ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng có nhiều thuận lợi trong việc phát triển nông nghiệp (NN) công nghệ cao, nâng cao giá trị nông sản (NS). Thời gian qua, các sở, ngành liên quan đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ thực hiện cơ cấu lại NN theo hướng nâng cao giá trị, an toàn thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ...
ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng có nhiều thuận lợi trong việc phát triển nông nghiệp (NN) công nghệ cao, nâng cao giá trị nông sản (NS). Thời gian qua, các sở, ngành liên quan đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ thực hiện cơ cấu lại NN theo hướng nâng cao giá trị, an toàn thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ...
Từ đó, sản xuất NN của Vĩnh Long đang từng bước chuyển dịch theo hướng an toàn, hữu cơ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bất cập trong sản xuất NN hiện nay, như: sản xuất manh mún nhỏ lẻ rất khó thực hiện việc cơ giới NN, chất lượng sản phẩm NN thấp, rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại, việc liên kết sản xuất với tiêu thụ NS ở một số địa phương còn chậm, liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa còn hạn chế, kết nối liên vùng, kết nối thị trường còn rời rạc,… Do đó, đòi hỏi cần đặt ra nhiều giải pháp trong thời gian tới để khắc phục, từng bước nâng tầm giá trị NS ĐBSCL nói chung, Vĩnh Long nói riêng.
Kỳ 1: Những rào cản cố hữu
|
Vĩnh Long chưa có nhiều vùng nguyên liệu nông sản tập trung. |
Manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, liên kết chưa chặt chẽ… là những nhược điểm vốn đã tồn tại lâu dài trong sản xuất NN đồng bằng nói chung và của Vĩnh Long nói riêng. Thực tế cho thấy, tình hình sản xuất và tiêu thụ NS của Vĩnh Long vẫn còn rất nhiều khó khăn với những rào cản cố hữu.
Chưa có nền nông nghiệp hàng hóa
Theo Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về NN, nông dân và nông thôn, NN nước ta tiếp tục khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19. Từ đó, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thủy sản và một số NS khác. Trong đó, sản xuất cây ăn trái của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã tìm được hướng đi đúng đắn để phát triển bền vững và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Song, bà Cao Xuân Thu Vân cho rằng, NN Việt Nam vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu, vùng nguyên liệu chưa tập trung, quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng, yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.
|
Giá cả nông sản của một số cây trồng chủ lực biến động liên tục khiến nông dân chưa an tâm đầu tư. |
Riêng với ĐBSCL, ngoài những thách thức nêu trên còn phải đối mặt với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, chưa có nhiều doanh nghiệp thực sự tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xuất khẩu trái cây còn gặp nhiều khó khăn.
Theo PGS.TS Võ Thành Danh- Trường Kinh tế (ĐH Cần Thơ), ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng rất thuận lợi trong việc phát triển NN công nghệ cao, nâng cao giá trị NS. Tuy nhiên, thực tế NN ở Vĩnh Long có hàm lượng chất xám chưa nhiều.
“Nông dân là người trực tiếp sản xuất NN nhưng chuyên môn không cao, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có nền NN hàng hóa. Đồng thời, công nghiệp bảo quản, chế biến NS phát triển nhanh nhưng công nghệ chưa hiện đại, phần lớn xuất khẩu NS thô, NS giá trị gia tăng chưa nhiều, hệ thống logistics phát triển chưa kịp yêu cầu; thiếu những công ty lớn đặt bản doanh ở vùng...”- PGS.TS Võ Thành Danh đánh giá.
Chia sẻ về hạn chế trong sản xuất NN tỉnh nhà, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho rằng, do diện tích sản xuất NN thấp, nông dân sản xuất trong điều kiện nhỏ lẻ, manh mún, từ đó khó hình thành các chuỗi liên kết để tiêu thụ.
“Tuy diện tích và sản lượng cây ăn trái của tỉnh có tăng nhưng nhìn chung là chưa đồng bộ và còn phân bố nhỏ lẻ, ít có sự liên kết với nhau nên khó áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến, dịch bệnh thường xảy ra, nông dân đầu tư chưa hợp lý, chủ yếu là theo kinh nghiệm truyền thống nên năng suất và chất lượng không đạt, dẫn đến giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh với các loại trái cây ngoại nhập, kể cả thị trường trong nước”- ông Liêm cho hay.
Mãi loay hoay với những cái “khó”
Theo đánh giá của các chuyên gia, điểm yếu nhất của NS Việt Nam là chất lượng, chưa đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, hàng NS của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường thế giới do vướng phải hàng rào kỹ thuật thương mại và biện pháp vệ sinh dịch tễ. Ngay tại thị trường nội địa, nếu không chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, NS Việt Nam sẽ gặp khó tiêu thụ được trong nước, chứ đừng nói đến cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Ông Nguyễn Tấn Phương- Giám đốc HTX Cam sành Phương Thúy (Trà Ôn) cho biết, thời gian qua, vẫn còn không ít nông dân sản xuất chạy theo số lượng, chưa quan tâm đầu tư chất lượng NS, còn lạm dụng phân bón, thuốc BVTV,… khiến NS dư liều lượng thuốc hóa học, NS giảm lợi thế cạnh tranh.
Ngoài ra, vấn đề liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ NS giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân còn gặp nhiều khó khăn như: công tác dồn đổi, tích tụ đất NN hình thành cánh đồng lớn để sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động của các HTX, doanh nghiệp, đơn vị trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn thụ động; giá cả NS của một số cây trồng chủ lực biến động liên tục khiến nông dân- doanh nghiệp chưa an tâm đầu tư;…
Trong khi đó, cái khó nhất của HTX thời gian qua là cung- cầu chưa gặp nhau nên NS “bí” đầu ra. Ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ NN Tấn Đạt (Vũng Liêm) cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay của việc thực hiện liên kết trong sản xuất NN là thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, đa số người nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định.
“Do tập quán làm ăn riêng lẻ, mang tính tự phát của người dân nên việc sản xuất manh mún, sản lượng cung ứng trên thị trường thiếu đồng nhất, chất lượng không cao, chưa xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất NS chất lượng cao, khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực. NS từ ruộng tới chợ hoặc siêu thị hiện nay phải qua nhiều kênh trung gian, do đó người dân bị ép giá ở mức thấp nhất, lợi ích thuộc về thương lái. Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa chặt chẽ, các bên thường đơn phương phá vỡ hợp đồng mỗi khi có biến động giá trên thị trường”- ông Tài nhấn mạnh.
|
Nông dân cần thay đổi tư duy, tập quán sản xuất trong nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế. |
Theo ngành nông nghiệp, tại Vĩnh Long, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến NS. Đặc biệt là chưa có doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt nông dân địa phương làm ăn bài bản, liên kết bền vững. Hiện chỉ mới có một số doanh nghiệp quan tâm và bước đầu đầu tư vào quy trình sản xuất…
Theo các chuyên gia kinh tế, việc chạy theo thị trường, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm đã đầu tư sản xuất, thiếu sự liên kết thu mua ổn định khiến người nông dân gặp khó khăn. Vì vậy, việc sản xuất- tiêu thụ NS bấp bênh, làm thiệt hại cho nông dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế tại các địa phương…
Theo ông Nguyễn Đình Tùng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Chủ tịch Hội đồng quản trị Vina T&T Group), thời gian tới, tiềm năng xuất khẩu trái cây nhiệt đới Việt Nam đi các nước dự báo tăng trưởng trên 30%. Sản phẩm NN Việt Nam có lợi thế cạnh tranh là sản phẩm đặc trưng của khí hậu nhiệt đới. Các nước hiện có nhu cầu rất cao như Trung Quốc, Úc, New Zealand, Nga, Hong Kong, châu Âu, Mỹ,… sẽ tạo cơ hội cho NS Việt Nam.
|
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG- CÔNG NGÔN
>> Kỳ 2: Liên kết để “sống còn, phát triển”