Hơn 20 năm có mặt trên đồng ruộng của một xã vùng ngập lũ Bắc QL1, mô hình trồng ấu Đài Loan ở xã Tân Hạnh (Long Hồ) vẫn tồn tại, mặc dù không phải là cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng là nguồn thu nhập thường xuyên giúp người dân ổn định cuộc sống, nhất là trong mùa nước nổi.
Ông Nguyễn Phi Long kiểm tra sâu bệnh trên ruộng ấu rộng 2 công ở ấp Tân Nhơn, xã Tân Hạnh. |
Hơn 20 năm có mặt trên đồng ruộng của một xã vùng ngập lũ Bắc QL1, mô hình trồng ấu Đài Loan ở xã Tân Hạnh (Long Hồ) vẫn tồn tại, mặc dù không phải là cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng là nguồn thu nhập thường xuyên giúp người dân ổn định cuộc sống, nhất là trong mùa nước nổi.
Một số nông dân trồng ấu lâu năm cho biết, cây ấu ở xã bắt đầu được trồng từ năm 2002, khi đó chỉ có 2 hộ ở ấp Tân Nhơn trồng 5 công ấu trên đất ruộng, năm 2004 tăng lên gần 6ha mở rộng thêm ở các ấp Tân An, Tân Thuận. Như hộ ở ấp Tân Thuận trồng nhiều nhất (trên 8 công ấu) với mỗi vụ ấu lời trên 3 triệu đồng/công.
Đến năm 2006, diện tích ấu toàn xã lên 15ha và lên cao nhất là năm 2007 với 25ha. Những năm đó, UBND xã vận động nông dân tận dụng những thửa ruộng trũng, sản xuất lúa không hiệu quả để thâm canh trồng ấu.
Nhưng do có lợi nhuận khá, nông dân đã trồng ấu trên cả những ruộng trong vùng sản xuất lúa thuận lợi. Xã còn được hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp tỉnh, huyện giúp nông dân áp dụng những kỹ thuật mới trong sản xuất và hỗ trợ 15.000 cây ấu giống trình diễn mô hình trồng 1ha ấu trên đất ruộng của một hộ ở ấp Tân Thạnh.
Nhưng những năm sau đó, diện tích ấu ở xã không phát triển thêm mà chựng lại như những năm đầu. Anh Phan Văn Hoàng- cán bộ nông nghiệp- địa chính xã, cho biết, đến nay toàn xã còn hơn 15ha, trồng rải rác xen với đất trồng lúa, vườn ở các ấp Tân Thuận, Tân Nhơn, Tân An và Tân Hiệp.
Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, mặc dù không phải là cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng trồng ấu mang lại nguồn thu nhập thường xuyên giúp người dân ổn định cuộc sống, nông dân nơi đây đã từng bước cải tiến cách trồng để đem lại hiệu quả cao nhất.
Ngày đầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi tìm đến vùng trồng ấu ở ấp Tân Nhơn nằm xa lắc trung tâm xã, giáp ranh tỉnh Đồng Tháp. Không có những cánh đồng ấu rộng thênh thang nhưng có những ruộng ấu xanh rờn nằm len lỏi sau những dãy nhà, khu vườn, trông thật đẹp mắt.
Ông Nguyễn Phi Long, 64 tuổi, có thâm niên trồng ấu trên 10 năm, cho biết trước đây, cây ấu ở đây chỉ được trồng trong mùa lũ với 1 vụ ấu. Những năm gần đây, nhờ có đê bao, đường lộ cao ráo ven kênh, nhiều hộ đã bao ngạn, đắp bờ xung quanh ruộng lúa thâm canh trồng ấu được suốt năm, nhưng phổ biến nhất là trồng được 2 vụ ấu trong năm, mỗi vụ kéo dài 4-5 tháng từ khi trồng đến thu hoạch hết trái.
Vụ mùa nghịch (vụ mùa khô) xuống giống trong tháng 2-3 âl, thu hoạch trong tháng 4-5 âl; sau đó cho đất nghỉ 1 tháng là trồng tiếp vụ mùa thuận (vụ mùa mưa) xuống giống trong tháng 5-6 âl, thu hoạch trong tháng 8-9 âl.
Mỗi vụ thu hoạch từ 2-3 đợt ấu trái là phá ấu trồng lại, đợt 1 sau 2,5-3 tháng trồng được khoảng 500kg ấu trái/công, sau đó bón thúc phân đạm cho ấu phát triển, cứ 15 ngày sau là thu hoạch tiếp đợt 2, 3 nhưng năng suất thấp dần khoảng 100-300 kg/công. Cả vụ thu tổng cộng 1 tấn/công.
Theo ông Long, ấu Đài Loan dễ trồng và thích nghi nhanh chóng với thổ nhưỡng nơi đây, qua thâm niên trong nghề, nhiều nông dân như ông đã cải tiến cách trồng nhằm giảm chi phí mà thu lợi nhuận cao hơn.
Đó là, người trồng ấu sử dụng tấm bạt chống thấm để giữ nước không thất thoát, trồng ấu có căng dây thẳng hàng và với mật độ thưa hơn để ấu giống nở nhanh, mọc đều mà lại đỡ tốn công diệt dịch hại và ấu lâu tàn. Trước đây nông dân trồng mật độ 3.000 cây/công, nay giảm còn 1.500 cây/công với khoảng cách cây cách cây 1m.
Hơn nữa so với trồng lúa thì công, chi phí đầu tư chăm sóc của trồng ấu là như nhau nhưng lợi nhuận trồng ấu cao hơn từ 2-3 lần.
Mấy năm nay, giá ấu khá cao, từ 5.000-6.000 đ/kg trái trong vụ thuận, 8.000-10.000 đ/kg vụ nghịch, sau khi trừ chi phí (phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, thuê nhân công hái trái) khoảng 3 triệu đồng/công, người trồng còn lãi từ 5-7 triệu đồng/công/vụ. Việc tiêu thụ ấu trái cũng thuận lợi, thương lái đến tận ruộng mua, nông dân không lo đầu ra.
Nhưng cái lo nhất của ông Long là sâu bệnh, trong đó đối tượng gây hại nghiêm trọng nhất là ốc bươu vàng, sâu ống, bệnh thối thân chết hàng loạt. Với thời gian ấy trong nghề, nhưng ông Long và những hộ xung quanh chưa được ngành chuyên môn tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, BVTV hay chuyển giao hỗ trợ cây giống…
Hộ nông dân tự trao đổi nhau cách trồng hoặc nắm kỹ thuật từ thông tin trên báo, đài, trên mạng hoặc từ hướng dẫn của đại lý bán phân bón. Ông Long rất mong ngành chuyên môn đến tận ruộng hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật canh tác ấu, chớ nhiều năm sản xuất theo lối cũ thì năng suất, chất lượng ấu không nâng cao thêm được.
Đề cập đến vấn đề về xây dựng thương hiệu cho cây ấu Tân Hạnh, về tổ hợp tác, xây dựng sản phẩm ấu thành sản phẩm OCOP hay mở rộng diện tích trồng ấu, anh Phan Văn Hoàng- cán bộ nông nghiệp- địa chính xã, cho biết, do diện tích ấu hiện tại của xã không lớn nên chưa thể xây dựng các nhãn hiệu cho sản phẩm ấu, lượng trái ít nên doanh nghiệp không thể ký hợp đồng bao tiêu, sản phẩm ấu sản xuất ra chủ yếu được thương lái trong xã mua, rồi bán lại ở các chợ lân cận hoặc bán lẻ ven các tuyến được giao thông bộ.
Còn ông Nguyễn Phi Long thì cho rằng, tuy thu nhập từ trồng ấu cao hơn trồng lúa, nhưng do xã Tân Hạnh là xã vùng ven TP Vĩnh Long, trước áp lực mở rộng và thu hút việc làm, lao động trẻ từ đô thị, cùng với tác động của phong trào chuyển đổi cây trồng, nhiều đất ruộng đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, lên vườn hoặc chuyển sang đất thổ cư, nên đất ruộng giảm dần, số ruộng trồng ấu cũng giảm đi.
Do vậy, từ nhiều năm qua, ông chỉ trồng 2 công ấu, không thể mở rộng thêm nữa vì các con đi làm xa, chỉ có hai vợ chồng già làm!
Nhưng người viết thiết nghĩ, trước mắt ngành chuyên môn cần tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng ấu cho nông dân như mong muốn của ông Long để giúp nghề trồng ấu được duy trì, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và tạo thêm việc làm ổn định cho nhiều nông dân trên địa bàn xã.
Bài, ảnh: MỸ TRUNG