Trước thực trạng cây xoài và cây có múi tại Hậu Giang nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang bước vào giai đoạn suy thoái, việc nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh phòng ngừa một số bệnh phổ biến trên các loại cây này là điều rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Trước thực trạng cây xoài và cây có múi tại Hậu Giang nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang bước vào giai đoạn suy thoái, việc nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh phòng ngừa một số bệnh phổ biến trên các loại cây này là điều rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Các chế phẩm của đề tài sẽ giúp phòng trị hiệu quả bệnh thán thư trên cây xoài tại tỉnh. |
Góp phần phòng trừ bệnh hại
Thống kê đến hết tháng 6-2023, nước ta có khoảng 1,22 triệu ha đất trồng cây ăn trái, với sản lượng hàng năm hơn 13,5 triệu tấn.
Trong đó, vùng Đông Nam bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long là những vựa trái cây lớn nhất của cả nước. Thời gian qua, diện tích đất trồng cây ăn trái trên cả nước đang từng bước tăng lên.
Việc trồng cây ăn trái đã tạo ra việc làm và trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều người dân nông thôn. Đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, những năm qua, việc trồng cây ăn trái, đặc biệt là một số loại cây đặc trưng, chủ lực của các địa phương, đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Sự phát sinh và gia tăng của các loài sâu bệnh hại đã khiến nhiều vùng trồng cây ăn trái truyền thống bước vào giai đoạn suy thoái.
Tại Hậu Giang, có thể kể đến hiện tượng vàng lá, thối rễ gây hại cho cây có múi như cam, quýt, bưởi và bệnh thán thư trên cây xoài. Nhiều đặc sản của tỉnh như bưởi Năm Roi Phú Hữu, quýt đường Long Trị, xoài cát Hòa Lộc Bảy Ngàn, đã bị suy thoái và có nguy cơ mai một bởi các loại bệnh hại ấy.
Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đặt ra và áp dụng. Trong đó, việc sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng được xem là một cách làm phù hợp và hiệu quả.
Với nhu cầu cấp thiết của tỉnh nói riêng và cả vùng nói chung, từ tháng 3-2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt triển khai đề tài “Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng một số chế phẩm vi sinh để phòng trừ bệnh vàng lá, thối rễ trên cây có múi và bệnh thán thư trên cây xoài tại Hậu Giang và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”.
Đề tài là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thiết địa phương sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia, do TS. Phạm Thị Lý Thu làm chủ nhiệm, Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) là cơ quan chủ trì, với tổng kinh phí hơn 5,5 tỉ đồng.
Sản xuất, ứng dụng hiệu quả
Qua nghiên cứu, đề tài đã định danh được các tác nhân chính gây bệnh vàng lá, thối rễ trên cây có múi, bệnh thán thư trên cây xoài ở tỉnh Hậu Giang và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thu thập, đánh giá và xác định các chủng nấm Trichoderma, Chaetomium đối kháng tác nhân gây bệnh.
Từ đó, xây dựng quy trình sản xuất, sử dụng chế phẩm ATC1 phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi và chế phẩm ATX1 phòng trừ bệnh thán thư trên cây xoài.
Các chế phẩm này đều đã được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đánh giá và xác định thành phần không thuộc nhóm tác nhân gây độc tính.
Tại Hậu Giang, đề tài đã xây dựng 3 mô hình ứng dụng chế phẩm ATC1 trên cây cam sành, cam xoàn, bưởi da xanh tại huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp; 1 mô hình ứng dụng chế phẩm ATX1 tại huyện Châu Thành A.
Qua ứng dụng, các mô hình đều cho thấy hiệu lực phòng trừ bệnh khoảng 78-79%, hiệu quả kinh tế tăng từ 15-18% so với đối chứng.
Ngoài ra, đề tài còn tổ chức 8 buổi hội thảo khoa học và tập huấn kỹ thuật cho người dân tại 2 tỉnh Hậu Giang và Đồng Tháp.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, nhận xét: “Theo báo cáo, kết quả thực hiện bước đầu của đề tài đã mang lại hiệu quả. Thời gian tới, việc ứng dụng sản phẩm này như thế nào và đầu mối lưu hành sản phẩm ra sao?
Cần thực hiện các bước gì tiếp theo để các sản phẩm này được công nhận và lưu hành trên thị trường, để người dân có thể sử dụng rộng rãi?”. Đó cũng là vấn đề đặt ra của các chế phẩm vi sinh này trong giai đoạn tới.
Theo PGS. TS. Lê Thanh Phong, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ): “Đề tài đã tạo ra sản phẩm tốt qua các thử nghiệm, đạt yêu cầu theo đúng cam kết thực hiện.
Tuy nhiên, để biến sản phẩm của đề tài thành sản phẩm hàng hóa, cần phải chú ý đến việc thương mại hóa trong thời gian tới. Doanh nghiệp sẽ là nơi được chuyển giao, tiếp thu và sản xuất với quy mô lớn”.
Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện đề tài để nghiệm thu ở cấp bộ, ban chủ nhiệm cũng cần chú ý bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và tìm hướng thương mại hóa sản phẩm.
Việc đưa những sản phẩm này ra thị trường cần được quan tâm thực hiện sớm, để người nông dân có thể nhanh chóng tiếp cận và sử dụng hiệu quả, góp phần trợ lực cho các vùng trồng cây ăn trái tại tỉnh nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Theo Đang Thư (Báo Hậu Giang)