Đảm bảo hàng hóa Tết, bình ổn thị trường

Cập nhật, 11:29, Thứ Năm, 09/11/2023 (GMT+7)
Nhiều mặt hàng ổn định giá trong thời gian qua góp phần kiềm chế lạm phát chung. Ảnh minh họa
Nhiều mặt hàng ổn định giá trong thời gian qua góp phần kiềm chế lạm phát chung. Ảnh minh họa
Còn khoảng chưa đến 3 tháng nữa sẽ đến Tết Giáp Thìn 2024, hiện tại, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị kế hoạch sản xuất hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắp dịp Tết. Qua đó cũng có phương án đảm bảo bình ổn giá thị trường.
 
Đảm bảo hàng hóa dịp Tết
 
Dịp cuối năm là lúc các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Hiện nay, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã lên phương án sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa. 
 
Bà Lê Trúc My- Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai (Phường 1, TP Vĩnh Long) cho biết, hiện có một số đơn hàng lớn, tuy nhiên cũng đang xem xét lại vì tình hình giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có kế hoạch phân phối, sản xuất đáp ứng nhu cầu hàng hóa Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu cao trong dịp này. 
 
Cũng theo bà My, tuy đã có phương án sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết 2024 sắp tới nhưng doanh nghiệp cũng đang rất lo lắng vì thị trường tiêu thụ dịp cuối năm nay rất khó đoán. Nhất là tình hình giá cả dự báo sẽ có biến động tăng do nguồn nguyên liệu đầu vào tăng.
 
Trong khi đó, theo ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, hiện đơn vị cũng đang tổng hợp nhằm đánh giá nhu cầu thị trường cuối năm. Theo ông Hoàng, hiện nay, các doanh nghiệp cung ứng cũng dự báo giá nguyên liệu tăng dẫn đến giá thành sản phẩm tăng. Tuy nhiên, hiện siêu thị vẫn hướng đến đàm phán giá cả giữ ổn định tốt nhất cho thị trường, cố gắng ít biến động theo hướng tăng so với Tết Nguyên đán 2023.
 
“Hiện cũng đang chờ kế hoạch chung để đảm bảo nguồn cung, kho bãi chứa hàng hóa để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán 2024. Đồng thời chờ kế hoạch của ngành công thương để đăng ký bình ổn giá thị trường trong thời gian tới”- ông Hoàng chia sẻ
 
Chủ động kiềm chế lạm phát
 
 
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, một số địa phương thực hiện tăng học phí, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước và tăng 3,59% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng của năm 2023, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
 
Trong mức tăng 0,08% của CPI tháng 10 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,25%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,27% (làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm) do giá gas tăng 4,72%; giá nước sinh hoạt tăng 0,48%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,29%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,15% do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và tỷ giá đô la Mỹ tăng.
 
Ngoài ra, nhóm may mặc, nón, giày dép tăng 0,12% do chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,06%, trong đó, lương thực tăng 0,9%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,21%... Theo đó, lạm phát cơ bản tháng 10 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng của năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,2%).
 
Theo khảo sát thị trường tại Vĩnh Long, giá cả nhiều loại hàng hóa hiện tương đối bình ổn, không có dấu hiệu tăng “đột xuất”. Theo một tiểu thương kinh doanh thịt heo ở Phường 5 (TP Vĩnh Long), giá heo hơi tương đối ổn định do nguồn cung ổn định, một số mặt hàng thịt heo “chững giá hoặc giảm”. Tuy nhiên, nhu cầu thịt heo dịp Tết là rất lớn nên chắc chắn giá sẽ biến động theo hướng tăng nhưng không cao…
 
Trong khi đó, giá các mặt hàng trái cây, bao gồm các loại trái cây nhập ngoại, lương thực, trứng gia cầm đều ổn định. Chỉ có một số loại rau củ quả giá có tăng đôi chút. Theo các tiểu thương ngành hàng rau củ, giá có tăng nhẹ do ảnh hưởng của bão lụt, nguồn cung bị hạn chế. Tuy nhiên, nhìn chung các mặt hàng tương đối ổn định, thậm chí có một số mặt hàng giảm giá nhẹ.
Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, kinh doanh góp phần đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá dịp Tết.
Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, kinh doanh góp phần đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá dịp Tết.
Theo ông Hoàng, hiện đơn vị đã và đang “chạy” nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm. Qua đó chủ động bình ổn giá cả từ nay đến cuối năm, góp phần kiềm chế lạm phát trên thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới…
Bài, ảnh: KHÁNH DUY