Tăng hiệu quả đối thoại, "tiếp sức" doanh nghiệp

Cập nhật, 06:07, Thứ Sáu, 11/08/2023 (GMT+7)
6 tháng đầu năm 2023, thương mại, dịch vụ của tỉnh tăng trưởng khá.
6 tháng đầu năm 2023, thương mại, dịch vụ của tỉnh tăng trưởng khá.

(VLO) Tại buổi đối thoại giữa UBND tỉnh với các doanh nghiệp (DN), HTX, hộ kinh doanh, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến quyền sử dụng đất, đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, lắp đặt hệ thống điện, lương tối thiểu vùng… đã được giải đáp.

Sản xuất- kinh doanh gặp khó

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 đạt 18.934 tỷ đồng, tăng 1,5% so cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá ổn định. Thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển và tăng trưởng khá so cùng kỳ.

Toàn tỉnh phát triển mới 216 DN đạt 50,4% kế hoạch năm, thành lập mới 8 HTX. Các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi kinh tế được kịp thời triển khai thực hiện, như: thành lập 2 tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư; thực hiện hỗ trợ lãi suất, miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, kết nối thị trường lao động; triển khai đề án cho vay phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội...

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp khó khăn, nhất là sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Giải ngân kế hoạch đầu tư công còn chậm. Tăng trưởng tín dụng thấp, tỷ lệ nợ xấu tăng cao.

Ông Nguyễn Đắc Anh Thái- Trưởng Phòng Tổng vụ Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long (KCN Bình Minh) cho biết, công ty có 100% vốn Nhật Bản, hoạt động từ tháng 7/2021 với 400 công nhân. Đến tháng 6/2023, có 3.600 công nhân.

Tăng cường hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất- kinh doanh.
Tăng cường hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất- kinh doanh.

Dự kiến đến tháng 12/2023, số công nhân tiếp tục tăng mạnh. Khó khăn của DN hiện nay là tổng diện tích xây dựng nhà máy khoảng 10ha. Trong đó, có 2 hợp đồng với công ty địa ốc, mỗi hợp đồng là 5ha. Hợp đồng thứ nhất đã nhận được quyền sử dụng đất rồi.

Tuy nhiên đối với hợp đồng thứ 2, theo hợp đồng thì từ 31/12/2020 phải giao quyền sử dụng đất nhưng đến nay, công ty địa ốc vẫn chưa giao quyền sử dụng đất.

Do đó, công ty gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện giấy phép đầu tư, giấy phép môi trường… Vấn đề này được Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh hỗ trợ rất nhiều; tổ chức nhiều cuộc họp đôn đốc.

“Kiến nghị UBND tỉnh có chỉ đạo để hỗ trợ công ty có sổ đỏ trước 30/9/2023”. Bên cạnh, ông Thái cũng kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các tuyến giao thông trong KCN Bình Minh để tạo thuận lợi cho công nhân đi lại.

Đồng thời, ông cũng thông tin, hiện công ty đã xây dựng nhà máy 2 bắt đầu hoạt động vào tháng 4/2023, dự kiến lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Khi xin phép, mong Sở Công Thương duyệt dự án để đấu nối vào dự án phát triển của công ty.

Đại diện Công ty TNHH Giày Ching Luh Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long chia sẻ, hiện các nhu yếu phẩm như lương thực thực phẩm, xăng dầu ngày càng tăng ảnh hưởng đời sống của người lao động.

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế nhiều khó khăn nên DN rất lo việc tăng mức lương vùng, mong lãnh đạo tỉnh có phương án giúp đỡ người lao động cũng như DN.

Bên cạnh các ý kiến trên, một số DN, chủ cơ sở sản xuất- kinh doanh khác cũng chia sẻ các khó khăn, kiến nghị giải quyết vướng mắc trong việc giao đất để di dời cơ sở, giá dịch vụ thu gom vận chuyển rác thải… Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan đã ghi nhận, phản hồi và giải đáp các ý kiến.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả đối thoại

Ông Lương Trọng Nghĩa- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, thời gian qua, các sở ngành, địa phương đã chủ động tổ chức đối thoại DN bằng nhiều hình thức: trực tiếp, trực tuyến, nhận phản ánh bằng văn bản, kiến nghị qua Zalo, trang thông tin của đơn vị. Ngay sau các cuộc đối thoại, đã triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

Trong đó, 6 tháng đầu năm 2023, Sở Công Thương đã tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hồ sơ về điện mặt trời mái nhà, trả lời và hướng dẫn cụ thể cho DN.

Qua đối thoại, UBND huyện Trà Ôn ngoài đề nghị xem xét một số nội dung liên quan đến tiếp cận, kéo giãn vốn vay còn đề nghị xem xét hỗ trợ giảm, miễn thuế do ảnh hưởng dịch COVID-19; chính sách hỗ trợ các HTX về kết cấu hạ tầng, thiết bị sản xuất, xúc tiến thương mại và hỗ trợ đào tạo đưa cán bộ trẻ về làm việc tại HTX.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trình bày các khó khăn, vướng mắc… tại buổi đối thoại.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trình bày các khó khăn, vướng mắc… tại buổi đối thoại.

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh, đối thoại là hoạt động thường xuyên để nắm bắt khó khăn vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng cũng như những đề xuất kiến nghị của DN, hộ kinh doanh, HTX…

Đặc biệt, để lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành và chính quyền các cấp nhìn nhận các vấn đề thực tiễn đặt ra, những “điểm nghẽn” để tháo gỡ và giải quyết kịp thời, nâng cao hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các sở, ban ngành, lãnh đạo chính quyền địa phương khẩn trương rà soát, phối hợp để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để DN vượt qua khó khăn, mở rộng sản xuất- kinh doanh.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu tham mưu với các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là UBND tỉnh về những cơ chế chính sách, những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính; quan tâm hơn đến các kênh thông qua Hội Doanh nhân trẻ, HTX, các hiệp hội ngành nghề… để kịp thời hướng dẫn, chia sẻ, tư vấn cho DN những chính sách, định hướng phát triển của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn các DN tiếp tục đồng hành, có những đóng góp ý tưởng, giải pháp trong xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- TẤN ANH