Khoảng 2 tuần qua, xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kéo dài ngày, đã khiến nhiều diện tích lúa bị thiệt hại. Trong đó, tại xã Long Phú (Tam Bình) lúa mới gieo sạ bị ngập sâu, gây thiệt hại nặng. Một số ruộng lúa giống chết hoàn toàn, nông dân phải bỏ vụ.
Nhiều ruộng lúa bị chết giống do mưa lớn kéo dài, nông dân phải giặm lại. |
Khoảng 2 tuần qua, xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kéo dài ngày, đã khiến nhiều diện tích lúa bị thiệt hại. Trong đó, tại xã Long Phú (Tam Bình) lúa mới gieo sạ bị ngập sâu, gây thiệt hại nặng. Một số ruộng lúa giống chết hoàn toàn, nông dân phải bỏ vụ.
Nhiều nông dân tại xã Long Phú cho hay, để né rầy, đã xuống giống theo lịch thời vụ của địa phương, tập trung vào con nước 15-25/5 âl. Song, sau khi xuống giống thì ruộng lúa gặp mưa lớn kéo dài liên tiếp trong nhiều ngày, lúa giống bị thiệt hại nặng.
Đang giặm lại lúa bị chết giống, chị Trương Thị Nương (xã Long Phú) cho hay: “Tôi có 6 công ruộng, mới sạ mấy ngày là dính ngay luồng mưa, mưa liên tục. Giờ lúa chết nhiều, hơn 1 công. Vợ chồng tôi giặm 4 ngày rồi mà chưa xong. Vụ này, lại lo chi phí tăng thêm vì phải tăng lượng phân để lúa mau hồi phục”.
Chú Đào Văn Chính- Trưởng ấp Phú Sơn B, xã Long Phú, cho hay: “Bà con sạ để né rầy, nhưng ai ngờ sạ xong thì gặp trời mưa dầm, lúa không lên mầm nổi, nhiều ruộng chết giống từ 50%, nhẹ thì 20-30%, có ruộng chết trắng”.
Chỉ vào miếng ruộng cách đó không xa, chú Chính cho biết thêm: “Chưa năm nào lúa bị ngập nặng như năm nay. Toàn bộ diện tích vừa gieo mất trắng do ruộng ở giữa, thoát nước không kịp. Chủ ruộng ở xa, cũng đành phải bỏ vụ này vì không thể sạ lại do đã trễ vụ.
Tôi có 7 công ruộng, mưa làm chết giống gần 2 công, cả nhà tôi 4 người giặm mấy ngày chưa xong. Giặm xong rồi còn lo phục hồi lúa, rải thêm phân. Vụ này chi phí đội lên nhiều, chắc không lời nổi”.
Ông Lê Minh Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú, cho biết: Vụ lúa Thu Đông năm nay, toàn xã có kế hoạch xuống giống gần 600ha, tập trung con nước 15-25/5 âl.
Tuy nhiên, đợt xuống giống ngay đợt mưa lớn, kết hợp với triều cường khiến lúa bị thiệt hại. Theo đó, có 11,5ha lúa bị thiệt hại từ 50% trở lên, với hơn 30 hộ dân bị thiệt hại, trong đó có một số hộ bị thiệt hại 100%, tập trung ở 2 ấp Phú Sơn B và Phú Sơn C.
Địa phương đã vận động nông dân khơi thông dòng chảy ở các tuyến kinh mương, nhằm thoát nước nhanh trên các cánh đồng, hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật để phục hồi lúa sau khi nước rút. Đồng thời, phối hợp với các trưởng ấp rà soát, khảo sát thực tế, nắm tình hình, thống kê, đánh giá thiệt hại để báo cáo ngành chức năng có hướng hỗ trợ.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, ngành nông nghiệp khuyến cáo địa phương, nông dân cập nhật thường xuyên tình hình dự báo thời tiết, nông dân tăng cường công tác thăm đồng để có biện pháp ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, nông dân cần khai thông dòng chảy, tích cực bơm thoát nước chống ngập úng cho lúa và các loại cây trồng khác nhằm giảm thiệt hại.
Song song đó, để phục hồi cây lúa sau khi bị ngập úng, đối với những ruộng lúa mới sạ, bị ngập nặng thì khẩn trương tiêu thoát nước ra khỏi ruộng. Đối với những diện tích lúa bị ảnh hưởng nhẹ, cần vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ sục bùn và tỉa giặm bổ sung cho lúa để đảm bảo mật độ.
Đối với những diện tích lúa vùng trũng ngập nước kéo dài không có khả năng hồi phục cần giặm lại ngay sau khi nước rút bằng các giống mạ dự phòng hoặc san tỉa từ những chân ruộng mới cấy không bị ảnh hưởng ngập úng. Sau khi rút nước, sử dụng phân bón có tác dụng kích thích rễ mới ra, làm giảm ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ trên lúa, giúp lúa mau đẻ nhánh.
Nên sử dụng các loại phân dễ hòa tan, dễ hấp thu để giúp cây lúa hồi phục nhanh, đẻ nhánh khỏe. Tuyệt đối không bón đạm hay phân hỗn hợp NPK ngay sau khi nước rút. Đồng thời, cũng cần theo dõi phòng trừ ốc bươu vàng.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin