Siết chặt quản lý kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

01:07, 14/07/2023

Thời gian qua, hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), đã trở thành một kênh mua sắm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đặc biệt là hình thức livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội. Song, không ít đối tượng đã lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả.

Ngành chức năng phát hiện nhiều hàng hóa vi phạm do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Ngành chức năng phát hiện nhiều hàng hóa vi phạm do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

(VLO) Thời gian qua, hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), đã trở thành một kênh mua sắm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đặc biệt là hình thức livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội. Song, không ít đối tượng đã lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả.

Nhiều bất cập

Theo ngành chức năng, hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận với TMĐT thông qua việc thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến.

Song, cũng có rất nhiều đối tượng đã lợi dụng TMĐT để rao bán, quảng cáo, khuyến mại nhiều hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,... đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,... công khai, tràn lan trên các website TMĐT và trên các mạng xã hội.

Chỉ cần mở điện thoại vào ứng dụng mạng xã hội là có thể dễ dàng xem một livestream bán hàng trên Facebook hay TikTok với những lời quảng cáo “có cánh”: “hàng chính hãng, xả kho, giảm giá sốc duy nhất chỉ có trong livestream”.

Người xem chỉ cần để lại số điện thoại ngay dưới phần bình luận, hoặc inbox, sẽ được nhân viên tư vấn nhiệt tình, chốt đơn và hàng sẽ giao tận nhà chỉ sau vài ngày.

Chính cách mua hàng nhanh gọn lẹ, “mát tai”, chốt hàng bằng mắt này đã khiến người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng, mà bỏ qua chất lượng sản phẩm ảo hay thật, hàng thật hay giả.

Theo ngành chức năng, các hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc ngày một phức tạp, tinh vi, diễn ra trực tiếp và thường xuyên hơn trên môi trường trực tuyến.

Thời gian qua ngành chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm về lĩnh vực TMĐT. Điển hình như, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện nhiều điểm bán hàng qua mạng xã hội Facebook, kinh doanh các loại mặt hàng như giày dép, quần áo, mỹ phẩm,… số lượng hàng hóa phát hiện vi phạm hầu hết do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, một số sản phẩm không thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo ngành chức năng, thách thức hiện nay trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng TMĐT là thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng phức tạp và tinh vi.

Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, phân tán hàng hóa nhiều nơi, khó xác định được kho hàng. Bên cạnh đó, các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng nên rất khó kiểm soát.

Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm, lực lượng quản lý thị trường cũng gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, như các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng lập và sử dụng nhiều tài khoản riêng để thực hiện việc kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok... Các hành động này gây khó khăn cho lực lượng trong công tác xác minh địa điểm, kho hàng...

Ngoài ra, đối với các giao dịch trên mạng xã hội, việc chứng minh giao dịch thương mại là rất khó khăn, phức tạp, bởi người mua- người bán trao đổi qua inbox cá nhân; hàng hóa vận chuyển qua dịch vụ vận chuyển, hoặc qua đường bưu chính, thanh toán trực tuyến bằng tài khoản cá nhân.

Cần siết chặt quản lý, chế tài xử lý mạnh tay

Theo ngành chức năng, trong bối cảnh hiện nay, TMĐT là xu hướng phát triển tất yếu, vì vậy, việc ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái là một việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT, ông Lê Thanh Phong cho biết: Cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị có liên quan, tăng cường kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực TMĐT.

Theo đó, tổ chức giám sát các hoạt động TMĐT, mua bán online thông qua các website và ứng dụng trên nền tảng di động để bán hàng trên trang mạng xã hội.

Triển khai thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh thông qua các ứng dụng trên internet, website bán hàng, nhất là các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok,... nhằm chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng lợi dụng lòng tin của người mua hàng trên mạng để gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng của hàng hóa.

Đặc biệt là các mặt hàng cấm kinh doanh, hàng giả, hàng lậu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm…

Bên cạnh đó, cũng khuyến cáo, tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tham gia mua sắm qua ứng dụng TMĐT tại các website TMĐT uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; hàng hóa kinh doanh phải có đầy đủ thông tin theo quy định, nhất là thông tin của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và khi có thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa phải có các giấy tờ, chứng từ chứng minh việc giao dịch.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải kịp thời thông tin, tố giác đến các cơ quan chức năng các trường hợp mua bán hàng hóa qua mạng vi phạm các quy định của pháp luật để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh