Kỳ 3: Linh hoạt sản xuất, chủ động thị trường

07:10, 31/10/2023

Không chạy theo phong trào, cũng không phó mặc cho những rủi may, nhiều nông dân ngày nay chủ động nghiên cứu thị trường; học hỏi nâng cao tay nghề; bắt nhịp, đón đầu xu hướng làm nông mới và chú trọng sản xuất sản phẩm chất lượng… 

Trong sản xuất, người nông dân đã sẵn sàng “chọn khó” để chủ động đầu ra, giá bán.
Trong sản xuất, người nông dân đã sẵn sàng “chọn khó” để chủ động đầu ra, giá bán.
 
 
Không chạy theo phong trào, cũng không phó mặc cho những rủi may, nhiều nông dân ngày nay chủ động nghiên cứu thị trường; học hỏi nâng cao tay nghề; bắt nhịp, đón đầu xu hướng làm nông mới và chú trọng sản xuất sản phẩm chất lượng…
 
Đó là cách để các nhà nông khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá” hay “được giá mất mùa”, giúp chủ động thị trường và nâng giá bán. Thực tế cho thấy, việc làm của các nông hộ này đã và đang phát huy hiệu quả.
 
Linh hoạt xoay chuyển sản xuất
 
Ở thủ phủ khoai lang miền Tây và có 12 năm gắn bó với cây khoai lang, nhưng từ năm 2018, nông dân Đặng Hoàng Minh (xã Tân Bình, huyện Bình Tân) chuyển sang “trồng rau màu theo nhu cầu thị trường”.
 
Hướng mắt ra ruộng màu xanh tốt, ông Minh chậm rãi nói: “Tất cả đều qua tìm hiểu, nhắm chắc 60-70% hiệu quả mới trồng”. Khi chúng tôi hỏi “ông nhắm bằng cách nào?” thì ông cho biết: “Giờ muốn tìm hiểu về cây, con giống, chỉ cần lên mạng “gõ” là có rất nhiều. Báo, đài cũng cập nhật hàng ngày. Đồng thời, hỏi thăm người quen và thương lái. Từ các nguồn đó, tôi thường để ý xem huyện nhà, tỉnh mình và các tỉnh khác xuống giống cây màu gì nhiều để… né. Đồng thời, canh thời điểm phù hợp để đầu tư trồng cho đạt và bán được giá”.
 
Với “hơn chục năm cuốc khoai”, ông Minh cho hay, lúc ông trồng, khoai lang đang lên ngôi: Nước ngập tháng 10 âl thì cuốc dây, bán hom giống cho bà con đã đủ lấy lại chi phí đầu tư, củ thì thời điểm đó giá cao (800.000-1.000.000 đ/tạ).
 
Từ việc đê bao khép kín, bà con quanh vùng thấy trồng khoai hiệu quả thành ra cuốc khoai quanh năm, dẫn đến có thời điểm dội hàng, rớt giá. Do vậy, ông tạm ngưng trồng khoai và “nghe ngóng tình hình, nhắm vụ nào ổn thì cuốc lại- tức là theo thị trường chớ không như lúc trước theo hoài một giống”- ông Minh diễn giải. Cùng với linh hoạt chọn giống cây con, ông mạnh dạn đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới phun, chú trọng cập nhật kiến thức mới, hướng đến công nghệ cao. 
 
Nhiều năm là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi xuất sắc tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long, ông Minh cho rằng, nông dân phải thay đổi tư duy, nắm rõ diễn biến và nhu cầu thị trường, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
 
Tiếp nối nghề của ông cha, với suy nghĩ “phải làm sao cho tiền đẻ ra tiền từ nghề nông”, bà Thạch Thị Li Na (xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn) quyết định bán vàng cưới để sắm máy thổi (máy suốt nhỏ). Vừa làm ruộng nhà, vừa đi suốt lúa đồng này sang đồng khác, tích lũy được tiền là vợ chồng bà Na mua thêm ruộng đất, máy xới, máy cày... Qua đó, giúp “hái ra tiền” và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. 
 
Càng làm hiệu quả, gia đình bà Na càng đồng lòng gắn bó với nghề nông. “Tới vụ thì chồng đi xới, đi cày; vợ ở nhà chăm lo ruộng rẫy, chăn nuôi, bán tạp hóa”- bà Na nói. Linh hoạt sản xuất, những năm trước, bà chuyển qua trồng sen trên 10 công đất ruộng, kiếm được mấy trăm triệu đồng/vụ.
 
Bên cạnh, bà còn trồng màu, cho lợi nhuận rất cao, khoảng 50-70 triệu đồng/vụ, làm 4 vụ/năm. Còn việc chăn nuôi tuy nhỏ lẻ cũng giúp tăng thu nhập đáng kể: “Tận dụng dưa leo vụn sau thu hoạch tui nuôi vịt, nuôi bò… Nhờ vậy, trang trải chi tiêu trong nhà và còn bỏ túi để dành”- bà Na vui vẻ. 
 
Từ 3 công ruộng cha mẹ cho, đến nay vợ chồng bà Na đã có trong tay 20 công đất. Mô hình kinh tế tổng hợp đem đến cho gia đình lợi nhuận 1,3 tỷ đồng/năm.
 
Là 1 trong 5 nông dân tiêu biểu của tỉnh được tuyên dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2017-2022, bà Na đúc kết: “Cần linh hoạt trong sản xuất để tăng thu nhập. Trước khi quyết định nuôi, trồng hay sắm sửa gì thì tính toán để đạt hiệu quả cao. Theo đó, cần tìm hiểu kỹ thuật, nghiên cứu thị trường; khi bắt tay làm thì không ngại khó khăn vất vả. Khi có tích lũy thì nên nghĩ tới sắm máy móc, tậu ruộng, mua trâu bò… trước để tiền đẻ ra tiền”. 
 
Hiện bà Na tham gia công tác hội phụ nữ, là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, khuyến học, y tế, dân số… Bà được người dân tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021-2026. Vừa làm kinh tế, vừa lo việc nước, việc nhà rất tất bật nhưng bà Na bộc bạch: “Giúp được cho địa phương thì rất sẵn lòng”. 
 
“Chọn khó” để chủ động đầu ra, giá bán
 
Bên những luống hành xanh mướt mắt, ông Nguyễn Văn Dũng (xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Hồi xưa vùng này trồng lúa, nhưng thất lắm nên tôi chuyển qua trồng màu”. 
 
Là hộ trồng dưa hấu đầu tiên của xã, ông Dũng cho biết: “Lúc mới trồng, nhiều người cười tui làm… bá láp vì ở đây ruộng nước nhiều trồng màu không hợp”. Song, ông vẫn mạnh dạn trồng dưa vụ nghịch, nhớ lại thời điểm đó “cứ mưa xuống là giựt máy bơm nước ầm ầm, vậy mà thu hoạch mỗi trái 3-4kg nên mê luôn từ đó…”- ông Dũng cười tươi. 
 
Nông dân ngày nay đã tự thay đổi chính mình, hướng tới xâydựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp

Nông dân ngày nay đã tự thay đổi chính mình, hướng tới xâydựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp

 Hiện, ông Dũng luân phiên trồng màu 2-3 năm thì trồng 1 vụ lúa Đông Xuân và dù trồng màu hay trồng lúa đều cho năng suất, giá cao. “Có những vụ trồng 2 luống hành (chưa tới nửa công) mà thu hoạch cả tấn, giá bán 25.000-28.000 đ/kg; có vụ trồng một bờ rau muống nhổ được mấy trăm ký, giá tới 12.000 đ/kg... nên hiệu quả hơn rất nhiều so với làm lúa”- ông Dũng vui vẻ nói.

 
Theo ông Dũng, năng suất, đầu ra và giá cao đều nằm trong tính toán. Bởi lẽ, ông thường đi vụ nghịch và “chọn khó để làm”. Chẳng hạn, nhiều người trồng hành sợ mưa sẽ bị thán thư, đốm lá, thúi bụi… nhưng ông thì “thấy mưa còn mừng thầm vì giá bán sẽ cao”. 
 
Ông Dũng cho biết, ông thường theo dõi dự báo thời tiết, nếu sắp có áp thấp nhiệt đới là khống chế, ngăn ngừa liền, không đợi đến khi mưa dầm không xử lý được. Đặc biệt, nhờ tìm hiểu, học hỏi nên biết phối hoạt chất để nâng hiệu quả sử dụng thuốc. 
 
“Để trồng màu đạt thì cần luân canh cho đất đổi bộ rễ; vững kỹ thuật; nắm bắt thông tin giá cả thị trường, mùa vụ để gieo trồng đúng thời điểm thị trường cần”- ông Dũng nói. Với kinh nghiệm gần 30 năm trồng màu “chỉ 2 vụ bán giá rẻ do dự đoán sai”, ông Dũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để nông dân cùng làm ăn hiệu quả.
 
Cũng “chọn khó để làm”, ông Nguyễn Văn Bính (xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Tôi trồng hành vào mùa mưa; trồng dưa leo vào tháng Giêng và tháng 2, tháng 3… Nghĩa là chọn những thời điểm khó trồng để bán giá cao và khả năng trúng giá 70-80%”. 
 
Là người luôn quan tâm cập nhật thông tin hàng ngày, ông Bính cho hay: “Thời sự là chế độ bắt buộc. Tọa đàm, diễn đàn, nhịp cầu nhà nông thì đài nào có tôi cũng đón xem”. Theo ông Bính, nông dân không thể “cứ nhắm mắt đi tới” mà phải nắm thông tin hàng ngày, hiểu đặc tính từng loại cây trồng, rõ các loại dịch hại chủ yếu vào tháng nào, mùa nào để chủ động phòng ngừa, tránh bệnh mới trị, ảnh hưởng năng suất.
 
Bên cạnh, cần theo dõi, am hiểu để sử dụng phân thuốc hiệu quả vì “cùng một loại thuốc nhưng vụ trước thì hiệu quả, vụ sau có thể đổi mới phù hợp, nghĩa là đã nghiên cứu trước khi sử dụng rồi nhưng đưa vào thực tế phải nghiên cứu tiếp”- ông Bính cho hay. 
 
Nhiều nông dân ngày nay chủ động nghiên cứu thị trường và học hỏi nâng cao tay nghề.
Nhiều nông dân ngày nay chủ động nghiên cứu thị trường và học hỏi nâng cao tay nghề.
Hiện ông Bính không chỉ nhớ tên, mà còn nhớ cả hoạt chất của thuốc. “Nhiều loại thuốc có tên thương mại khác nhau nhưng hoạt chất lại giống, nếu không biết để phối thì có thể gây phí thuốc, hại cây”- ông Bính diễn giải. 
 
Với 4 công màu, nhờ làm nông chủ động đã giúp ông Bính thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Theo ông Bính: “Nông dân đất ít cũng có thể làm giàu. Mê nghề, ham học hỏi, dám chọn khó để làm… thì làm nông hiệu quả”.
Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Cần cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đẩy mạnh, khuyến khích khởi nghiệp trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN

>> Kỳ 4: Nâng chất lượng, hướng đến mục tiêu giá trị

 
 
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh