Nâng chất sản phẩm OCOP

Cập nhật, 05:49, Thứ Sáu, 14/07/2023 (GMT+7)
Vĩnh Long có nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao. Trong ảnh: Nghề làm tàu hủ ky xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: NGỌC LIỄU
Vĩnh Long có nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao. Trong ảnh: Nghề làm tàu hủ ky xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: NGỌC LIỄU

(VLO) Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp với nhiều sản phẩm trái cây, làng nghề nổi tiếng góp phần hình thành nhiều sản phẩm của chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) đã và đang từng bước chinh phục thị trường.

Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, các sản phẩm OCOP của tỉnh cần được quan tâm, đầu tư “nâng chất” hơn, tức là cả lượng và chất để phục vụ tốt nhất cho thị trường trong nước với những đặc trưng riêng cũng như mang đậm nét văn hóa địa phương.

Hình thành những sản phẩm OCOP chất lượng

Kết thúc năm 2022, tỉnh đã công bố kết quả và trao chứng nhận cho 41 sản phẩm OCOP. Đây là năm thứ 4 thực hiện chương trình OCOP, Vĩnh Long đã có 107 sản phẩm đạt chứng nhận này.

Trong đó có 35 sản phẩm đạt 4 sao và 72 sản phẩm đạt 3 sao của 67 chủ thể. Năm 2022, chương trình tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đơn vị, số lượng sản phẩm đăng ký vượt so với kế hoạch. Hội đồng phê duyệt cấp tỉnh đã công nhận 41 sản phẩm của 31 chủ thể đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên.

Trong đó, có 2 sản phẩm đủ điều kiện đề xuất 5 sao (sầu riêng ri 6 và sầu riêng sấy thăng hoa của Công ty TNHH 6 Ri), 10 sản phẩm đạt 4 sao, 29 sản phẩm đạt 3 sao.

Có thể thấy, Vĩnh Long là một trong những tỉnh, thành ĐBSCL có số lượng sản phẩm OCOP tương đối cao. Theo đánh giá của ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, các sản phẩm OCOP của tỉnh có chất lượng tương đối cao, từng bước tăng tính cạnh tranh cũng như khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Để sản phẩm cạnh tranh tốt trên thị trường hiện nay thì doanh nghiệp (DN) phải có năng lực cạnh tranh nhất định. Riêng về sản phẩm, phải xác định được phân khúc và cách tiếp cận phù hợp, giá trị và lợi ích của sản phẩm mang lại phải vượt trội hơn các đối thủ cạnh tranh”- ông Nam chia sẻ.

Anh Nguyễn Hoàng Huy Lộc- chủ Cơ sở Sản xuất trà Trường Ái (Long Hồ) cho biết, với tâm huyết để sản phẩm địa phương có thể cạnh tranh trên thị trường, cơ sở đã không ngừng nghiên cứu chất lượng sản phẩm, mẫu mã để làm “hài lòng” người tiêu dùng.

“Hiện nay doanh thu hàng tháng của sản phẩm OCOP trà đinh lăng của cơ sở có doanh thu hơn 20 triệu đồng.

Tuy giá trị không lớn nhưng cũng rất tự hào khi đưa được sản phẩm của địa phương đến tay người tiêu dùng trong cả nước.

Đồng thời để mở rộng thị trường, cơ sở luôn theo sát các chương trình xúc tiến thương mại của địa phương, trưng bày ở các chương trình phát triển du lịch…”- anh Huy Lộc chia sẻ.

“Nâng chất” sản phẩm OCOP

Nâng chất sản phẩm OCOP không chỉ nâng chất lượng sản phẩm mà còn là những giá trị về văn hóa địa phương, góp phần phát triển du lịch…Ảnh minh họa
Nâng chất sản phẩm OCOP không chỉ nâng chất lượng sản phẩm mà còn là những giá trị về văn hóa địa phương, góp phần phát triển du lịch…Ảnh minh họa

Khi các sản phẩm OCOP của tỉnh đang dần có thị trường tiêu thụ, mặc nhiên không thể “tự thỏa mãn” mà cần phải nâng chất sản phẩm lên từng ngày để cạnh tranh và khẳng định thương hiệu sản phẩm của mình.

Theo thông tin từ Sở Công Thương trong kỳ họp thường kỳ tháng 6/2023, Vĩnh Long sẽ xây dựng 3 điểm trưng bày sản phẩm OCOP để sản phẩm không chỉ khẳng định chất lượng, thị trường tiêu thụ mà còn mang đến giá trị về hình ảnh cũng như là một phần sản phẩm du lịch địa phương.

Theo ông Nguyễn Tường Nam, nâng chất sản phẩm không chỉ là con số cụ thể mà nó còn là tinh thần hoặc cảm giác phù hợp với du khách mỗi khi đến Vĩnh Long.

“Để đảm bảo sản phẩm luôn cạnh tranh tốt trên thị trường thì DN phải luôn thích nghi tốt với những thay đổi và biến động. Điều này đòi hỏi DN phải chú ý xây dựng thương hiệu và văn hóa DN”- ông Nam cho biết thêm.

Thị trường trong nước vẫn luôn là “sân nhà” của sản phẩm trong nước và làm thế nào để cạnh tranh tốt nhất ở thị trường này là điều mà các cơ sở sản xuất, DN cần lưu ý.

Trong nước nói chung là thị trường 100 triệu dân thì TP Hồ Chí Minh là thị trường rất lớn với hơn 13 triệu dân. Thời gian qua, tỉnh và TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình xúc tiến thương mại nhằm đảm bảo liên kết, hợp tác hiệu quả giữa bên cung cấp và bên tiêu thụ.

Theo chương trình hợp tác kinh tế- xã hội giữa Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2022, hai địa phương đã tăng cường hợp tác trong hoạt động xúc tiến thương mại như đã phối hợp, hỗ trợ các DN TP Hồ Chí Minh đầu tư, mở rộng thị trường thương mại; tích cực hỗ trợ các DN của thành phố tổ chức các sự kiện thương mại lớn trên địa bàn tỉnh...

Qua đó đã tạo điều kiện để các DN có cơ hội giới thiệu rộng rãi sản phẩm, tìm kiếm đối tác, phát triển ngành công nghiệp chế biến ở Vĩnh Long và các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL.

Đồng thời thúc đẩy xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; hỗ trợ các DN và nông dân hoạt động hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Tường Nam, thị trường TP Hồ Chí Minh là thị trường rất lớn, ngoài ra thông qua đó cũng là cách nhanh hơn khi tiếp cận thị trường quốc tế.

Sản phẩm OCOP Vĩnh Long hiện nay được các DN quan tâm đầu tư chuẩn hóa hơn, thiết kế mẫu mã tốt hơn và cách phân phối cũng đa dạng hơn.

“Vĩnh Long cũng là tỉnh nông nghiệp với nhiều cây trái, làng nghề nổi danh, được nhiều người quan tâm nên phần nào cũng hỗ trợ những sản phẩm OCOP có liên quan.

Tuy nhiên, chúng ta cần nâng cao hơn nữa về chất lượng sản phẩm OCOP phù hợp với giá trị, quy hoạch phát triển liên kết bền vững nguồn nguyên liệu, chế biến sâu để nâng cao hơn nữa giá trị và sự đa dạng…

Đặc biệt, với nhu cầu phát triển du lịch, các sản phẩm OCOP chính là một sản phẩm liên kết trải nghiệm, truyền tải thêm những giá trị văn hóa, tinh thần bản địa, tạo được sự “thú vị” đối với du khách và người tiêu dùng không chỉ trong mà còn ngoài nước”- ông Nam cho biết.

Sở Công Thương cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025”. Đề án nhằm hỗ trợ các DN, HTX, hộ kinh doanh xây dựng chiến lược phát triển và quảng bá thương hiệu. Qua đó nâng cao mức độ nhận biết của khách hàng, tăng cường độ trung thành của khách hàng đối với sản phẩm của DN, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu phù hợp với điều kiện của DN, tạo sự khác biệt với sản phẩm khác, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; góp phần chống cạnh tranh không lành mạnh; xây dựng và phát triển những thương hiệu, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long;…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY