Xu hướng trang trí nội thất có nhiều thay đổi khi nhu cầu xây dựng tổ ấm được chú trọng, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm nội thất chất lượng, nhiều công năng.
Dù khó khăn nhưng nhiều chủ cửa hàng đồ gỗ vẫn tiếp tục duy trì sản xuất. |
(VLO) Xu hướng trang trí nội thất có nhiều thay đổi khi nhu cầu xây dựng tổ ấm được chú trọng, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm nội thất chất lượng, nhiều công năng.
Trong đó, đồ gỗ nội thất, thủ công mỹ nghệ vẫn tìm được chỗ đứng riêng, doanh nghiệp địa phương đã có những thay đổi về công nghệ sản xuất, cập nhật xu hướng thị trường để đa dạng hóa sản phẩm.
Người tiêu dùng vẫn ưa chuộng
Trên thị trường hiện nay, đồ gỗ nội thất, thủ công mỹ nghệ thường được làm từ các loại gỗ như gỗ hương, gỗ sồi, gỗ mun và nhiều loại gỗ quý khác, chúng được chế tác thủ công bởi những người thợ lành nghề và có tâm huyết.
Mỗi loại gỗ đều mang một màu sắc, vân gỗ, đặc tính riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú cho các sản phẩm.
Nhìn chung, sản phẩm mộc mỹ nghệ hay chạm khắc gỗ thường có mẫu mã truyền thống như lục bình, tranh tứ linh, tranh tứ quý, tủ thờ, hoành phi, câu đối; đồ nội thất như bàn, ghế, tủ và các vật dụng gia đình khác.
Mỗi sản phẩm đều mang một vẻ đẹp riêng, độc đáo và đậm chất nghệ thuật, không chỉ làm đẹp cho không gian sống mà còn thể hiện gu thẩm mỹ của chủ sở hữu.
Nhờ sự tiến bộ về kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp có sự đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thay đổi công nghệ sản xuất, ứng dụng phần mềm hiện đại để thiết kế mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, nâng cao tiêu chuẩn thẩm mỹ.
Thay vì sử dụng các dụng cụ bằng tay như trước, nhiều cơ sở sản xuất đã đầu tư, sử dụng máy cắt, máy đục, máy tiện CNC… để gia tăng sản lượng, tiết kiệm sức lao động, đa dạng kiểu dáng.
Bên cạnh đó, để thu hút người tiêu dùng, không ít doanh nghiệp, cơ sở đã tạo điểm khác biệt, lợi thế riêng như về giá cả, mẫu mã…
Ông Tăng Hồng Minh- chủ cửa hàng và Cơ sở Sản xuất trang trí nội thất Minh Thắm (xã Phú Lộc, huyện Tam Bình) sử dụng những loại “cây vườn” như gỗ bàng, còng, tra, tràm bông vàng… để làm nguyên liệu sản xuất, tạo ra những sản phẩm nội thất thủ công mỹ nghệ có giá thành bình dân, phù hợp với nhiều phân khúc thị trường.
“Khi thị trường ngành nội thất bằng gỗ bão hòa, tôi chuyển sang sử dụng nguồn gỗ có sẵn ở địa phương, nguyên liệu vừa dễ tìm, vừa có thể tạo ra sản phẩm với chi phí thấp, phù hợp với nhu cầu sử dụng của đa số bà con trong vùng. Nhờ vậy mà sản phẩm làm ra vẫn đi hàng đều đều.
Thị trường tiêu thụ có cả trong và ngoài tỉnh. Chỉ cần khách hàng đặt mẫu mã, chất liệu thì ở đâu cũng giao”- ông Minh nói.
Nhiều chủ cửa hàng đồ gỗ thủ công mỹ nghệ chia sẻ, một khoảng thời gian đồ gỗ chịu sự cạnh tranh từ các sản phẩm gỗ công nghiệp, giả gỗ… nên thị trường gần như bão hòa.
Nhưng nếu so sánh giữa nhu cầu sử dụng đồ nội thất bằng gỗ với những sản phẩm nội thất khác thì người tiêu dùng vẫn ưu tiên chọn đồ gỗ, vì tuy có chi phí cao hơn nhưng đồ gỗ lại thắng ở điểm chất lượng, bền lâu.
Cần định vị, nâng cấp thương hiệu
Trên thực tế, thị trường đồ gỗ thủ công mỹ nghệ vẫn có những tiềm năng phát triển nhất định. Sự kết hợp giữa nghệ thuật và sự tỉ mỉ trong sản xuất đã tạo nên những sản phẩm vừa có giá trị vừa mang nét độc đáo.
Tuy nhiên, ngành nghề thủ công mỹ nghệ đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tồn tại và hạn chế, như: mẫu mã đơn điệu, công nghệ còn lạc hậu, thiếu vốn, thị trường bấp bênh, nguồn nguyên liệu không ổn định, lực lượng lao động trẻ tìm nghề có thu nhập cao hơn nên cơ sở rơi vào sản xuất cầm chừng.
Nhiều cơ sở kinh doanh sản xuất đồ gỗ chia sẻ, từ sau dịch COVID-19 thì thị trường đồ gỗ thủ công mỹ nghệ cũng gặp những khó khăn nhất định, doanh nghiệp loay hoay trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, được người tiêu dùng đón nhận. |
Ông Tăng Hồng Minh chia sẻ: “Từ năm 2019, do tình hình dịch bệnh, kinh tế khó khăn nên sức mua trong ngành gỗ đã chững lại, doanh thu cũng chỉ khởi sắc vào dịp Tết.
Không ít cơ sở chuyên sản xuất đồ gỗ ở các vùng lân cận đã suy giảm sản xuất, gặp khó trong việc kinh doanh và nhiều vấn đề khác như thuê mướn nhân công, chi phí mặt bằng, cạnh tranh gay gắt với các dòng sản phẩm từ chất liệu khác nên cũng đã nghỉ nhiều hoặc hoạt động cầm chừng”.
Để duy trì và phát triển ngành hàng thủ công mỹ nghệ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần định vị lại vị trí thương hiệu của mình trên thị trường.
Cần xác định điểm mạnh, điểm yếu, những gì đã làm tốt và cần thay đổi, nâng cấp những gì để phù hợp với thị trường hiện tại và tương lai.
Các cơ sở cần đẩy mạnh hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu, tiếp thị sản phẩm. Đặc biệt, trong xu thế các công nghệ bùng nổ, cần tận dụng tốt lợi thế của các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm và thương hiệu.
Song song đó, cần đổi mới sáng tạo, tiếp nhận những công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ; đẩy mạnh ứng dụng các máy móc, công nghệ, thiết bị hiện đại trong cải tiến mẫu mã, bao bì, thiết kế và chất lượng của sản phẩm.
Điều này sẽ giúp cho thương hiệu sản phẩm, của doanh nghiệp luôn tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng.
Bài, ảnh: TRÀ MY- THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin