văn Huân- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn thăm hỏi tình hình sản xuất của công ty may gia công.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương. Trong ảnh: Đoàn giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2023 của Tỉnh ủy do ông Hồ Văn Huân- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn thăm hỏi tình hình sản xuất của công ty may gia công.

Tại đợt giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2023 của Tỉnh ủy, ông Nguyễn Minh Dũng- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, nhấn mạnh: “Để tiếp tục phát huy lợi thế kinh tế nông nghiệp, Trà Ôn cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, tuyên truyền, thông tin kịp thời đến nông dân tình hình biến động của giá cả thị trường để nông dân an tâm sản xuất; tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương; nhân rộng mô hình VietGAP mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; theo dõi chặt chẽ, kịp thời cảnh báo cho người dân tình hình thiên tai; gia cố, khắc phục các khu vực có nguy cơ sạt lở”.

Theo Huyện ủy Trà Ôn, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 7% so với cùng kỳ. Giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt 365 triệu đồng/ha/năm, tăng 19,7 triệu đồng/ha/năm so cùng kỳ. Toàn huyện có 34 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại; trong đó, có 28 trang trại nuôi gà thịt với tổng đàn 513.700 con và 6 trang trại nuôi heo với tổng đàn 1.250 con.

Bài, ảnh: TUYẾT NGA- THIỆN CHÍ

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh