Từ đầu năm đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã tăng cường các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội, cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh và tham gia thị trường xã hội.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã tăng cường các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội, cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh và tham gia thị trường xã hội. Tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ DN; các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh góp phần gia tăng sức cầu hàng hóa, dịch vụ… Đó là những yếu tố quan trọng giúp sản xuất, kinh doanh tiếp tục đà phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định. Điều đó đặt ra các thách thức mới, đòi hỏi DN phải tìm cách xoay trở để phát huy nội lực, khai thác tiềm lực sẵn có, đồng thời tận dụng tốt các cơ chế, chính sách của Nhà nước, nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài nhằm tạo đà tăng trưởng mới.
Kỳ 1: Bức tranh sản xuất chưa nhiều màu sáng
|
Sản xuất phụ tùng điện ô tô tại Công ty TNHH Kyungshin Việt Nam (KCN Hòa Phú). |
Đến nay, cộng đồng DN vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do biến động khó lường từ tình hình kinh tế cả trong nước và thế giới. Để giữ đà phục hồi và duy trì hoạt động, nhiều DN vẫn liệu cơm gắp mắm, “phòng thủ là chính”.
Sản xuất cầm chừng, “phòng thủ là chính”
Ông Nguyễn Văn Thành- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV, cho biết: Gần 2 năm sau đại dịch COVID-19, tình hình sản xuất của DN đối mặt nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Ông Nguyễn Văn Thành- Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long: Nghị quyết 41-NQ/TW tin vui cho cộng đồng DN
Nghị quyết 41-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 10/10/2023 là tin vui cho cộng đồng DN, doanh nhân. Qua đó, đánh giá vai trò của DN Việt Nam trong việc xây dựng đất nước là rất lớn, đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nhân, DN phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư.
Tôi cũng kiến nghị cần có chủ trương, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa giúp DN mở rộng quy mô, đầu tư phát triển. Trong đó, cần chú trọng đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp, nhất là khuyến khích giới trẻ mạnh dạn khởi nghiệp, nắm bắt công nghệ hiện đại. Thông qua các chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ là tiền đề giúp cho lực lượng DN đổi mới, sáng tạo phát huy cơ hội đầu tư vào các ngành nghề tiềm năng, nhất là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.
|
Trong năm 2023, “DN duy trì sản xuất cầm chừng nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động và đa phần “phòng thủ là chính””- ông Thành nói và cho biết sự thận trọng khiến DN “không đầu tư thêm công nghệ, máy móc” vì mức độ khó lường trên thị trường gạo thế giới tiếp tục gia tăng sau hàng loạt động thái trái chiều từ các nguồn xuất khẩu chính như: Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và cả Myanmar... Các nước đều có chính sách riêng để quản lý về xuất nhập khẩu ngành hàng “hạt ngọc trời”.
Tuy “phòng thủ” nhưng DN đã chuyển hướng “lấy thị trường nội địa nuôi thị trường xuất khẩu”. Một mặt “ăn chắc mặc bền, mua đến đâu ký hợp đồng đến đó” chứ không ký đơn hàng trước và tạm trữ lượng hàng tùy thời điểm để tránh rủi ro.
Mặt khác, ông Thành cho biết, khai thác tốt thị trường nội địa, vốn là thế mạnh của Phước Thành IV với các dòng lúa chất lượng cao như Đài Thơm 8, ST24, ST25 chất lượng cao, giữ được mùi thơm và hạt gạo rất đẹp. DN cũng đẩy mạnh hoàn thiện hệ sinh thái ngành gạo để tạo nên các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời mở rộng vùng nguyên liệu lúa- tôm vùng duyên hải, nghiên cứu phát triển mô hình lúa- cá, lúa- tôm càng xanh ở vùng sinh thái ngọt nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo cho nông dân có thu nhập cao cũng như giảm tác động đến môi trường.
Ông Nguyễn Thanh Sang- Phó Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, cho biết tình hình sản xuất, thu hút đầu tư tại các KCN trong tỉnh cũng “có phần chững lại”. Hiện KCN Hòa Phú và KCN Bình Minh tỷ lệ lấp đầy khoảng 95,5%.
“Thiếu đất sạch nên năm 2023 các KCN tỉnh không có thêm dự án mới. Đến tháng 10/2023, chúng ta chỉ thu hút 43 triệu USD vốn đầu tư, nếu điều kiện thuận lợi cả năm cũng chỉ đạt 50 triệu USD trở lại. So với năm 2022 là 160 triệu USD, thì thu hút vốn đầu tư đã giảm đáng kể”- ông Sang phân tích và cho biết nguyên nhân tình hình COVID-19 kéo dài, suy giảm kinh tế thế giới nói chung khiến đơn hàng cắt giảm mạnh.
Mặc dù một số ngành hàng có tăng trưởng như thực phẩm, điện, điện tử, ngành thức ăn chăn nuôi từng bước phục hồi nhưng cũng khó kéo được cán cân tăng trưởng do các ngành chiếm tỷ trọng lớn như may mặc, giày da… suy giảm mạnh.
Theo UBND tỉnh, tình hình sản xuất công nghiệp cho thấy những hạn chế, yếu kém nội tại của địa phương. Số liệu Cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng của năm 2023, sản xuất công nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình thế giới có nhiều bất ổn, suy thoái kinh tế thế giới tác động đến thương mại toàn cầu, biến động thị trường và lạm phát tăng cao ở một số nước châu Âu,… đã tác động làm giảm các đơn hàng từ phía đối tác nước ngoài, đặc biệt là ở các nước châu Âu, Nhật Bản.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh 9 tháng ước giảm 12,08% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 15,17%, quý II giảm 14,42% và quý III giảm 6,62%).
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Vĩnh Long, IIP giai đoạn 2021-2023: Năm 2021, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 nên ghi nhận sự sụt giảm của IIP (giảm 6,73% so với năm 2020); năm 2022, ngành công nghiệp tỉnh đã có sự phục hồi mạnh mẽ, IIP tăng 24,92% so với năm 2021; năm 2023, với diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới, kinh tế thế giới đối mặt lạm phát, nguy cơ suy giảm tăng trưởng đã tác động đến hoạt động sản xuất công nghiệp cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng, IIP năm 2023 ước chỉ tăng 2,11% so với năm 2022.
|
Tận dụng, khai thác tiềm lực sẵn có
Theo Cục Thống kê, đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 317 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 2.563 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,28% về số DN nhưng giảm 7,48% về số vốn đăng ký. Số vốn bình quân 1 DN đăng ký thành lập mới đạt 8,1 tỷ đồng/DN, giảm 8,65%.
Tuy có 73 DN phục hồi sản xuất kinh doanh, quay trở lại hoạt động, nhưng có 141 DN gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường, sản xuất kinh doanh không hiệu quả nên buộc phải tạm ngừng hoạt động; có 58 DN chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn tất thủ tục giải thể. Nhiều DN cho hay, từ năm 2022, tình hình nguồn cung ứng nguyên phụ liệu bị gián đoạn khiến DN dè dặt không mở rộng sản xuất. Cộng thêm áp lực chi phí tăng cao, DN đã phải rất đau đầu tìm cách giải quyết.
Ông Cao Minh Quốc- Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thảo, cho biết: Bên cạnh những khó khăn về chi phí đầu vào tăng thì vấn đề không đủ nguồn nguyên liệu cũng đã khiến công ty cắt giảm bớt gần 30% lượng lao động. Đối với DN chuyên xuất khẩu nông sản, còn có những thách thức như biến đổi khí hậu tác động đến nguyên liệu nông sản, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, các chính sách thương mại và cạnh tranh từ các nước khác.
Trong cái khó ló cái khôn, tận dụng nguồn nông sản sẵn có tại địa phương, Công ty Quốc Thảo đã đầu tư dây chuyền sản xuất trực tiếp, nghiên cứu và đóng lon các mặt hàng nông sản như nấm rơm, khóm, ổi, đu đủ, xoài, chanh dây,…
Hiện DN đã xây dựng vùng nguyên liệu riêng, như vùng nguyên liệu trồng khóm, xoài, đu đủ, ổi tại huyện Trà Ôn, huyện Bình Tân và một số địa phương ở các tỉnh ĐBSCL. Định hướng mở rộng vùng nguyên liệu thêm 60ha, công ty đặt mục tiêu kiểm soát và đảm bảo chất lượng đầu vào, đồng thời dần tự chủ nguồn cung nguyên liệu.
|
Công ty Quốc Thảo đầu tư dây chuyền sản xuất trực tiếp, tận dụng nguồn nông sản sẵn có tại địa phương. |
Trong bối cảnh khó khăn chung, theo các DN, việc khó tiếp cận nguồn vốn vay cũng là một trở ngại. Ông Cao Minh Quốc cho biết, các DN hiện đang rất cần vốn lưu động. Tuy nhiên, hiện lãi suất cho vay vẫn cao, thậm chí DN rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Do vậy, cần tạo điều kiện cho vay linh hoạt hơn.
Nhiều DN mong muốn các điều kiện cho vay cởi mở hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp. Thay vì bất động sản, ngân hàng có thể chấp nhận thế chấp bằng nguyên, vật liệu, hoặc các hợp đồng kinh tế để hỗ trợ DN có vốn sản xuất kinh doanh.
Với vai trò Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng: “Nhiều DN có nhu cầu vốn nhưng tài sản thế chấp không đảm bảo, quy trình ngân hàng thẩm định rất chặt chẽ nên hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của DN. Theo tôi, cần có những gói tín dụng ưu đãi, phù hợp, nhất là đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, DN mới thành lập, DN khởi nghiệp”.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng KCN Đông Bình, KCN Gilimex Vĩnh Long, KCN An Định. Đến nay, tỉnh có 5 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, tổng diện tích trên 1.335ha, trong đó: KCN Hòa Phú (giai đoạn 1 và 2) và KCN Bình Minh đã cơ bản lấp đầy DN (95,5%); Tuyến công nghiệp Cổ Chiên (khu IV, khu V) san lấp mặt bằng đạt 86%, đã tái bố trí 27 cơ sở sản xuất và thu hút 5 dự án đầu tư. Các khu, tuyến công nghiệp đã thu hút 69 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư trên 2.400 tỷ đồng và 630 triệu USD đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho nhiều lao động của tỉnh.
Tuy nhiên, các nguồn lực về tài chính, đất đai để thực hiện phát triển khu, cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp; tiến độ triển khai các cụm công nghiệp chậm, đến nay chỉ có 1 cụm công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động.
|
Bài, ảnh: T.PHƯỚC- T.LY- T.TIÊN
>> Kỳ sau: Nắm bắt cơ hội từ các chính sách “trợ lực”