Kỳ cuối: Nông dân tự làm chủ vận mệnh

08:11, 02/11/2023

Những nông dân làm ăn hiệu quả mà chúng tôi gặp đều cho biết: "gắn bó với mảnh vườn thửa ruộng là từ tình yêu đối với nghề nông" và đặc biệt những nhà nông này kỳ vọng và tin tưởng có thể giàu lên từ nghề nông. 

 

Nông nghiệp- nông dân- nông thôn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Nông nghiệp- nông dân- nông thôn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Những nông dân làm ăn hiệu quả mà chúng tôi gặp đều cho biết: “gắn bó với mảnh vườn thửa ruộng là từ tình yêu đối với nghề nông” và đặc biệt những nhà nông này kỳ vọng và tin tưởng có thể giàu lên từ nghề nông.

Chính từ tình yêu và niềm tin mãnh liệt này, nhiều nông hộ đã hăng say lao động, không ngừng học hỏi, trau dồi phương thức làm nông mới… Từ đó, nâng tầm hiểu biết, trở thành những nông dân tri thức, tri điền; làm chủ vận mệnh của bản thân, làm chủ câu chuyện phát triển cộng đồng dân cư nông thôn…

Tình yêu và niềm tin

Là một trong những người “đi trước” trong chuyển từ ruộng lên màu, rồi trồng cam hiệu quả ở xã Trung Hiệp (Vũng Liêm), ông Nguyễn Hữu Thông cho biết: “Lúc trồng cam ai cũng nói tui khùng do ở đây chưa có ai trồng. Năm 2016, nước mặn xanh luôn mà chưa làm cống mang cá để ngăn mặn.

Tui qua Bến Tre đặt cọc mua cam. Ông chủ đó mới ghép đợt đầu tiên. Tui nói “chú đi lên Chợ Lách mua nước dùm con về tưới rồi hãy bứng”, nhưng ổng hà tiện bơm nước lên tưới. Tui đem về, nó rụng sạch lá. Tháng Giêng nắng chang chang tui cũng đem ra trồng. Vậy mà dưỡng riết vườn cam lên tốt…”.

Dẫn chúng tôi thăm khu vườn sai trái, ông Thông cho biết: “Trồng cây thì thương cây, để tâm vào đó mới cho thành quả. Có đêm tui bơi xuồng ra coi rễ cây có bị bó không để sáng hôm sau xử lý bộ rễ. 3 giờ sáng kiểm tra mặt đất chỗ nào ướt, chỗ nào khô; đất ráo thì rễ mới thở, mới lấy phân, lấy nước và dinh dưỡng được. Chỗ nào đen thui không hút nước là bộ rễ có vấn đề”.

Cũng theo ông Thông, ngoài “thương cây” thì hiện nay làm nông phải có kỹ thuật, am hiểu và biết cách sử dụng phân thuốc: “Trồng rẫy phải canh vụ. Cam đương làm bông muốn xả nước thì xả từ từ…”. Hiện ông đang trồng theo hướng hữu cơ để cây ăn lâu bền, rễ phát triển mạnh, xanh lâu hơn.

Ông Thông thừa nhận: “Trồng cây thì tâm mình để vào cây, chăm sóc sẽ có thành quả. Yêu nghề, yêu cây cam nên đeo sát, tìm hiểu tới mức nhìn lá là biết đủ dinh dưỡng hay không, đủ dinh dưỡng thì lá xanh bóng, còn xanh ngà ngà là thiếu đạm”.

“Vừa trồng cây vừa học hỏi, càng đi xa phải càng học thêm những người hơn mình”- ông Thông nói. Trước tình hình: Nông dân sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng hạn mặn, thời tiết, dịch bệnh, chi phí cao; bán ra cũng bị thiệt vì qua nhiều trung gian, ông Thông đề xuất: Nhà nước cần bình ổn giá vật tư, đầu tư hệ thống cống, kênh rạch thông thương để đảm bảo tưới tiêu. Đồng thời, hỗ trợ liên kết nông dân, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.

Đồng ý kiến này, ông Đặng Hoàng Minh (xã Tân Bình, huyện Bình Tân) giãi bày, hiện nay nông dân có thể làm ra sản phẩm nhưng còn nhỏ lẻ, chưa theo quy chuẩn dẫn đến bấp bênh. Chỉ có HTX mới dẫn dắt, hỗ trợ quy trình sản xuất, đầu ra ổn định... Do đó, ông “chắc nịch” rằng: “Nông dân phải vào HTX để cùng nhau nuôi trồng trên diện tích lớn, hàng hóa ổn định thì tiêu thụ ổn định hơn”.

Cũng từ tình yêu và niềm tin đối với nghề nông mà vợ chồng ông Đoàn Văn Tài và bà Lê Thị Nga (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm) gắn bó với nông nghiệp. Theo đó, ông bà kiên trì tìm tòi sản xuất lúa an toàn, lúa hữu cơ, nghiên cứu nâng cao giá trị hạt lúa sau thu hoạch… Bên cạnh làm giàu cho mình, ông bà còn hiện thực hóa giấc mơ cùng nông dân làm giàu bằng cách đưa họ vào HTX để cùng “làm ăn lớn”.

Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của nông dân

Nhận định “đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và của nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất quan trọng và to lớn; khẳng định được vai trò và vị trí, góp phần làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cần nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Đổi mới tư duy, tự tin hội nhập

Vượt qua những thất bại, đắng cay trong nghề nông, ông Nguyễn Trí Nghiệp- Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông trang Island (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) đã không ngừng nỗ lực để vực dậy và hướng tới tương lai tươi đẹp hơn.

Vào những năm 1985-1986, với mô hình sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, song “tự nhận thấy cây giống do mình làm ra quá tốt, quá đạt”, ông Nghiệp mang trong lòng kỳ vọng đưa sản phẩm vươn ra thị trường. Song, sự thật không như những gì ông mong đợi vì khách hàng chưa tin vào kinh nghiệm cũng như chất lượng sản phẩm do ông làm ra. Trong khi đó, cây giống mỗi ngày mỗi lớn, đến lúc quá hạn phải cắt cây nuôi lại hoặc phải bỏ, gây ra tốn kém, lãng phí lớn.

Vừa “khủng hoảng về tinh thần, kiệt quệ về tài chính”, sau nhiều đêm trằn trọc, ông Nghiệp quyết định phải vạch ra kế hoạch, chiến lược để bước tiếp. Theo đó, ông áp dụng hình thức tiêu thụ sản phẩm thông qua bán trả chậm. Khi bán, ông chỉ thu hồi được phần tiền 30-70%. Đồng thời, cam kết với bà con nông dân khi sản phẩm ra hoa kết trái thì thanh toán phần còn lại.

Với chiến lược thúc đẩy hoạt động kinh doanh cộng với chiến thuật đưa cây giống tới tay bà con nông dân, cùng với chất lượng sản phẩm đạt như cam kết, dần dần... “tiếng lành đồn xa”, sản phẩm cây giống của ông Nghiệp đã được nhiều người biết đến và đặt niềm tin nơi ông. Điều này đã giúp ông phục hồi lại sản xuất- kinh doanh và đưa sản phẩm vươn ra thị trường nước ngoài.

Ông Nghiệp chia sẻ, khi đó lại gặp “trục trặc về ngôn ngữ” do khách hàng nước ngoài chỉ sử dụng ngôn ngữ bản địa hoặc tiếng Anh. Lúc đó, mình tiếp cận để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng thì phải chọn ngôn ngữ, nhưng lúc đó vốn kiến thức còn hạn chế nên gặp không ít khó khăn.

Đối với thị trường Trung Quốc và Myanmar thì phải nhờ phiên dịch tiếng Trung, tiếng Miến Điện. Riêng thị trường Lào và Campuchia thì có nhiều cộng đồng người Việt bên đó hỗ trợ. Đối với Cộng hòa Czech, Đài Loan (Trung Quốc), Tây Ban Nha... thì có thể cam kết ký quỹ ngân hàng, mở LC (Letter of Credit) hay còn gọi là thư tín dụng do ngân hàng lập ra theo yêu cầu của đối tác.

Nhằm cam kết trả một khoản tiền nhất định tại một thời điểm cụ thể cho nhà xuất khẩu trong trường hợp nhà xuất khẩu xuất trình được bộ chứng từ thanh toán phù hợp với các điều kiện trong thư tín dụng. Việc này giúp đảm bảo giao hàng và thanh toán theo hợp đồng...

“Để từng bước đi lên, ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền địa phương, các ngành chức năng, ngành nông nghiệp, hội nông dân, người thân, bạn bè cùng sự hỗ trợ của cơ quan truyền thông, báo chí”- ông Nghiệp chia sẻ.

Bắt tay vào nghề nông và chọn khác biệt để thành công, ông Nguyễn Thanh Tân- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Lươn công nghệ cao Vĩnh Long (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) đúc kết: Để làm nông hiệu quả cần có hướng đi riêng, phải đam mê, dám nghĩ, dám làm và đủ quyết đoán. “Nếu thấy đã chọn đúng con đường thì cần không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức, công nghệ mới; cách thức nuôi trồng mới để bắt nhịp và đón đầu xu hướng tương lai”.

Ông Nguyễn Văn Thảo- Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Thới (xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn) thì cho rằng, sản xuất nông nghiệp cần đáp ứng 3 yếu tố: trách nhiệm, minh bạch và hội nhập.

Ông Thảo diễn giải: Trách nhiệm với sức khỏe của mình và người tiêu dùng; minh bạch trong quy trình sản xuất và chế biến để tăng niềm tin của khách hàng; hội nhập- tham gia vào cuộc chơi lớn, không còn là sản xuất thuần túy, phải nắm bắt xu thế thị trường, liên kết để cùng nhau phát triển. Đồng thời tận dụng tối đa công nghệ để liên lạc, trao đổi thông tin, cập nhật kiến thức…

Thực tế cho thấy, dù sản xuất trên những thửa ruộng cũ, mảnh vườn xưa nhưng nhiều nông dân đã đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, mạnh mẽ bước đi trên đường hội nhập trở thành những “nông dân thời đại mới”.

Tin rằng, lực lượng nông dân tiên tiến sẽ ngày càng đóng góp lớn vào sự phát triển của nền nông nghiệp theo lời nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu/ Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Hỗ trợ nông dân trở thành công nhân nông nghiệp

Khẳng định “Đảng, Nhà nước coi phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, những thành tựu to lớn của “đổi mới”, cơ đồ, vị thế, uy tín, tiềm lực của đất nước có được như ngày nay có sự đóng góp quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển đất nước.

Nhắc đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng cần tích cực tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi mạnh mẽ, thực chất, toàn diện về tư duy từ tự cung tự cấp sang sản xuất lớn, phù hợp với sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường; hỗ trợ người nông dân phải trở thành người công nhân nông nghiệp.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh